Việt Nam Thời Báo

VNTB – Có những bà mẹ trời ơi…

Thiên Thư

 

(VNTB) – Vẫn còn đâu đó một số bà mẹ thuộc nhóm cá biệt.

 

Để ca ngợi tấm lòng người mẹ, ca dao, dân ca hay dòng văn học dân gian Việt Nam có những câu tiêu biểu như: “Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”; “Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng”; “Lên non mới biết non cao/ Nuôi con mới biết công lao mẹ hiền”…

Phương Tây có ngày của Mẹ. Đó là một ngày kỷ niệm để tôn vinh các người mẹ và tình mẹ, sự gắn kết của mẹ và ảnh hưởng của các bà mẹ trong xã hội. Ngày này được tổ chức vào những thời gian khác nhau ở nhiều nơi trên thế giới, phổ biến nhất là vào tháng Ba hoặc tháng Năm. Nó bổ sung cho các lễ kỷ niệm tương tự để tôn vinh các thành viên trong gia đình như Ngày của Cha, Ngày Anh-Chị-Em và Ngày của Ông-Bà.

Có thể nói, những lời ca tụng, những lời hoa mỹ cũng như những ngày Tri ân dành cho các bà mẹ hết lòng thương con, chăm chút cho con từng miếng ăn giấc ngủ, dõi theo con đến hết cuộc đời… là điều thật sự rất đáng được tôn vinh. Dù thực tế cũng có nhiều bà mẹ thấy chuyện đó là bình thường. Thế nhưng, tồn tại song song đó, vẫn còn một số trường hợp thuộc nhóm cá biệt.

Nếu nói những trường hợp cá biệt này thuộc tuýp cha mẹ thờ ơ thì cũng không hẳn là đúng. Bởi không những thờ ơ, phó mặc cuộc sống của con cái mình trôi theo dòng nước; có bị sóng dập sóng nhồi, cũng mặc kệ… mà ở đây là vừa thờ ơ vừa buộc con cái phải lo cho mình từng chút một.

“Tôi có biết một trường hợp, là một người bạn của tôi. Nó kể, xin lỗi chứ không phải mình tôi, cả mấy đứa bạn khác cũng không tin. Lúc còn nhỏ, nó làm sai một cái gì đó, là mẹ nó đánh nó tới mức đau chịu không kể xiết. Có lần đau quá, nó quỳ xuống van xin, mẹ nó vẫn tiếp tục xuống tay. Sau đó nó bỏ nó chạy, nó khóa cửa nó trốn. Mẹ nó với nét mặt rất ác, dí nó, phá khóa, chạy vô phòng, đánh cho nó nhừ tử. Còn ba nó thì chẳng nói gì, ông nội nó cũng không can được mẹ nó. Tưởng rằng khi lớn lên, với những hành động quan tâm, lo lắng của nó từ miếng ăn đến giấc ngủ, nhưng không, mẹ nó càng lúc càng quá đáng. Đám cưới nó không lo thì chớ, còn đòi hỏi, chê bai này nọ. Nó đã mệt mỏi, còn buộc nó phải nghe lời người này, người kia”, Mạnh Đồng kể.

“Nghe là thấy chói tai rồi, ép một đứa con nít vào đường cùng, chỉ để thỏa mãn cái tính bạo lực, chẳng biết phải là mẹ không nữa. Còn một trường hợp khác. Đứa con rất biết lo cho gia đình, gần như tất cả mọi thứ trong nhà đều do nó sắm. Đúng là có thứ là mẹ nó sắm nhưng tiền nó đưa. Vậy mà mẹ nó cũng không hài lòng. Nếu nó sắm cho mẹ nó thì bả không nói gì. Còn mỗi lần nó sắm cho nó, dù chỉ là một cái áo mới, bả cũng liếc rồi khó chịu, thậm chí là chửi bới luôn. Nó sắm đồ cho ba nó, cũng bị bả liếc. Nó làm trai tăng cho người nhà đã mất của nó, bả không những không đi còn đi rêu rao nói nó bất hiếu này nọ. Nó thất bại thì hả hê, cùng với người ngoài cười mỉa. Nó thành công thì ghét. Còn trù nó bệnh, trù con nó bệnh. Tui nói thiệt, nào giờ tui chỉ thấy trên phim. Nói thiệt là không nghĩ ngoài đời có người ác dữ vậy! Trái tim người mẹ mà kỳ cục vậy trời. Cũng như anh bạn trẻ Đồng, tui đi nói với người khác chuyện này, không ai tin luôn. Ai nghĩ mẹ nào mà so đo với con mình như vậy”, bà Nguyễn Thị Út, một người mẹ tảo tần nuôi hai đứa con ăn học, chia sẻ.

Trong Luật Trẻ em 2016, Bộ luật Hình sự 2015, Hiến pháp 2013, Điều 22 Nghị định 130/2021/NĐ-CP… quy định rất rõ về quyền của trẻ em cũng như hành vi bạo hành trẻ em và lỗi phạt. Ở nước ngoài, trẻ em bị đánh có thể gọi 911 hoặc trẻ em nước ngoài ở Việt Nam biết gọi điện thoại báo công an, còn những trẻ em Việt Nam thì sao? Được bao nhiêu đứa trẻ biết mỗi khi bị bạo hành như vậy, bị dí đánh đến đường cùng như vậy, gọi điện thoại báo công an? Và nếu biết, khi gọi xong, khi mọi việc được giải quyết, cuộc sống của những đứa trẻ sẽ như thế nào?

Dẫu biết rằng, những trường hợp nói trên, có thể chỉ nằm trong số nhóm cá biệt. Song, “nói gì thì nói, cũng đau chứ. Rõ ràng là mình đã tận tâm, lo đến mức ăn không đủ cữ, ngủ không đủ giấc, còn bị rêu rao, còn bị nói xấu, còn bị chửi rủa. Mà thôi, nhiều khi nghĩ, cái nghiệp, xuống trần gian này để trả nợ. Nên đành cố gắng”

Rồi đây, sẽ có được bao nhiêu luồng dư luận có cái nhìn cảm thông cho những trường hợp éo le nói trên? Hay chăng sẽ tiếp tục dùng chữ hiếu để buộc đứa con phải này phải nọ, ép nó cho đến khi đứa con sức cùng lực kiệt?

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Kinh tế yếu, hoa xuân cũng buồn

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Nhắc đến đất đai, đủ mọi phiền phức

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Cái cần là ý thức người dân

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.