Việt Nam Thời Báo

VNTB – Có phải Công đoàn độc lập đã được phép thành lập?

T.K. Trần

 

(VNTB) – Trong tương lai gần, chưa thể tính tới việc thành lập “công đoàn độc lập“với những cơ cấu quy mô như chúng ta chờ đợi

 

Có một thực tế là tình trạng đời sống công nhân Việt Nam rất tồi tệ. Họ phải làm việc nhiều giờ: 48 tiếng/tuần, cộng thêm tăng ca hàng chục tiếng hàng tháng, nhưng tiền lương kiếm được cũng không đủ sống, dẫn tới tình trạng sức khỏe kiệt quệ, sớm mất sức lao động, đời sống khó khăn, chật vật, thường xuyên phải vay mượn. Đó là chưa nói tới tình trạng mất việc làm, giảm giờ làm hiện nay đang tràn lan.

Yêu cầu có một tổ chức để bảo vệ họ là vô cùng khẩn thiết. Công đoàn Việt Nam là tổ chức của đảng CSVN đang hiện diện, không đáp ứng được nhu cầu của người lao động. 

Người lao động cần có một chọn lựa khác, cần có một tổ chức khác hữu hiệu hơn để bảo vệ lợi ích của họ. Có nhiều nguồn tin cho rằng nhà nước Việt Nam cũng đã cho phép thành lập “Công đoàn độc lập“. Có thực là như vậy không?

“Công đoàn độc lập“ là gì?

Theo định nghĩa hạn hẹp thì công đoàn là đoàn thể của những người làm công.Thông thường chúng ta hiểu “công đoàn độc lập“ là một tổ chức có quy mô tương ứng với Công đoàn Việt Nam (CĐVN)của đảng CSVN hiện nay. Có nghĩa là cũng có thể có nhiều cấp bậc từ dưới lên trên: từ cơ sở tới trung ương, có chủ tịch, ban chấp hành…nhưng độc lập, không chịu sự chi phối của đảng CSVN.

Nhà nước Việt Nam có cho phép thành lập “Công đoàn độc lập“ không?

Câu trả lời rõ ràng và dứt khoát là KHÔNG.

Nhà nước Việt Nam không, hay chưa bao giờ cho phép thành lập “công đoàn độc lập“.

Trong tất cả mọi văn bản chính thức của nhà nước: Từ luật Lao động cho tới luật Công đoàn, nội quy Công đoàn, các văn bản dưới luật, nghị định này nọ của chính phủ chúng ta sẽ không bao giờ tìm thấy từ ngữ “công đoàn độc lập“, nói chi tới một văn thư cho phép thành lập “công đoàn độc lập“.

Từ ngữ “công đoàn độc lập“ chỉ được nhắc tới trong những tờ báo lề phải, trong các trang mạng của dư luận viên như là “một thế lực thù địch đánh phá nhà nước“.

Tại sao lại có ngộ nhận là nhà nước Việt Nam cho lập “Công đoàn độc lập“?

Bộ luật Lao động 2019, có hiệu lực từ 01/01/2021 có chương XIII nói về quy định quyền và nghĩa vụ của các “tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở“. Trong đó, đáng chú ý nhất là quyền đại diện người lao động để thương lượng, đối thoại với người sử dụng lao động, quyền tổ chức và lãnh đạo đình công được nêu lên. Trên nguyên tắc, những quyền căn bản này phù hợp với chuẩn mực quốc tế. 

Từ đó có diễn giải là nhà nước cho phép thành lập “công đoàn độc lập“.Tuy nhiên “Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở“ trong luật Lao động khác xa với “công đoàn độc lập“ theo cách hiểu hay mong đợi của chúng ta.

“Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở“ khác “công đoàn độc lập“ ở những điểm nào?

Điểm khác biệt căn bản, cũng là quan trọng nhất là “tổ chức người lao động tại cơ sở“ chỉ được phép hoạt động trong phạm vi hạn hẹp của một xí nghiệp đơn lẻ XYZ nào đó mà thôi, không có tính quy mô của một công đoàn.

“Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở“ không được hoạt động trên cấp bậc cao hơn, không được tổ chức trên bình diện ngành nghề, không được tổ chức trên bình diện địa phương (tỉnh, thành phố) hay quốc gia. Việc liên kết trong các tổ chức quốc tế khác như WFTU hay ITUC là không thể.

Luật Lao động giảm thiểu hiệu năng của các “tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở“như thế nào?

Luật cho phép thành lập những “tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở“ độc lập, ở ngoài hệ thống CĐVN. Đó là một khía cạnh tích cực. Nhưng trong luật Lao động cũng có nhiều tiềm ẩn giới hạn hiệu năng của các tổ chức này. Ví dụ:

1. Hiện chưa có quy định về số hội viên cần thiết để thành lập một tổ chức độc lập. Nhưng nếu tương ứng với luật Công đoàn, thì chỉ cần 5 người là có thể thành hình một tổ chức đại diện tại cơ sở. Luật (điều 68) không hạn chế số lượng các tổ chức độc lập được cho phép trong một xí nghiệp. Như thế sẽ xuất hiện rất nhiều “tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở“ (độc lập thực sự hay độc lập giả hiệu) trong một xí nghiệp và hàng nghìn tổ chức độc lập nhưng manh mún như vậy trong cả nước. Việc phải chia năm xẻ bảy số lượng đoàn viên sẽ làm các tổ chức độc lập rất yếu ớt.

2. Luật (điều 174, mục c) không cấm đoàn viên của tổ chức này không được là đoàn viên của tổ chức khác. Điều này sẽ dẫn đến sự thâm nhập của cán bộ CĐVN vào các tổ chức độc lập khác để khuynh đảo.

3. Luật (điều 68, mục 2) đòi hỏi là chỉ có tổ chức nào có đông đoàn viên nhất mới được đứng ra đại diện người lao động thương lượng với chủ doanh nghiệp. Quy định này rõ ràng là bất lợi cho các tổ chức đối lập có dăm bảy đoàn viên so với CĐVN có hàng chục triệu đoàn viên trong cả nước.

4. Luật (điều 171 mục 3) cho phép các tổ chức đại diện người lao động có thể liên kết, gia nhập CĐVN của nhà nước, một hình thức vô hiệu hóa hay đồng hóa đối thủ.

5. Luật (điều 73) chỉ cho phép “độc lập“ các tổ chức lao động trong đơn vị nhỏ nhất của quan hệ lao động là các xí nghiệp đơn lẻ. Nghĩa là hiệu năng – nếu có –  chỉ được phát huy trong giải quyết các tranh chấp lao động nội bộ của xí nghiệp. Các vấn đề lao động lớn liên quan tới chính sách của cả nước như tiền lương tối thiểu, giờ làm việc tối đa của người lao động…hay các vấn đề đặc thù của các ngành nghề khác nhau vẫn thuộc thẩm quyền của tổ chức công đoàn nhà nước (CĐVN).

 

Nhà nước Việt Nam đã cho thành lập các “Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở “chưa?

Câu trả lời là chưa. Nhà nước chưa cho phép thành lập các tổ chức này. 

Điều này thoạt tiên có vẻ là nghịch lý, một khi luật Lao động đã cho phép. Tuy nhiên ở Việt Nam thì có luật là một chuyện, thi hành luật lại là chuyện khác.

Các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở (nếu có) không thể đăng ký thành lập. 

Lý do là luật Lao động trong mục 4 của điều 172 ghi:”Chính phủ quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký, thẩm quyền, thủ tục cấp đăng ký, thu hồi đăng ký…”. Tuy nhiên luật không đặt mốc thời gian. Nghĩa là chính phủ không bị bắt buộc phải ra quy định cụ thể về việc đăng ký (hồ sơ, thủ tục, trình tự…) trong thời hạn nào nhất định. 

Chỉ khi nào nhà nước ban hành quy định cụ thể về việc đăng ký thì chúng ta mới có thể nói rằng nhà nước đã cho phép thành lập các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, với những giới hạn của nó.

Cho tới nay vẫn chưa có những quy định liên hệ. 

                                                                                       oOo

Những ràng buộc của các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết với quốc tế đã khiến nhà nước Việt Nam phải sửa đổi luật Lao động, công nhận các tổ chức độc lập đại diện cho người lao động tại cơ sở. Mặc dù hoạt động của những tổ chức độc lập này chỉ được phép trong phạm vi nhỏ bé của một xí nghiệp, nhưng nó cũng là một nhân tố quan trọng trong việc bảo vệ lợi ích của người lao động.

Nhiệm vụ hàng đầu của tất cả mọi người quan tâm tới lợi ích người lao động Việt Nam là phải thúc đẩy mạnh mẽ việc ban hành những quy định cần thiết để những “tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở“ sớm được thành lập công khai, hợp pháp .

Trong tương lai gần, chưa thể tính tới việc thành lập “công đoàn độc lập“với những cơ cấu quy mô như chúng ta chờ đợi.


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Cơ sở pháp lý cho các tổ chức công đoàn “ngoài quốc doanh” tại Việt Nam hiện nay?

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Quyền tự do công đoàn trong bộ luật lao động ở Việt Nam?

Phan Thanh Hung

VNTB – Việt Nam vẫn chưa thể có các tổ chức công đoàn ‘ngoài quốc doanh’

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo