VNTB – Có quy định nào ghi xử giám đốc thẩm là ‘xử kín’?

VNTB – Có quy định nào ghi xử giám đốc thẩm là ‘xử kín’?

Trần Dzạ Dzũng


(VNTB) – Câu trả lời là không, mặc dù nhìn chung các phiên xử giám đốc thẩm lâu nay hầu hết là ‘xử kín’.

Bộ Luật tố tụng hình sự, phiên bản 2015, dành chương XXV cho nội dung “Xét lại bản án và quyết định đã có hiệu lực pháp luật”, từ điều 370 tới điều 396.

Không mời vì thấy… không cần thiết?

Bộ Luật tố tụng hình sự, “Điều 383. Những người tham gia phiên tòa giám đốc thẩm:

1. Phiên tòa giám đốc thẩm phải có sự tham gia của Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp.

2. Trường hợp xét thấy cần thiết hoặc có căn cứ sửa một phần bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, Tòa án phải triệu tập người bị kết án, người bào chữa và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng nghị tham gia phiên tòa giám đốc thẩm; nếu họ vắng mặt thì phiên tòa giám đốc thẩm vẫn được tiến hành”.

Ở phiên tòa giám đốc thẩm bắt đầu từ hôm 6-5 về vụ án xảy ra ở Bưu cục Cầu Voi vào đầu năm 2008, phiên tòa có triệu tập người bào chữa với việc yêu cầu người này trình bày phần nội dung được cho là ‘tình tiết mới’ trong vòng 20 phút, sau đó thì vị luật sư ấy được mời rời phiên tòa. Người bị kết án không được triệu tập.

Việc luật sư ‘được mời rời phiên tòa’, cho thấy dấu hiệu vi phạm tố tụng. Theo đó, điều 386. Thủ tục phiên tòa giám đốc thẩm, ở khoản 2 quy định:

“2. Trường hợp người bị kết án, người bào chữa, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng nghị có mặt tại phiên tòa thì những người này được trình bày ý kiến về những vấn đề mà Hội đồng giám đốc thẩm yêu cầu.

Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về quyết định kháng nghị và việc giải quyết vụ án.

Kiểm sát viên, người tham gia tố tụng tại phiên tòa giám đốc thẩm tranh tụng về những vấn đề liên quan đến việc giải quyết vụ án. Chủ tọa phiên tòa phải tạo điều kiện cho Kiểm sát viên, người tham gia tố tụng trình bày hết ý kiến, tranh luận dân chủ, bình đẳng trước Tòa án”.

Như vậy người tham gia tố tụng ở đây chưa tranh biện được gì thì đã được mời rời phiên tòa. Điều đó cho thấy ngay ở buổi đầu tiên của phiên tòa giám đốc thẩm vụ án, đã ít nhiều ngờ vực về yêu cầu “công tâm, khách quan, toàn diện và đúng pháp luật”.

Ném đá để dò đường dư luận cho việc ‘y án’?

Thiếu khách quan ở đây bước đầu được nhận diện qua tường thuật của bài báo trên tạp chí Tòa án nhân dân điện tử – cơ quan Tòa án nhân dân tối cao. Bài báo này có đoạn như sau:

“Kết thúc buổi sáng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình kết luận: Như vậy, Đại diện VKSNDTC và các cơ quan tố tụng đã thống nhất là Hồ Duy Hải thừa nhận có đập đầu và cắt cổ chị Hồng. Vấn đề không thống nhất là cơ quan tiến hành tố tụng Long An cho rằng Hải đập đầu chị Hồng bằng thớt, loại trừ đập đầu vào lavabo như lời khai trước đó, trong khi đó đại VKSNDTC không loại trừ việc thủ phạm đập đầu nạn nhân vào lavabo” (*).

Sở dĩ gọi là thiếu khách quan, vì theo nội dung tường thuật thì hành vi phạm tội của Hồ Duy Hải là có, song vật dụng để gây án là gì thì còn tranh luận.

Theo lịch xét xử, buổi sáng ngày 8-5, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao phát biểu quan điểm, sau đó Hội đồng Thẩm phán đánh giá các chứng cứ trên cơ sở tài liệu đã nghiên cứu và quá trình hỏi và nghe giải trình hai ngày qua.

Buổi chiều 8-5, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tuyên án.

Dự kiến, ở phiên diễn ra sáng ngày 8-5, có mặt luật sư Trần Hồng Phong. Cuối giờ chiều ngày 7-5, luật sư Phong vừa về tới Sài Gòn thì nhận được lời mời quay trở lại phiên giám đốc. Người mời là Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình.

Vẫn chưa tắt hy vọng

Giả dụ như tình huống phiên giám đốc thẩm vẫn tuyên Hồ Duy Hải có tội thì vẫn còn hy vọng bước tiếp theo của “Thủ tục xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao”, được quy định từ điều 404 đến 412, Bộ Luật tố tụng hình sự.

Có 3 trường hợp ở đây về trình tự. Thứ nhất, khi có căn cứ xác định quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao không biết được khi ra quyết định đó, nếu Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu, Ủy ban tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị thì Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối phải mở phiên họp để xem xét lại quyết định đó.

Thứ hai, trường hợp Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu thì Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm báo cáo Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Thứ ba, trường hợp Ủy ban tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị thì Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao mở phiên họp xem xét kiến nghị đó.

Thật ra còn có một trường hợp thứ tư, là khi Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị, thì báo cáo Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao mở phiên họp xem xét đề nghị đó. Tuy nhiên ở phiên giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải, ngồi ghế chủ tọa đã là Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, nên trường hợp thứ tư này coi như loại trừ.

Đừng công khai kiểu ‘nửa ổ bánh mì’(!?)

Trở lại về câu hỏi của tựa bài viết này, lâu nay pháp luật không có quy định phiên tòa giám đốc thẩm thì phải xử kín hay xử công khai. Hiện nay đa số vụ án giám đốc thẩm đều được xử kín, báo chí, luật sư và đương sự không được tham gia.

Tuy nhiên cần phải thấy rằng bản chất của giám đốc thẩm là xét lại bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật, nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án.

Phiên tòa giám đốc thẩm nên để báo chí tham dự. Bởi xét về bản chất, báo chí là cơ quan truyền thông, góp phần thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội. Phiên tòa càng công khai, minh bạch, càng có sự tham gia phản biện của nhiều tổ chức xã hội thì trách nhiệm của người tham gia xét xử càng được nâng cao, chất lượng công việc ngày càng tốt.

Ở phiên giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải, đúng là báo chí có tham gia, nhưng lại theo xét duyệt, không phải tờ báo nào cũng có quyền cử phóng viên đến để ghi nhận. Loạt bài tường thuật trên tạp chí của chính cơ quan Tòa án nhân dân tối cao là một minh chứng cho băn khoăn đó.

_______________

Chú thích:

(*) https://tapchitoaan.vn/bai-viet/thoi-su/giam-doc-tham-vu-an-ho-duy-hai-cong-tam-khach-quan-toan-dien-va-dung-phap-luat

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)