VNTB – Cờ vàng tại Hà Tĩnh: thiếu khôn ngoan hay sự bức xúc lên đỉnh điểm

Kỳ Lâm (VNTB) Lá cờ vàng – ba sọc đỏ xuất hiện công khai trong cuộc biểu tình liên quan đến Formosa tại Kỳ Anh (Hà Tĩnh) vào sáng 9/4, nhiều ý kiến trái chiều về điều này, trong đó đề cập khả năng chính quyền sẽ lấy cớ “đàn áp”.

“Thiếu khôn ngoan”

Lá cờ của chế độ Việt Nam Cộng Hòa xuất hiện công khai tại Kỳ Anh (Hà Tĩnh) nhằm phản đối việc bồi thường không thỏa đáng trong việc trưng dụng đất của dân để làm ruộng muối và liên quan đến vụ kiện Formosa. Lá cờ được cắm tại ruộng muối và xuất hiện tại một cổng nhà được cho là của ông Chủ tịch UBND xã Kỳ Hà (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh).
Video ghi lại cảnh trên đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều trên facebook.
Blogger và nhà đấu tranh nhân quyền Trịnh Anh Tuấn bức xúc, nhấn mạnh, đây là hành động xúi giục, và điều này hoàn toàn thiếu khôn ngoan, bởi từ “đòi quyền lợi”, bà con ngư dân sẽ bị “biến thành chống chế độ.
Đồng tình với Trịnh Anh Tuấn, Facebooker Hien Nguyen cho rằng, việc cầm cờ vàng ba sọc đỏ khiến cho sự hô hào dân đi biểu tình là đòi quyền lợi, là bảo vệ môi trường…. bị chuyển sang “mục đích chính trị”.
Facebooker Phong Trung Lê còn cảnh báo rằng, việc giương lá cờ vàng ba sọc đỏ khiến cho cộng sản có kế để làm bất cứ điều gì bất lợi cho người dân.
“Tự do – công lý – ấm no”?
Sự xuất hiện cờ vàng lần đầu tiên tại vùng đất Hà Tĩnh là thể hiện cho việc bức xúc lên đến đỉnh điểm, và người dân đã hiểu đằng sau biểu tượng cờ vàng là tự do, công lý, ấm no, Facebooker Lê Thông Tuệ bày tỏ.
Phản đối việc luận điểm người dân bị xúi giục, và điều này sẽ khiến cho chính quyền có cớ để đàn áp. Nhà báo tự do Lê Diễn Đức khẳng định, người dân bị dẫn dụ hay tự nguyện cầm cờ vàng chẳng phải là quan trọng, mà theo ông, “quan trọng là luật pháp CHXHCN Việt Nam không cấm sử dụng biểu tượng đó. Họ có quyền sử dụng cờ vàng, cờ ngũ sắc, cờ tai nheo, thậm chí cờ tang” , bởi nó không bị luật pháp ngăn cấm.
Facebooker Dũng Phi Hổ trong một phản hồi với những quan điểm phản đối đã nhấn mạnh, việc đàn áp lúc nào cũng xảy ra chứ không phải nằm ở lá cờ, bản chất sự phản đối nằm ở “ôn hòa”. Đồng thời, facebooker này tự chất vấn rằng, việc người dân cầm lá cờ có vi phạm luật pháp Việt Nam hiện hành không?
Trong một thông tin liên quan, theo báo Hà Tĩnh, vào chiều ngày 12/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh công bố quyết định khởi tố vụ án hình sự “Gây rối trật tự công cộng và bắt giữ người trái pháp luật” xảy ra tại xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà vào ngày 3/4/2017 theo Điều 245 và Điều 123 của Bộ luật Hình sự.
Cần một tính toán dài hơi hơn
Đây không phải là lần đầu tiên phong trào đấu tranh giành công lý, nhân quyền tại Việt Nam tranh cãi về việc “cờ vàng”. Cách đây không lâu, facebooker Dũng Phi Hổ cũng khiến cho nhà báo – blogger Đoan Trang phải lên tiếng khi sử dụng bộ sắc phục liên tưởng đến VNCH trong phong trào biểu tình vì cây xanh 2015.[1] Bởi vì theo cô, “lực lượng công an, cảnh sát, dân phòng, hoàn toàn có thể lấy cớ “cờ vàng xuất hiện” để chặn đứng và phá vỡ buổi tuần hành.” Điều này càng ảnh hưởng hơn nữa, khi mà trong cuộc tuần hành này, có “rất nhiều người tham gia lần đầu tiên, với mục đích thuần túy là để biểu thị tình yêu cây xanh và tình yêu Hà Nội.”
Điều đó cho thấy rằng, ở hướng phản đối hay bảo vệ sự hiện diện lá cờ vàng thì nó cũng vô tình tạo nên một cuộc tranh luận chưa thực sự hợp lý trong hoàn cảnh này. Bởi một trong những yếu tố làm nên sự thành công của một phong trào hay cuộc đấu tranh chính là sự tính toán ổn nhất những sự kiện hoặc tranh luận nào nên được diễn ra và không nên được diễn ra. Trong vấn đề nêu trên, cờ vàng xuất hiện trong cuộc biểu tình về môi trường, dù mục đích chung nhất vẫn là đòi Formosa rời khỏi Việt Nam và nhà nước phải minh bạch mọi chuyện, nhưng khi “cờ vàng” xuất hiện, nó đã làm chia rẽ những người đã và đang thực hiện “mục đích chung” đó, và sự thực diễn ra như vậy. Sự tranh cãi nảy lửa giữa blogger Trịnh Anh Tuấn và Dũng Phi Hổ với những người ủng hộ quan điểm mỗi bên đã khiến cho vấn đề chung nhất bị phai nhạt, là cớ để cho nhóm “hồng vệ binh” sử dụng vào đó nhằm công kích và bôi nhọ hình ảnh chung của phong trào (xuất phát từ lời ăn, tiếng nói và cách hành xử của mỗi một cá nhân trong phong trào). Điều đáng nói, sự chia rẽ này diễn ra ngay trong nội bộ đấu tranh nhân quyền ở miền Bắc, nếu diễn biến rộng hơn, nó có thể là câu chuyện Bắc – Nam, và nhà cầm quyền có thể lợi dụng điều này để có thể thực hiện mưa đồ “chia để trị”, bằng cách tạo điều kiện cho cờ vàng xuất hiện, sau đó tiến hành dập tắt nhằm khiến cho hang ngũ những người đấu tranh mất đoàn kết vì tranh cãi.
Ở một góc nhìn khác, sự xuất hiện của lá cờ vàng dù pháp luật không cấm, tuy nhiên nó cũng sẽ tạo ra không ít về mặt tiêu cực trong phong trào. Trước hết, nhà cầm quyền sẽ cáo buộc là người dân đi kiện nhận tiền từ nước ngoài và chịu sự kích động thông qua lá cờ vàng, điều này sẽ khiến những nhóm dân đi kiện khác sẽ nhận nguy cơ lớn từ sự đàn áp mạnh tay. Trong khi đó, nhóm “hồng vệ binh” cũng sẽ có điều kiện “tốt hơn” trong sử dụng luận điệu “đấu tranh chính trị nhằm chống chế độ” thay vì một cuộc đấu tranh đòi công lý cho những ai đã và đang chịu ảnh hưởng từ thảm họa môi trường Formosa. Cuối cùng, sự xuất hiện lá cờ vàng, cũng tạo ra một chướng ngại không nhỏ trong việc người dân có xu hướng ủng hộ, cảm tình với cuộc đấu tranh chống lại Formosa, bởi họ sẽ cảnh giác về một ý định khác nấp phía sau lá cờ.
Cũng liên quan đến câu chuyện lá cờ, sau khi lá cờ của Công giáo bao vây cổng nhà máy Formosa, một luận điệu về việc sử dụng tôn giáo để hoạt động chính trị, thậm chí “hồng vệ binh” còn xuyên tạc đó là cờ vàng của chế độ VNCH. Trước vấn đề này, Giáo xứ Song Ngọc (Giáo phận Vinh), mà đứng đầu là Linh mục JB. Nguyễn Đình Thục đã linh động sử dụng cờ ngũ sắc [ngũ sắc kỳ linh – tương truyền có từ thời Hùng Vương] trong chuyến đi tới Tòa án Nhân dân thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, để nộp đơn khởi kiện Formosa. Ngay lập tức, các luận điệu xuyên tạc, cáo buộc xoay quanh lá cờ chấm dứt hoàn toàn. 
LM Nguyễn Văn Lý trong một lời kêu gọi về tổng biểu tình toàn quốc cũng đề ra là dùng lá cờ 5 ngũ sắc, và đây được xem là “nguyên tắc và phương thế quy tụ toàn dân”.
Như vậy, lá cờ không chỉ là sự xuất hiện của nó, mà cần phải tính toán hợp lý giữa việc đáp ứng nhu cầu của một nhóm người với quyền lợi của một cộng đồng đấu tranh, theo hướng giảm thiểu rủi ro đến mức xấu nhất có thể, và đó mới chính là hướng đi dài hạn cho trận chiến trường kỳ về đấu tranh nhân quyền hiện nay. 
[1] http://www.phamdoantrang.com/2015/04/chuyen-thong-iep-o-cuoc-tuan-hanh-vi_13.html

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)