Trường Sơn
(VNTB) – 5 trong số 85 người tấn công hai trụ sở UBND xã ở Đắk Lắk hiện đang bị truy nã.
75 trong tổng số 84 người tấn công hai trụ sở UBND xã ở Đắk Lắk bị bắt tạm giam về tội Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân, theo Điều 113 Bộ luật Hình sự. Và có 5 người trong số đó hiện đang bị truy nã.
Trong Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi 2017) có quy định về 3 tội phạm liên quan đến khủng bố gồm: Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 113), Tội khủng bố (Điều 299) và Tội tài trợ khủng bố (Điều 300).
Theo Điều 113 Bộ luật Hình sự 2015 về tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân được hiểu như sau: Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà xâm phạm tính mạng của cán bộ, công chức hoặc người khác hoặc phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm: Thành lập, tham gia tổ chức khủng bố, tổ chức tài trợ khủng bố; Cưỡng ép, lôi kéo, tuyển mộ, đào tạo, huấn luyện phần tử khủng bố; chế tạo, cung cấp vũ khí cho phần tử khủng bố; Xâm phạm tự do thân thể, sức khỏe của cán bộ, công chức hoặc người khác; chiếm giữ, làm hư hại tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân; Tấn công, xâm hại, cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Khủng bố cá nhân, tổ chức nước ngoài hoặc các tổ chức quốc tế nhằm gây khó khăn cho quan hệ quốc tế của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì cũng bị xử phạt theo Điều 113 Bộ luật Hình sự 2015.
Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Có ý kiến rằng các hành vi của “biến loạn” ở 2 xã tại Đắk Lắk của đêm về sáng ngày 11-6-2023 đã “thỏa mãn điều kiện” của tội bạo loạn. Tuy nhiên nhà chức trách lại cho rằng là “khủng bố”, rất có thể vì muốn “trói buộc” tổ chức nào đó từ nước ngoài mà lâu nay Hà Nội coi là “cái gai” cần “phải nhổ”.
Theo pháp luật hình sự hiện hành, tại Điều 112. Tội bạo loạn, ghi toàn văn như sau:
“Người nào hoạt động vũ trang hoặc dùng bạo lực có tổ chức hoặc cướp phá tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chống chính quyền nhân dân, thì bị phạt như sau:
1. Người tổ chức, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình;
2. Người đồng phạm khác, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm;
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”.
Luật sư Tr.Th. phân tích về khách thể của tội phạm, thì theo quy định của điều luật hình sự 112, bạo loạn là hoạt động vũ trang hoặc dùng bạo lực có tổ chức hoặc cướp phá tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chống chính quyền nhân dân. Sự ổn định, vững mạnh của chính quyền nhân dân là điều mà pháp luật hình sự cần bảo vệ. Do đó, khách thể của tội bạo loạn là sự vững mạnh, an toàn của hệ thống chính quyền nhân dân.
Mặt khách quan của tội phạm, là điều luật 112 miêu tả 03 hành vi cấu thành tội bạo loạn gồm hoạt động vũ trang; dùng bạo lực có tổ chức và cướp phá tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Cả 03 hành vi này đều hướng tới mục đích chống chính quyền nhân dân; trong đó hoạt động vũ trang chống chính quyền nhân dân là hoạt động có trang bị vũ khí (có thể là vũ khí thô sơ hoặc vũ khí quân dụng), có tổ chức công khai chống lại chính quyền, chống đối lực lượng vũ trang nhân dân, phá hoại an ninh chính trị.
Dùng bạo lực có tổ chức là hoạt động sử dụng sức mạnh tuy không có vũ khí nhưng có sự liên kết, phối hợp, tuân theo chỉ đạo của người tổ chức, chỉ huy để chống chính quyền nhân dân như bao vây, đánh chiếm hoặc đập phá trụ sở của chính quyền,…
Cướp phá tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân được hiểu là hành vi công khai chiếm đoạt tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác nhằm chống lại chính quyền nhân dân. Ví dụ cướp vũ khí của lực lượng vũ trang nhân dân hoặc dân quân tự vệ; cướp nhà, cướp đất của nhân dân để làm nơi ở, nơi ẩn náu của những người thực hiện hành vi bạo loạn,…
Để tiến hành bạo loạn chống chính quyền nhân dân, người phạm tội phải tập hợp, lôi kéo nhiều người tham gia. Có thể vũ trang ngay từ đầu hoặc dùng bạo lực có tổ chức, cướp vũ khí của lực lượng vũ trang, tiến hành hoạt động vũ trang công khai chống chính quyền nhân dân.
Tội bạo loạn có cấu thành hình thức là tội phạm được coi hoàn thành kể từ khi người phạm tội thực hiện một trong các hành vi thuộc mặt khách quan của cấu thành tội phạm. Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm…
Trong vụ án trên, cuối giờ sáng ngày 1-7, các tòa soạn báo chí nhận được 5 quyết định truy nã có đóng dấu mộc đỏ từ Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk về truy nã đặc biệt đối với 5 đối tượng gồm: Y Khing Liêng (sinh năm 1992, trú tại xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk); Nay Yên (sinh năm 1970, trú tại buôn Ea Klock, xã Cư Pơng, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk); Y Jũ Niê (sinh năm 1968, trú tại buông Kang, xã Ea Knuếch, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk); Nay Tam (sinh năm 1974, trú tại buôn Adrơng Điết, xã Cư Pơng, huyện Krông Búk, Đắk Lắk); Nay Dương (sinh năm 1968, trú tại buôn Ea Klock, xã Cư Pơng, huyện Krông Búk, Đắk Lắk).
Rất có thể con cá sẩy là con cá lớn.
1 comment
Chính quyền nhân dân? Nhân dân nào bầu ra cái “chính phủ” này mà gọi là “chính quyền”? Việt Minh – tiền thân của cái “chính quyền” ngày nay, đã cướp quyền lực từ tay chính phủ Trần Trọng Kim từ 1945 bằng bạo lực. Không ai bầu chọn các người cả.