Việt Nam Thời Báo

VNTB – Con dao hai lưỡi đó ông Tự Do à…

Thúy Ngọc

 

(VNTB) – Trò chơi trực tuyến là không xấu, là tốt hay xấu, cũng do đến từ người chơi. 

 

Game online là một phần của video game, được biết đến với tên gọi khác là trò chơi trực tuyến. Để chơi được game online, người chơi cần phải kết nối mạng Internet hoặc bất kỳ mạng máy tính nào khác cho phép nhiều người chơi cùng một lúc. Khi chơi game, người chơi sẽ tương tác với các nhân vật do người chơi khác điều khiển, các môi trường trong game… theo thời gian thực.

Với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, game online là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của nhiều người, luôn sở hữu một cộng đồng game thủ đông đảo và ngày càng phát triển. Tùy vào sở thích, mỗi người sẽ có cho mình một “gu” riêng trong việc chọn game để giải trí. Có nhiều thể loại game để người chơi lựa chọn: hành động, chiến thuật, phiêu lưu, nông trại, giải đố, mô phỏng…

Cuộc sống có quá nhiều áp lực, trong công việc, trong sinh hoạt rồi trong học hành, chơi game giống như bước sang một thế giới khác. Ở nơi đó, mình có thể tự làm những gì mình thích, có thể tự mình xây dựng một thành phố theo ý muốn. Đó là lời chia sẻ đến từ bạn trẻ Trường Nguyễn, sinh viên trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM.

Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh – Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) nhận định game là ngành có nhiều cơ hội tại Việt Nam.

Theo ông Do, Việt Nam hiện có khoảng 28,2 triệu người chơi game và đánh giá đó là con số mơ ước của nhiều quốc gia trên thế giới. Năm 2021, doanh thu ngành game tại Việt Nam đạt 665 triệu USD. Theo dự báo năm 2022, doanh số ngành game Việt còn khả quan hơn rất nhiều.

Tuy vậy ông Lê Quang Tự Do cũng chia sẻ, ngành game đang chịu nhiều định kiến. Các phương tiện truyền thông chỉ đề cập đến mặt trái của lĩnh vực game, làm cho các bậc phụ huynh và xã hội nhìn nhận những người chơi game, làm game một cách rất xấu.

Vấn đề ông Tự Do nói, liệu chăng có đúng?

Từ những số liệu báo chí

Bài viết đăng ngày 26/7/2023 trên báo Tuổi Trẻ, “nhập viện tâm thần vì nghiện game” với sapo: “Nam sinh 22 tuổi đã phải nhập viện tâm thần vì dễ cáu gắt do nghiện game. Tính ra, thanh niên này chơi game online trung bình 10-12 tiếng/ngày”

Trong một diễn biến tương tự, ngày 17/8/2023 tại VNExpress, do áp lực công việc, người đàn ông 30 tuổi, dùng game giải tỏa căng thẳng, dần bị nghiện, gây rối loạn tâm thần.

Cũng trên báo Tuổi Trẻ, ngày 25/3/2021, Nghiện game, thiếu niên giết bạn cướp tài sản để bán lấy tiền chơi.

Báo Gia đình và Xã hội ngày 13/10/2021 viết: “Những vụ án kinh hoàng do người “cuồng game” gây ra trong những năm qua khiến dư luận không khỏi hoang mang. Với những gia đình có con em ham mê chơi game, đây thực sự là nỗi bất an thường trực”.

Căn cứ theo Điều 8 Nghị định 119/2020/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định đăng thông tin trên báo chí: “Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi đăng, phát thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng”.

Thứ nhất, nếu như báo chí đăng tin sai, thì liệu Cục Phát thanh – Truyền hình của ông Lê Quang Tự Do liệu có bỏ qua hay không? Thứ hai, các tờ báo đồng loạt đăng tin sai, xem ra, có lẽ, không khả thi.

Cho đến thực tế

Ghi nhận nhanh ý kiến của một vài phụ huynh:

“Tôi chưa bao giờ nói game là xấu, bản thân tôi cũng chơi game mà. Nhưng có điều độ, có tiết chế, biết đâu là điểm dừng thì tốt. Còn đằng này, chơi bất kể giờ giấc, tin không, sáng mai thi tốt nghiệp trung học cơ sở, tối nó còn chúi mũi vào chơi game, nói cỡ nào cũng không nghe, còn tự tin mai lấy về điểm 7 môn Toán cho mà coi. Cuối cùng, nhận về con 2, rớt tốt nghiệp toàn thành phố. Tích cực tôi chưa thấy, tiêu cực thì thấy quá rõ. Nói thì kêu định kiến, vô lý không?”, một phụ huynh có em họ là tín đồ game MOBA 5v5 chia sẻ.

Cũng có em là dân đam mê game, chị Vy chia sẻ: “Nó ghiền game đến mức bị công ty đuổi. Rồi về nhà, tưởng shock, chí thú làm ăn lại, ai dè, suốt ngày cắm đầu vô game tiếp. Gia đình nói không nghe. Cuối cùng là phải vào bệnh viện tâm thần để khám”.

Trò chơi trực tuyến là không xấu, là tốt hay xấu, cũng do đến từ người chơi. Nếu xem đó chỉ thuần là một phương thức để giải trí thì nó không là một vấn đề. Nhưng nếu quá sa đà vào thì hậu quả sẽ như báo chí phản ánh.

Thiết nghĩ, thay vì cứ chăm chăm vào ngành có nhiều cơ hội tại Việt Nam, cần có những biện pháp cụ thể để hạn chế, tiến tới xóa bỏ những “tai nạn thương tâm” do trò chơi điện tử đem lại.

“Hạn chế giờ chơi, xin lỗi, ngày trước cũng có game hạn chế giờ chơi, hạn chế cấp độ, chúng tôi cũng có cách lách hết đấy thôi. Chuyện đơn giản”, một game thủ chia sẻ.

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Cẩm nang giúp biết tin ‘trảm’ hai phó thủ tướng là thật hay giả?

Do Van Tien

VNTB – Sao lại cổ xuý cho “bác thằng bần”?

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Nghiện game đến mức phải đi bệnh viện tâm thần

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.