Đào Đức Thông
(VNTB) – Nếu tham gia, ta sẽ như một thỏi sắt bị chiếc nam châm với từ trường cực mạnh hút mất và dính chặt theo vòng xoáy của nó, mà ở đó Trung Quốc luôn là trung tâm địa-chính trị lớn nhất.
Con đường tơ lụa trên đất liền (màu đỏ) và con đường tơ lụa trên biển (màu xanh) mà Trung Quốc đang vận động UNESCO công nhận
Việc thời điểm này xuất hiện các thông tin về việc Việt Nam có triển khai và tham gia “con đường tơ lụa” trên bộ với tên gọi “Một vành đai, một con đường” hay không, đã có một số ý kiến của vài tiến sỹ trong nước mà trước đây đã từng tham gia là thành viên tư vấn cho Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, với mong muốn Việt Nam cũng sẽ là một đoạn cánh cung trên vành đai tơ lụa đó mà Trung Quốc là nước trung tâm của nó, vì nếu không, theo họ, Việt Nam sẽ trở thành một nước vệ tinh xung quanh cuộc chơi đó, nếu không tham gia vào vành đai này.
Đây là một nhận định còn nhiều vấn đề, cần nhiều hơn sự hiểu biết đơn thuần về kinh tế, thương nghiệp.
Sự hình thành con đường tơ lụa
Con đường tơ lụa trên bộ đã được Trung Quốc tạo lập nên từ thế kỷ thứ 2 TCN từ thời nhà Hán, với mục đích ban đầu là yếu tố quân sự hơn là thương mại (gọi là con đường tơ lụa vì mặt hàng chủ yếu được vận chuyển lúc đầu là tơ lụa, dùng cho vua chúa, do Trung Quốc sản xuất được từ tơ tằm). Và đến thế kỷ thứ 7 thì đã xuất hiện con đường tơ lụa trên biển, điểm khởi đầu là Quảng Châu, Trung Quốc, trong đó có nhiều nước cũng nằm trên cung đường này rải từ Á, Âu, tới Phi. Và con đường tơ lụa trên bộ đã hoàn toàn chấm dứt kể từ thế kỷ thứ 13, để mở cửa chính thức cho con đường hải vận giao thương quốc tế, mà ngày nay Trung Quốc gọi là MSR.
Việc Bắc Kinh kêu gọi nhằm mục đích khôi phục con đường tơ lụa, đầu tiên là trên bộ, khởi phát từ ý tưởng của ông Tập Cận Bình, được phát biểu chính thức tại một trường đại học ở Kazakhstan vào năm 2013. Dựa trên các bài phát biểu trong những cuộc họp lãnh đạo trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và tại các hội nghị quốc tế, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang thực hiện một tầm nhìn địa chiến lược đầy tham vọng về một trật tự với Trung Quốc làm trung tâm ở châu Á và sự hội nhập Á-Âu lâu dài để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng và phát triển của Trung Quốc. Hai Con đường tơ lụa cần được xem là nỗ lực nghiêm túc để hiện thực hóa “sự đại phục hưng dân tộc Trung Hoa” trong thế kỷ 21 sánh ngang với vinh quang thời Hán, Đường trong quá khứ.
Với mục đích để “kết nối các nền kinh tế” và “tăng cường hợp tác và phát triển trong khu vực Á-Âu”. Và kèm theo đó, là lộ trình thực hiện mà Trung Quốc đã phác họa từ trước, ngoài ra còn với mục đích lớn hơn, lâu dài hơn, đó chính là khôi phục “con đường tơ lụa trên biển” (MSR) – lĩnh vực thiết yếu của thế kỷ 21.
Đây mới là mục đích lớn nhất của Bắc Kinh trong giai đoạn “cất cánh” với giấc mộng Trung Hoa đã ấp ủ từ lâu.
Mục tiêu của Trung Quốc
Tầm nhìn này được lấy cảm hứng từ sự trỗi dậy của Trung Quốc lên vị thế cường quốc và quá trình chuyển đổi trở lại cấu trúc lưỡng cực trong hệ thống quốc tế. Các nước láng giềng ngày càng trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào Bắc Kinh về đầu tư, tài chính và thương mại, trong khi phần còn lại của thế giới trông đợi Bắc Kinh thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Việc Trung Quốc xây dựng một vành đai bằng con đường tơ lụa trên bộ là nhằm khôi phục lịch sử, và đặc biệt là gây dựng ảnh hưởng của mình lên các quốc gia khác, đặt Trung Quốc là trung tâm địa-chính trị trên chính trường quốc tế. Bởi thế mà Trung Quốc liên tiếp có các chính sách, liên kết từ nhỏ đến lớn với các liên minh như BCIM, FTAAP, Hợp tác kinh tế liên khu vực Himalaya với Nepal và Bhutan, kêu gọi lập Quỹ con đường tơ lụa với 40 tỷ đô, thành lập Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB). Đây là những hành động để tạo lên một liên minh mà trong đó Trung Quốc chính là tâm điểm quan trọng nhất và cũng là quốc gia khởi sự các hành động kinh tế-chính trị đó (mà mục đích là hiện diện quân sự sau này).
Vành đai ấy, sẽ giống như Vạn Lý Trường Thành, nó sẽ khiến Trung Quốc được bảo vệ lớn hơn, vươn bàn tay ra các quốc gia khác mà gây ảnh hưởng lớn lên các nước này.
Việc này khiến Ấn Độ do dự và còn chưa quyết định có tham gia con đường tơ lụa hay không, vì có thể nằm trong sự bao vây từ kinh tế đến địa chính trị nằm trong chiến lược mà Trung Quốc tung ra, đặc biệt hai nước này cũng có những mục tiêu lớn về biển đông, “Ấn Độ Dương” – vùng biển này chính là một phần chiến lược của con đường tơ lụa trên biển của Trung Quốc.
Và TQ đang ráo riết thực hiện cho bằng được cả hai con đường cùng một lúc.
Thế kỷ 21 là thế kỷ của biển, với 70% năng lượng mặt trời được nó hấp thụ và mỗi ngày bốc hơi khoảng 1.5 tỷ m3 mà tạo ra nước ngọt tự nhiên cho con người sử dụng. Trung Quốc đặt mục tiêu phát triển kinh tế biển chiếm phần lớn tỷ trọng nền kinh tế, hiện tại là 10% GDP, tới năm 2020 sẽ gấp đôi. Và Trung Quốc đang học Nga về ba vấn đề phát triển kinh tế biển:
1. Nga đã phát triển và khai thác Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, và đặc biệt là Bắc Băng Dương, đây là nơi có trữ lượng dầu, khí đốt lớn bậc nhất thế giới mà chưa được khai thác, song hành cùng với việc rút ngắn lộ trình hải vận nếu phải qua kênh đào Suez, Nga còn xác lập tuyên bố chủ quyền đối với một số địa phận, lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế đối với vùng đảo, biển này vào khoảng 1.2 triệu km2;
1. Nga đã phát triển và khai thác Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, và đặc biệt là Bắc Băng Dương, đây là nơi có trữ lượng dầu, khí đốt lớn bậc nhất thế giới mà chưa được khai thác, song hành cùng với việc rút ngắn lộ trình hải vận nếu phải qua kênh đào Suez, Nga còn xác lập tuyên bố chủ quyền đối với một số địa phận, lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế đối với vùng đảo, biển này vào khoảng 1.2 triệu km2;
2. Việc tạo ra con đường tơ lụa trên biển, mà là một nguồn tài nguyên kinh tế khổng lồ, với tình trạng tài nguyên trên cạn đã dần cạn kiệt mà lại không thể tái tạo, thì ngoại mục đích về giao thương, Trung Quốc cũng sẽ tạo ra sự chính danh đối với sự xuất hiện của hải quân Trung Quốc trên toàn bộ hải vận nằm trên con đường này (MSR). Đây chính là một vấn đề cực kỳ quan trọng đối với mưu đồ bá chủ thế giới của Bắc Kinh.
3. Trung Quốc là một đối tác quan trọng thứ 2 của Mỹ, sau Nhật Bản và trước Asean, Mỹ đang có chính sách xoay trục sang Châu Á, mà Mỹ đã xác định kinh tế biển, đặc biệt là giao thương chính là huyết mạch, là sức mạnh kinh tế của thế kỷ này, nên Trung Quốc muốn bành trướng toàn diện trên biển để thách thức Mỹ, xóa bỏ thế độc tôn của Mỹ về nhiều mặt, trong đó là vấn đề ảnh hưởng địa-chính trị của Hoa Kỳ trên trường quốc tế, mà vốn Nga cũng đã muốn thế giới phân cực (cùng quan điểm với Trung Quốc về điều này nên hai nước này có nhiều toan tính khá giống nhau).
Lợi và Hại khi tham gia con đường tơ lụa
Trong thế kỷ 21 này, ngoài Mỹ, Anh, Nhật, Ý, Singapore thì rất nhiều nước phát triển là dựa vào biển, và họ cũng đã có các chính sách mang tính chiến lược phát triển, khai thác lâu dài như Thái Lan, Indenisia, Philippines,..
Trung Quốc đã dự đoán Trường Sa có trữ lượng dầu, khí đốt và đặc biệt là băng cháy (thứ thay thế dầu mỏ trong tương lai) là đặc biệt lớn mà vẫn chưa được khai thác, nên Trung Quốc muốn mở con đường tơ lụa trên biển, chúng bất chấp luật pháp quốc tế đối với Việt Nam để xác lập đường lưỡi bò 9 đoạn phi lý như đã biết. Đối với nền kinh tế nội địa thì ta là nước nhập siêu lớn nhất trong khu vực từ Trung Quốc trong suốt nhiều năm qua. Việc họ chiếm tỷ trọng lớn, dẫn đến chi phối và kiểm soát nền kinh tế của Việt Nam là điều hoàn toàn có thể nhìn thấy được.
Nên nếu tham gia vào con đường tơ lụa trên bộ, thì Việt Nam lại tiếp tục dấn sâu vào sự kiểm soát của Bắc Kinh đối với nền kinh tế vốn ngày càng ọp ẹp của Việt Nam, không thể có đủ tiền để đầu tư các cơ sở cho nó vì mức độ đầu tư quá lớn mà ta thì không thể vay ở đâu (ngoại trừ từ AIIB, vì hạn hán và thảm họa cá chết miền Trung đã khiến chúng ta lao đao, phải kêu gọi tài trợ, hỗ trợ tự nước ngoài). Nếu không tham gia vào thì Trung Quốc sẽ có nhiều biện pháp để gây ra bất ổn với nền kinh tế phụ thuộc quá lớn vào họ (như họ đã làm với dòng sông Mê Kông, mà họ đang tính kinh doanh bằng cách các nước khác phải trả tiền mới được sử dụng, khai thác dòng sông này, nếu không chúng không mở cửa các con đập), hơn thế nữa, chúng càng gây hấn mạnh hơn trên biển và càng tấn công dữ dội hơn nữa trong thời gian tiếp theo hòng thực hiện được mưu đồ và ép Việt Nam vào cuộc chơi của họ đặt ra như một sự mặc cả, trên cơ sở là sự đồng thuận nhưng thực chất lại là sự cưỡng bức.
Nhưng nếu tham gia, ta sẽ như một thỏi sắt bị chiếc nam châm với từ trường cực mạnh hút mất và dính chặt theo vòng xoáy của nó, mà ở đó Trung Quốc luôn là trung tâm địa-chính trị lớn nhất. Lúc này, Trung Quốc sẽ thực sự kiểm soát được biển Đông, nơi mà ta cũng đang cần nó để bứt mình lên mà thành nền kinh tế phát triển. TPP chỉ là một cứu cánh về mặt thương mại thuần túy để có sự xuất hiện của Mỹ, Nhật và một số nước khác, chứ không thể giúp ta chống đỡ với những yêu cầu và thách thức của việc duy trì, bảo vệ cũng như phát triển được chủ quyền biển, đảo, nếu không có quyết sách cứng rắn và khôn ngoan lúc này.