VNTB – Cơn mưa đã bóc trần sự giả dối, hình thức đến bất nhân đó…

Mẫn Nhi (VNTB) Tôi nghĩ ở một khía cạnh nào đó, việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được che ô trong khi mẹ VNAH co ro trong áo mưa… tiện lợi là hình ảnh phản ánh chân thực nhất về sự quan liêu, hình thức của hệ thống Đoàn nhà nước.


Tối 22/7, nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2017), tại Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức chương trình nghệ thuật “Khát vọng trẻ” với chủ đề “Một thời hoa đỏ” để vinh danh người có công của tỉnh. Mọi chuyện sẽ không có gì đáng nói nếu như hình ảnh ghi lại được khoảnh khắc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc được che ô trao tặng danh hiệu cao quý Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng cho 3 Mẹ đang dầm mưa trong… áo mưa tiện lợi!

Dù vô tình hay hữu ý, thì rõ ràng đây là một hình ảnh phản cảm, và nó làm cạn đi một phần ý nghĩa là chương trình “ghi công” đề ra. Thậm chí, những bài nhạc đỏ oai hùng trở nên lạc lõng phần nào trước hình ảnh dầm mưa ấy.

Bài hát “Huyền thoại mẹ” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn bỗng chút vút lên thành một dòng miêu tả đầy sống động về buổi tối ngày 22/07. Khi mà trong thời chiến tranh, cũng như thời bình, Mẹ vẫn, “về đứng dưới mưa /Che đàn con nằm ngủ”.

Và cũng với hình ảnh đó, trong cái thân hình có phần mập mạp đứng cạnh những bà mẹ ốm yếu – gầy mòn co ro trong mưa, bài Khóc Mẹ dân oan bỗng nhiên trở thành một bài hát đồng hành với “Huyền thoại mẹ”, khi mà: “Trời lạnh giá tấm bạc thô không giữ được/Gió lùa mưa vào lạnh thấu cả tâm can/ Tay mẹ run run đôi chân không vững được/Biết bám víu vào đâu khi mẹ tỏ tường đời?”

Giá như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và nhóm trợ lý của ông có Tâm một chút, thì chắc hẳn sẽ không có một hình ảnh gây bão như thế. Như cách mà Tổng thống Putin đã đứng mưa khi đặt vòng hoa trước đài tưởng niệm chiến sĩ ngã xuống trong Thế chiến II.

Tổng thống Putin cho biết, “Tôi thấy chuyện để đầu trần này là bình thường. Chúng ta không phải là đường, chúng ta không tan khi gặp nước”.

Và một việc “rất bình thường” đó đã gây sự cảm tình cho hàng trăm ngàn người. Bản thân nó cũng phác họa một góc họa “đồng tâm, đồng lòng”.

Ở một góc nhìn khác, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là nạn nhân của sự làm màu, hình thức trong việc tổ chức “đền ơn đáp nghĩa” qua chương trình văn nghệ. Một áo mưa 5.000 cũng đủ cho thấy, dù không có sự xuất hiện dưới cái ô của Thủ tướng, thì nó cũng đáng bị lên án, khi trong cơn mưa – các mẹ VNAH vẫn bị bắt lên, đội vào cái áo mưa, và run rẩy nhận “danh hiệu cao quý” của Đảng và nhà nước trao tặng.

Hiện tượng lãnh đạo về thăm, hiện tượng lãnh đạo xuất hiện trao quà đã trở thành một hình ảnh rất hình thức trong thể chế tại Việt Nam. Nó không hẳn là làm màu, hình ảnh, mà nó là cách thức để người ta thỏa mãn lại cái vị trí, vai trò của mình trong hệ thống nhà nước.

Và báo Dân Trí với tiêu đề bài “Thủ tướng đội mưa tri ân người có công cách mạng tiêu biểu” đã thể hiện rõ nét nhất cho thói hư danh đó.

Ngay cả việc cho cả dàn ca sĩ, thậm chí các em sinh viên – đoàn viên đứng dàn hàng trong mưa đã trở thành một thứ gì đó lố lăng hơn bình thường, cho thấy sự cứng nhắc – quan liêu và thiếu tôn trọng của Ban tổ chức trong một ngày “tạ ơn – tri ân” như thế này.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là người đại diện thể chế, vị trí đứng của ông trong đêm 23/07 là vị trí của thể chế. Và thể chế đó mẹ VNAH (70-80 tuổi) cũng phải đội mưa nhận danh hiệu để tuyên truyền!!! 

Giá cơn mưa đừng vô tình đến, thì sự làm màu đã thành công rực rỡ.

Giá cơn mưa đừng vô tình đến, thì hình ảnh Thủ tướng… đã đẹp hơn!

Bởi sự vô tình, cơn mưa đã bóc trần sự giả dối, hình thức đến bất nhân đó.
CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)