Việt Nam Thời Báo

VNTB – Công an đánh dân rồi lại đổ lỗi cho dân

Cảnh Chân

 

(VNTB) – Chỉ trong một tuần đã có ba vụ công an đánh dân gây xôn xao khắp mạng xã hội, chưa kể những vụ bị ém nhẹm khác.



Ở TP. HCM, cảnh sát giao thông vung gậy làm hư mắt người dân. Ở Hải Phòng người dân hôn mê, liệt nửa người, gãy xương sườn sau hai ngày bị công an tạm giữ. Ở Hà Giang, một người chết trong trại giam “do tự buộc chân tay rồi chui đầu vào bể nước”. Chỉ trong một tuần đã có ba vụ công an đánh dân gây xôn xao khắp mạng xã hội, chưa kể những vụ bị ém nhẹm khác. Và hầu như dư luận đề cho rằng phía công an sẽ đổ lỗi cho người dân thay vì công khai sự thật và chịu trách nhiệm trước pháp luật.



Triệu tập nạn nhân thay vì xử lý cán bộ hành hung người dân



Trong vụ án CSGT TpHCM vung gậy đánh thẳng vào mắt người dân, nạn nhân được chẩn đoán bị rách giác mạc, đứt mống mắt…Nguy cơ dẫn đến mất thị lực và hư mắt, trường hợp xấu là phải gắn mắt giả. Được biết sau khi hành hung xong, 6-7 cảnh sát giao thông đã bỏ mặt nạn nhân cho xe ôm chở đi bệnh viện.

Anh N., nạn nhân trong vụ án thừa nhận là có sai, khi không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của CSGT nhưng không có hành động chống đối hay tấn công lại lực lượng đang làm nhiệm vụ. CSGT không thể sử dụng bạo lực, vung gậy đánh người dân đang chạy xe được. Hành vi này cần phải được nghiêm trị để làm gương cho các cán bộ cảnh sát khác.

Tuy nhiên sau khi nhận đơn khiếu nại, thay vì tìm hiểu vụ việc và thông cáo báo chí, cơ quan công an lại triệu tập nạn nhân. Ông M.Đ., một người dân bình luận với Việt Nam Thời Báo: “Rất có thể công an triệu tập nạn nhân để tìm cách ‘giải quyết êm đẹp’ nhằm không làm lớn vụ án gây ảnh hưởng tới hình ảnh nhân viên công vụ và giữ ghế cho hung thủ”.

“Họ có thể gây áp lực cho nạn nhân bằng nhiều cách vì quyền lực nằm trong tay họ. Có thể họ sẽ đổ lỗi cho người dân không chấp hành hiệu lệnh giao thông nên mới ‘va chạm vào dùi cui’ của công an. Trước đây đã có nhiều trường hợp cảnh sát sai nhưng lại đổ lỗi cho dân, nên lần này chắc cũng vậy”. Ông M.Đ nói.


Đang khỏe mạnh tự nhiên lên đồn thì bị hôn mê, mặt mũi bầm dập, tụ máu não, gãy ba xương sườn



Do bị nghi ngờ trộm cắp tài sản của du khách, ngày 15/08, Trần Đức Trình bị công an quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng tạm giữ. Sau hai ngày bị bắt lên đồn, Trình phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng hôn mê với nhiều thương tích. Ông Trần Văn Trích, cha ruột của Trình khẳng định thời điểm cơ quan chức năng còng tay đưa Trình về nhà để khám xét, thu giữ tang vật thì con trai ông vẫn khỏe mạnh bình thường, có cả đại diện thôn xác nhận vì liên quan việc tạm giữ người.

“Sau hai ngày bị tạm giữ thì gia đình được báo tin Trình đang phải nhập viện vì tai biến nhẹ, lúc lên đến viện thì con tôi đã trong tình trạng hôn mê, có nhiều thương tích trên cơ thể với mặt mũi bầm dập, tím tái. Bác sĩ cho biết dù phẫu thuật thành công thì sau này cũng không thể tỉnh táo được như bình thường, thậm chí có khả năng bị liệt nửa người suốt đời”, ông Trích nói với báo chí.

Thế nhưng theo công an thì nghi phạm có nhiều bệnh nền như: hen phế quản, huyết áp cao… và khi đưa vào trung tâm thì có biểu hiện lờ đờ. Một lãnh đạo Công an quận Đồ Sơn khẳng định không có chuyện hành hung trong quá trình tạm giữ và cho rằng nghi phạm có nhiều bệnh lý, tự phát bệnh nên phải đưa vào bệnh viện. Như vậy phía công an đã phủ nhận việc tra tấn nghi phạm và đổ cho nạn nhân có bệnh nền nên mới nhập viện

“Làm gì có chuyện một người đang khoẻ mạnh mà lên đồn công an hai ngày lại bị hôn mê, liệt hoàn toàn nửa người. Chẳng ai tự nhiên mà bị tụ máu bán cầu trái, xuất huyết dưới nhện hai bán cầu được. Làm sao tự nhiên mà bị bầm tím cả mặt như vậy được. Nhìn bằng mắt thường cũng biết là bị đánh đập tra tấn dã man rồi chứ đừng nói là người có chuyên môn đánh giá. Tráo trở lừa dân như vậy thì công an quá coi thường nhân dân”. Chị N.T., một bác sĩ chia sẻ với phóng viên Việt Nam Thời Báo.

Tự buộc chân tay rồi chui đầu vào bể nước để tự tử trong đồn công an

Khác với hai vụ án ở trên, vụ án “tự tử trong đồn công an” tại Hà Giang không được báo chí trong nước đưa tin mà chỉ có thông tin trên mạng xã hội Facebook. Theo đó gia đình ông Nguyễn Văn Hưng cho biết ngày 19/08, công an đã mời người thân ông này lên nhận xác sau hai ngày bị tạm giữ tại trại tạm giam công an thành phố Hà Giang.

Phía công an cho rằng ông Hưng đã tự sát bằng cách tự buộc chân, buộc tay và tự dìm đầu vào bể nước. Trong quá trình làm việc với gia đình nạn nhân và khám nghiệm tử thi, công an đã cấm quay phim chụp hình. Phía gia đình nạn nhân cho rằng ông Hưng theo đạo Công Giáo nên không thể có chuyện tự tử được.

“Không ai có thể tự buộc tay, buộc chân rồi tự dìm đầu mình vào bể nước để tự tử được. Lý do công an đưa ra thật sự vô cùng phi lý, có lẽ họ đã nói dối người dân quá nhiều nên cứ nghĩ là nói gì dân cũng tin. Hơn nữa mọi quyền lực đều trong tay họ, họ sát hại, họ xét nghiệm, họ thanh tra, họ công bố kết quả, không có cơ quan độc lập nào được nhúng tay vào thì ai xử ký được họ. Bây giờ dẫu không tin cũng phải chịu chứ không có cách nào khác”. Bác sĩ N.T. tiếp tục nêu quan điểm với Việt Nam Thời Báo.

Ký công ước để lừa quốc tế và mị dân



Nhà cầm quyền Việt Nam đã ký tham gia Công ước của Liên hợp quốc về “Chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người” từ năm 2013. Nhưng việc công an đánh đập, tra tấn công dân diễn ra thường xuyên tới mức người dân coi đó là chuyện tất nhiên khi bị mời lên đồn.

Chính phủ Việt Nam đã công nhận Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và đã ký cam kết tuân thủ Công Ước Quốc Tế về các Quyền Dân Sự và Chính Trị. Chính phủ Việt Nam luôn khẳng định thực thi đầy đủ các công ước họ đã ký.

Nhưng theo các báo cáo nhân quyền của các tổ chức quốc tế thì Việt Nam là một trong những nước vi phạm nhân quyền nặng nhất. Báo cáo thường niên của EU về Nhân quyền và Dân chủ trên Thế giới năm 2022 cho rằng Việt Nam “tiếp tục có nhiều cáo buộc về các phiên xử không công bằng, bao gồm cả việc từ chối đại diện pháp lý; các điều kiện hành chính và vật chất khắc nghiệt trong trại giam, bao gồm cả việc giam giữ biệt giam kéo dài trước khi xét xử; từ chối cung cấp điều trị y tế đầy đủ; từ chối các cuộc thăm gặp gia đình bao gồm cả thông qua chuyển sang nơi giam giữ khắc nghiệt; và biệt giam”.

Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc cũng nhiều lần lên án chính phủ Việt Nam về “tình trạng đàn áp, sách nhiễu, tấn công, biệt giam các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền trước khi ra tòa; đưa ra những bản tuyên án nặng và bạc đãi các nhà hoạt động tại nơi giam giữ, bí mật số lượng và danh tính những tử tù làm dấy lên lo ngại những nhà bất đồng chính kiến có thể là đối tượng bị kết án tử mà không theo đúng qui trình pháp lý”.

“Việc đánh đập và đối xử tàn nhẫn với công dân trong trại tạm giam là vô cùng nguy hiểm, dẫn tới các án oan do người dân chịu không nổi cực hình nên đành chấp nhận những tội lỗi mà họ không gây ra. Những năm qua đã từng có rất nhiều trường hợp oan sai nghiêm trọng được phát hiện. Đó là chưa kể tới những cái chết oan khuất trong trại giam, khi chưa có phán quyết của toà án. Cần phải có cơ quan độc lập giám sát công an Việt Nam, nhưng với tình trạng độc đảng hiện nay thì đó là điều không thể. Việc tham gia các công ước quốc tế chỉ là lừa thế giới và mị dân để củng cố niềm tin vào cơ chế độc tài. Nếu không thay đổi cơ chế, phúc quyết Hiến pháp thì không bao giờ có thể cải thiện tình trạng hiện nay”. Chị N.T. khẳng định với phóng viên Việt Nam Thời Báo.


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Hàng trăm nóc nhà ngập trong lũ, sơn cờ để làm gì?

Bùi Ngọc Dân

VTTB – Đại biểu quốc hội thành khẩn nhận tội bảo kê: mặt mũi nào cho quốc hội

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Vụ rơi máy bay chiến đấu Yak-130: mối lo cho năng lực quốc phòng của VN

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo