Cảnh Chân
(VNTB) – Người dân mất đất, mất ruộng, mất sinh kế, nhà nước đền bù không thoả đáng. Đối thoại không xong, người dân xuống đường tuần hành, biểu tình ôn hoà, công an chụp mũ, khởi tố 300 người tội gây rối trật tự công cộng.
📌Lãnh đạo bất lực, đối thoại đi vào bế tắc
Nhiều ngày qua, nhiều người ở xã Hải Hà (Nghi Sơn, Thanh Hoá) liên tục biểu tình phản đối việc triển khai xây dựng cảng container tại bến đậu thuyền và ngư trường truyền thống của ngư dân. Cao điểm là từ ngày 18 đến 23/10, hàng trăm người dân mang băng rôn tập trung tại khu vực xây dựng bến số 3 và trụ sở UBND xã để phản đối triển khai dự án.
Trước những phản ứng quyết liệt này, ngày 20/10, lãnh đạo thị xã Nghi Sơn đã tổ chức một buổi đối thoại với người dân. Tại đây, người dân bày tỏ bất bình vì việc xây cảng container và phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn sẽ khiến cho địa phương không còn đất để làm ruộng, làm muối.
Dự án này cũng sẽ làm mất luôn phần bờ biển để ngư dân neo đậu tàu thuyền, và sẽ không thể ra biển khai thác hải sản nữa. Nếu không làm ruộng, làm muối, đi biển thì người dân sẽ không thể làm ngành nghề gì khác nữa. Ngoài ra số tiền đền bù, giải phóng mặt bằng và vấn đề tái định cư cũng có nhiều bất cập khiến người dân bức xúc.
“Chúng tôi mong muốn chính quyền, chủ đầu tư để lại khu neo đậu tàu thuyền vì hiện nay người dân không còn ngành nghề gì khác. Còn nếu triển khai dự án thì phải hỗ trợ chuyển đổi nghề phù hợp, bố trí nơi ở tái định cư để người dân tiếp tục nghề truyền thống của cha ông để lại. Bởi ngư dân chúng tôi lớn lên từ biển, không có trình độ chuyên môn rất khó để hòa nhập với nghề sản xuất công nghiệp” – báo Tuổi Trẻ dẫn kiến nghị của một người dân xã Hải Hà.
Tuy nhiên, dự án cảng container Long Sơn trị giá hơn 750 tỷ đồng này được xác định là công trình hạ tầng biển quan trọng đối với tỉnh Thanh Hóa và cả khu vực Bắc Trung Bộ. Cho nên lãnh đạo cấp thị xã không thể nào thay đổi được quyết định từ cấp tỉnh và trung ương Đảng Cộng sản. Buổi đối thoại đi vào ngõ cụt, không giải quyết được gì mà càng khiến người dân thêm phẫn nộ.
📌Công an đạp lên Hiến pháp, đàn áp công dân
Tới sáng ngày 23/10, khoảng 300 người, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, đã mang theo băng rôn, biểu ngữ để tuần hành phản đối việc nhà cầm quyền tiếp tay cho doanh nghiệp xây cảng coitainer gây ảnh hưởng sinh kế của người dân. Theo thông tin từ cơ quan chức năng, đoàn người đã đi bộ suốt nhiều tiếng đồng hồ trên tỉnh lộ 513 từ xã Hải Hà, qua xã Hải Thượng, Hải Yến.
Không thể đưa ra giải pháp thuận lòng dân, nhà cầm quyền chuyển sang vu khống và đàn áp để trừng trị những người mất ruộng, mất nhà, đang đứng trước nguy cơ mất đi sinh kế này. Cơ quan chức năng cáo buộc quá trình di chuyển của 300 người dân đã gây ách tắc giao thông kéo dài hơn một km, gây mất an ninh trật tự từ 8h30 đến 11h45. Công an thị xã Nghi Sơn cho rằng hành vi này “có dấu hiệu hình sự” và ra quyết định tố vụ án hình sự về tội gây rối trật tự công cộng, xảy ra tại xã Hải Hà.
Với quyết định này, công an thị xã Nghi Sơn đã vi phạm “quyền Biểu tình” của người dân tại điều 25 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam. Theo đó, “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.”
Theo phó giáo sư tiến sĩ Vũ Hồng Anh, Viện Nghiên cứu Lập pháp (thuộc Uỷ ban thường vụ Quốc hội), “trong xã hội có Nhà nước, biểu tình là một hiện tượng khách quan. Biểu tình là một trong những hình thức để người dân thể hiện ý chí, phản ánh quan điểm và công khai gửi đến Nhà nước. Biểu tình là một trong số các quyền tự do dân chủ của công dân. Do vậy, bảo đảm quyền biểu tình cho công dân là trách nhiệm của Nhà nước”.
“Các cuộc biểu tình có thể diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau, từ các tuyên bố riêng lẻ đến biểu tình đông người. Những người biểu tình có thể tổ chức một cuộc biểu tình như một cách để công khai ý kiến của họ được lắng nghe nhằm tác động đến dư luận hoặc chính sách của chính phủ, hoặc họ có thể thực hiện hành động trực tiếp nhằm tạo ra những thay đổi mong muốn”. Phó giáo sư tiến sĩ Vũ Hồng Anh viết trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 23(303), tháng 12/2015.
Như vậy việc 300 người dân biểu tình phản đối chính sách bất công của nhà cầm quyền là hoàn toàn hợp Hiến. Với đa phần người tham gia xuống đường tuần hành là phụ nữ và trẻ em thì đây chỉ có thể là một cuộc biểu tình ôn hoà, bất bạo động. Việc khởi tố người biểu tình “gây rối trật tự công cộng” là vi Hiến, biến công an trở thành đối tượng phạm pháp trong trường hợp này.
“Nếu Việt Nam là nước thật sự dân chủ, thì khi bị oan sai như vầy người dân hoàn toàn có thể viết đơn khiếu nại hành vi vi hiến của công an thị xã Nghi Sơn. Thậm chí công dân có thể kiện công an đã vu khống, chụp mũ người vô tội. Nếu 300 người này viết đơn kiện, thì trưởng đồn công an cũng phải mất vài năm tới lui trình diện trước toà án để tranh tụng với từng người, giải quyết từng đơn”. Anh B.H, một người vận động dân chủ nói với phóng viên Việt Nam Thời Báo.
Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay thì chuyện con kiến kiện của khoai này cần phải hết sức cân nhắc. Vì cho dù nhà cầm quyền có sai thì họ cũng chỉ nhận lỗi trước dân. Còn nếu dân sai thì dân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Như lời bộ trưởng, chủ nhiệm văn phòng chính phủ Mai Tiến Dũng từng tuyên bố.