Anh Văn (VNTB) Đỗ Thị Minh Hạnh, một nhà hoạt động về quyền lao động, đã quen với việc bị đánh đập, nhập viện và bị bỏ tù vì công việc của mình trong một đất nước mà công đoàn độc lập đang bị cấm.
Nhà hoạt động Đỗ Thị Minh Hạnh |
Đã có một tia hy vọng lúc cô được hoãn thi hành án, bởi nó được xem là biểu hiện khi Việt Nam đạt được thỏa thuận thương mại với Hoa Kỳ, một thỏa thuận giúp thúc đẩy quyền của người lao động và bảo vệ các công đoàn độc lập, theo NYTimes.
Nhưng hy vọng đó đã tắt vào cuối tháng giêng, khi Tổng thống Trump đặt bút chấm hết TPP.
“Chính phủ Việt Nam sẽ sử dụng nó như một cái cớ để đàn áp các phong trào lao động”, Hạnh nói. “Họ không bao giờ muốn có công đoàn độc lập ở Việt Nam.”
Việc rút lui của Mỹ có thể giups Trung Quốc thiết lập các điều khoản trong thương mại toàn cầu. Ví dụ, Mỹ rút khỏi TPP mở đường cho Trung Quốc thúc đẩy thỏa thuận thương mại tự do châu Á của mình. Rajiv Biswas, nhà kinh tế phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương của IHS Global Insight cho biết, thỏa thuận đó “ít tham vọng hơn trong phạm vi bao phủ của nó, và không bao gồm cải cách với các tiêu chuẩn bảo hộ lao động.”
Đằng sau TPP là gì?
“Bất kỳ thỏa thuận thương mại phải có quy định lao động chặt chẽ,” Sharon Waxman, Chủ tịch Hiệp hội Lao động Công bằng nói. “Nhưng những gì chúng tôi tìm thấy là hiệp định thương mại thường được hiểu sai như là một thay thế cho luật quốc gia bảo vệ quyền lợi của người lao động và đảm bảo họ được đền bù công bằng.”
Trong một thỏa thuận dài 10 trang, TPP yêu cầu Việt Nam hình sự hóa việc sử dụng lao động cưỡng bức; người lao động sẽ được phép thành lập cơ sở công đoàn riêng của họ – tổ chức giúp họ có thể thương lượng tập thể và đình công. Việt Nam đã bắt đầu soạn thảo một số thay đổi nhưng với hạn định không chắc chắn, ông Oliver Massmann, một đối tác của công ty luật Duane Morris Việt Nam cho hay. Một thỏa thuận thương mại riêng biệt giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu cũng sẽ bao hàm các điều kiện lao động khi nó có hiệu lực vào tháng Giêng, nhưng nó thiếu các biện pháp thực thi mạnh mẽ như TPP
Nền kinh tế Việt Nam có lợi thế hơn Trung Quốc về nhân công giá rẻ. Và một cuộc khảo sát năm 2015 của ngành công nghiệp dệt may cho thấy, hầu hết các nhà máy đều bỏ qua công đoàn độc lập; không tiến hành kiểm tra sức khỏe công nhân và sự an toàn lao động.
Ở vùng ngoại ô phía bắc của thành phố Hồ Chí Minh, tổ hợp nhà máy HANSAE Việt Nam – nơi làm quần áo cho các nhà bán lẻ như Nike đã xảy ra các cuộc đình công lớn đã dẫn đến các cuộc kiểm tra nhà máy nhiều lần vào năm ngoái.
Một thợ may kỳ cựu từ nhà máy cho biết tình hình nhìn chung đã được cải thiện. Đôi khi công nhân ngất xỉu vì bị bệnh, nhưng rất khó khăn để có thể được nghỉ ốm.
HANSAE – đã thừa nhận một số vấn đề nhưng phần khác lại bác bỏ các “tin đồn” – họ thuê Gare Smith, một luật sư của công ty luật Foley Hoag ở Washington, làm việc với các nhà máy Việt Nam nhằm cải thiện hệ thống khiếu nại của công nhân viên.
Giấc mơ và sự tiếp tục
Hiện nay, nhóm công nhân bị kiểm soát bởi chính phủ, họ bị cấm đình công và những hành vi lao động khác nhằm tránh bất ổn chính trị, xã hội. Đỗ Thị Minh Hạnh, nhà hoạt động lao động, cho biết cô đã thận trọng khi hy vọng rằng TPP có thể cải thiện phần nào thực trạng . “TPP đã có một phần về công đoàn lao động,” cô nói. “Điều đó đã cho tôi một cơ sở pháp lý và là cơ sở dễ dàng hơn để thuyết phục công nhân tham gia [tổ chức].”
Hạnh là người đầu tiên đánh động các vấn đề lao động của Việt Nam khi còn là một thiếu niên trẻ tuổi.
Công nhân một nhà máy gỗ ép |
Ở Việt Nam, tổ chức của Hạnh hoạt động lặng lẽ. Để mở đường cho một cuộc đình công tại một nhà máy giày, đồng nghiệp của Hạnh đã trải qua thời gian nói chuyện với người lao động và xây dựng danh bạ. Hạnh cũng đã viết tờ hướng dẫn và dạy một nhóm các nhân viên làm thế nào để tổ chức và đình công. Kết quả, vào tháng 1 năm 2010 cuộc đình công của 10.000 công nhân đã diễn ra, Hạnh và 2 đồng nghiệp bị bắt giam.
Trả tự do sau bốn năm, Hạnh thấy cơ sở tổ chức đã khó khăn hơn nhiều. Vào cuối năm 2015, khi cô đến với cuộc biểu tình của công nhân, cô đã bị đánh đập bởi lực lượng công an. Do đó giờ đây, cô cho biết, cô dành hầu hết thời gian của mình để vận động tranh cử trên phương tiện truyền thông xã hội và nâng cao mối quan tâm về quyền lao động của các công ty lớn phương Tây.
Cô không tin rằng chính quyền Việt Nam sẽ tuân thủ các biện pháp bảo vệ lao động được quy định trong TPP, và họ sẽ tìm ra sơ hở. Tuy nhiên, cô cho biết, hiệp định có thể cho cô một công cụ để sử dụng khi làm việc về vấn đề lao động với các nhà lập pháp và các chủ doanh nghiệp.
“Tôi đã sử dụng các điều khoản của TPP về quyền thành lập công đoàn độc lập – một tổ chức không bị kiểm soát bởi các công ty và chính phủ”, cô nói.
“Có lẽ bây giờ vì Trump, giấc mơ của chúng tôi về các công đoàn độc lập ở Việt Nam vẫn chưa trở thành hiện thực,” cô nói thêm. “Nhưng chúng tôi vẫn sẽ cố gắng để giúp người lao động, bởi vì nếu họ chiến đấu một mình họ sẽ không thành công.”