VNTB – Công đoàn độc lập Việt Nam cần có những định chế tài chính thích hợp

VNTB – Công đoàn độc lập Việt Nam cần có những định chế tài chính thích hợp

Triệu Tử Long

(VNTB) – Nếu chỉ dừng lại ở mỗi quyết định hành chính là cho phép thành lập các tổ chức công đoàn, nghiệp đoàn không trực thuộc Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, thì xem ra vẫn dừng lại ở một quy định làm đẹp chính sách.

Nhìn ra thế giới, ở Cộng hoà Liên bang Đức, thì Liên hiệp Công đoàn Đức (DGB) trong giai đoạn 1960 – 1980 đã thành lập các doanh nghiệp xã hội (không đặt mục tiêu lợi nhuận), Ngân hàng, Xây dựng để hỗ trợ đoàn viên, với chi phí thấp, về nhu cầu nhà ở xã hội, bảo hiểm tương hỗ, hợp tác xã tiêu dùng và dịch vụ tài chính ngân hàng.

Ở Nhật Bản, thì công đoàn ở quốc gia này cùng Liên minh hợp tác xã tiêu dùng thành lập Ngân hàng Lao động từ những năm 1950. Hiện có khoảng 10 triệu đoàn viên, người lao động, người dân là thành viên trực tiếp, hoặc gián tiếp của Ngân hàng này. Công đoàn Nhật Bản đã cung cấp phúc lợi tài chính gồm các khoản vay, dịch vụ tài chính dựa trên nhu cầu của đoàn viên.

Với đảo quốc Singapore, công đoàn nước này đã thành lập hàng loạt các doanh nghiệp trong các lĩnh vực: siêu thị thực phẩm, siêu thị bán lẻ, dịch vụ y tế và chăm sóc người già, nhà trẻ, bảo hiểm, đào tạo, taxi, nhà ở giá thấp, tiết kiệm và cho vay…

Công đoàn ở một số nước khác, như Ấn Độ, Mỹ, Thuỵ Điển, Anh, Philippines, Thái Lan và Brazil … cũng cung cấp các dịch vụ như tài chính, bảo hiểm y tế, chăm sóc sức khoẻ, an toan lao động… nhưng ở phạm vi ngành, khá hẹp, hoạt động tốt, với đòi hỏi trình độ quản lý cao.

Còn công đoàn độc lập ở Việt Nam thời gian tới có diện mạo ra sao, các định chế tài chính sẽ như thế nào? Tất cả vẫn còn bỏ ngõ câu trả lời, và hiện tại vẫn là câu chuyện tiếp diễn của việc Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam được Nhà nước giao, uỷ quyền quản lý nguồn lực để thực hiện các chính sách phúc lợi trực tiếp cho người lao động.

Chính lẽ đó, nên đặt trong bối cảnh tổng thể, trong điều kiện tổng nguồn lực xã hội hạn hẹp, thì việc xác định “ai và bằng cách nào mang lại phúc lợi cho người lao động” là một bài toán kinh tế – chính trị – xã hội… rất quan trọng. Nó liên quan trực tiếp tới việc phân bổ và sử dụng nguồn lực, hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội, sự phát triển bền vững, tác động đa chiều – nhiều mặt, cả trước mắt và lâu dài… Do vậy, người ta đang cảm nhận sự lúng túng của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, trong xác định cách thức, phương pháp “mang lại phúc lợi” cho người lao động một cách thông minh, hiệu quả và bền vững ở bối cảnh đang là thể chế ‘độc quyền công đoàn’.

Sự lúng túng ở đây còn đến từ chính quyền, khi mà Đảng cầm quyền đang ‘nhìn đâu cũng thấy thù địch’.

Với việc lúc nào cũng ám ảnh về “một số thế lực thù địch, lợi dụng quyền tự do hiệp hội để thành lập, thao túng và đội lốt ‘tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp’ để hoạt động ngoài phạm vi quan hệ lao động và tại nơi làm việc, dẫn đến tình trạng quan hệ bị bóp méo hoặc diễn biến phức tạp. Lập trường chính trị và tư tưởng của người lao động cũng vì thế mà bị ảnh hưởng”, đã khiến tổ chức công đoàn cứ chăm chăm vào việc bảo đảm tuyệt đối về tư tưởng chính trị của người lao động là phải luôn trung thành với Đảng Cộng sản, mặc dù họ không là đảng viên, và cũng có thể họ không thích cả Đảng Cộng sản.

Cái đáng lo hơn là nếu vẫn duy trì nếp nghĩ nhìn đâu cũng thấy kẻ thù, khả năng sắp tới đây trong thực thi quyền tự do công đoàn của người lao động Việt Nam, sẽ vấp rất nhiều hạn chế, thậm chí còn phải đối mặt cả nguy cơ đe dọa của án hình sự về chuyện duy diễn “chống Đảng” (!?).

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)