Việt Nam Thời Báo

VNTB – Công lý cho xã hội sau vụ tấn công Đồng Tâm

TS Phạm Đình Bá

 

(VNTB) – Đảng phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công vào dân xã Đồng Tâm

Tôi ăn sao nói vậy. Ở nước ta, đảng là thực thể quyền lực duy nhất. Các hình thái về nhà nước, luật pháp, quốc hội, và tòa án chỉ là những cấu hình dàn dựng một cách tượng trưng. Trong cách tóm tắt nầy, đảng đã sử dụng cả trung đoàn quân đặc nhiệm tấn công vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm vào sáng 9/1/2020. Công cụ của đảng, công an Hà Nội soạn thảo và Bộ Công an phê duyệt kế hoạch 419A, được cho là bản kế hoạch tấn công vào xã Đồng Tâm. Cũng không lạ gì khi đảng ngoan cố cho rằng kế hoạch 419A là tài liệu “tối mật”, “liên hệ đến an ninh quốc gia”.(1) Ngày 8/3/2021, toà án Hà Nội sẽ mở phiên phúc thẩm xét xử vụ án “giết người” tại xã Đồng Tâm – cách tráo trở của đảng là 6 bị cáo trong phiên tòa lại là những nạn nhân của cuộc tấn công tàn bạo từ đảng vào dân. Cách làm việc của đảng là hoàn toàn tương phản với tâm tình của người dân Đồng Tâm khi họ từng rất tin tưởng vào nhà nước Việt Nam.(1)

Lĩnh vực tâm lý học đã dạy cho chúng ta những nguyên tắc hiệu quả để làm sao nạn nhân có thể đối phó với những hành vi tàn bạo mà nạn nhân đã chịu đựng. Theo tôi hiểu từ xa, nạn nhân trong vụ tấn công vào xã Đồng Tâm không chỉ là dân xã nầy mà là cả xã hội bị đàn áp bởi đảng. Để đảm bảo sức khỏe tinh thần tốt và ổn định, điều quan trọng là nạn nhân phải phát triển các cơ chế thích hợp để đối mặt và xử lý kinh nghiệm trong quá khứ, tạo điều kiện đóng cửa hơn là kìm nén kinh nghiệm ấy. Đóng cửa các cảm xúc về kinh nghiệm đau đớn bao gồm bất kỳ tương tác, thông tin hoặc thực hành nào cho phép nạn nhân cảm thấy rằng sự đau khổ và sự kiện đau buồn đã được giải quyết. Đóng cửa các cảm xúc đau buồn thường là thích ứng hơn so với sự kìm nén các cảm xúc nầy, bởi kìm nén đóng vai trò như một cơ chế bảo vệ, khi nạn nhân cố quên đi và vô thức đẩy đi những suy nghĩ và ký ức đau đớn hoặc tổn thương. Trạng thái kìm nén thường là không ổn định với các động thái bùng nổ những cảm xúc đau buồn trong những tình huống ngoài tầm kiểm soát của nạn nhân.

Việc tìm ra cách tiếp cận hoặc cơ chế nào sẽ hữu ích nhất cho quá trình chữa lành sẽ khác nhau ở mỗi nạn nhân, và một phần sẽ được xác định bởi nền tảng và bối cảnh của từng cá nhân cũng như bản chất của chấn thương và tổn hại phải chịu đựng. Tuy nhiên, đối với cả nạn nhân và thủ phạm của các vụ việc tàn bạo, việc đối mặt với thực tế và hậu quả của việc nó xảy ra là điều cần thiết. Để đối phó với những tổn thương đó, cả xã hội cũng có thể có xu hướng hoạt động tương tự như các cá nhân. Các nhóm trong xã hội bị tan vỡ bởi hành vi tàn bạo cần phải thích ứng hoặc thiết kế cơ chế để đối đầu với bóng ma tàn bạo của chúng, để quản lý những hành vi lạm dụng trong quá khứ. Nếu không, đối với xã hội, cũng như đối với các nạn nhân, quá khứ sẽ ám ảnh và lây nhiễm cho hiện tại và tương lai theo những cách không thể đoán trước. Giả định rằng xã hội từng là nạn nhân của những hành động tàn bạo ghê tởm sẽ chỉ đơn giản là quên đi hoặc xóa bỏ cảm xúc chung mà không cần một số hình thức công lý nào, là để lại mầm mống tai hại trong tương lai. Cụ thể nhất là việc tồn tại tư duy trong xã hội về công an giết dân và tòa án giết luật pháp.(2) 

Vụ tấn công vào xã Đồng Tâm có thể được coi là biểu tượng cho hành động tàn bạo của đảng chống lại dân. Trong hoàn cảnh nầy, dân không thể đạt được công lý từ các công cụ của thể chế, mà điển hình là dân không thể mong công lý từ tòa án tại Hà Nội. Một cách xử lý khác là xem vụ tấn công vào xã Đồng Tâm như là tội ác chống lại loài người. 

Tội ác chống lại loài người là một số hành vi cố ý được thực hiện như một phần của chính sách rộng rãi hoặc có hệ thống, nhằm vào dân thường, trong thời chiến hoặc thời bình. Chúng khác với tội ác chiến tranh vì chúng không phải là những hành vi biệt lập của từng binh sĩ, mà là những hành vi được thực hiện nhằm thực hiện chính sách của nhà nước.(3)

Một tòa án quốc tế có vị trí tốt hơn để truyền tải một thông điệp rõ ràng rằng cộng đồng quốc tế sẽ không dung thứ cho những hành động tàn bạo như vậy, hy vọng sẽ ngăn chặn được những cuộc tàn sát kiểu đó trong tương lai cả ở quốc gia được đề cập và trên toàn thế giới. Tòa án nầy có nhiều khả năng được điều hành bởi các chuyên gia có khả năng áp dụng và giải thích các tiêu chuẩn quốc tế về các quyền căn bản của con người, như quyền sở hữu tài sản trong trường hợp dân xã Đồng Tâm. Tòa án nầy có thể hoạt động dễ dàng hơn — và được coi là hoạt động — trên cơ sở độc lập và không thiên vị hơn là những tòa án từ một quốc gia. Liên quan đến hệ thống tư pháp bị đổ vỡ (như trong trường hợp vụ tấn công vào xã Đồng Tâm và tòa án Hà Nội), tòa án quốc tế có nhiều khả năng có đủ nhân lực và vật lực cần thiết để xử lý vụ việc. Ví dụ cụ thể ở vụ tấn công Đồng Tâm là tòa án quốc tế có thể truy cứu tại sao phải cần thiết để sử dụng cả trung đoàn quân đặc nhiệm tấn công vào xã Đồng Tâm. Tòa án quốc tế có thể triển khai hữu hiệu các biện pháp để buộc nhà nước Việt Nam phải công khai hóa tất cả các văn kiện liên hệ đến vụ tấn công vào xã Đồng Tâm, như tài liệu về cái gọi là kế hoạch 419A của công an và bộ công an xét duyệt.

Tòa án quốc tế cũng có thể thực hiện nhiều việc hơn là truy tố địa phương để thúc đẩy việc xây dựng và thực thi các quy phạm hình sự quốc tế. Ví dụ như tòa án Nuremberg đã được tổ chức với mục đích đưa tội phạm chiến tranh của Đức Quốc Xã ra trước công lý. Tòa án Nuremberg đã thiết lập một số nguyên tắc chính cho các ứng xử quốc tế. Đầu tiên là khái niệm cho rằng các quyền căn bản của con người là vấn đề quốc tế quan tâm. Tòa án nầy cũng khẳng định lợi ích của cộng đồng quốc tế trong việc ngăn chặn hoặc trừng phạt các hành vi vi phạm nhân quyền gây ra trong các quốc gia. Tòa án nầy cũng nêu cao nguyên tắc rằng không chỉ các quốc gia nhưng các cá nhân có thể phải chịu trách nhiệm theo luật pháp quốc tế về vai trò của họ trong tội ác diệt chủng và các hành động tàn bạo khác, và việc “tuân theo mệnh lệnh” không thể bào chữa cho trách nhiệm giải trình đó.

Việc truy tố được thực hiện ở đâu, mạng lưới nên được thực hiện rộng rãi như thế nào? Luật quốc tế ngày càng đồng thuận rằng, ít nhất là đối với những vi phạm nghiêm trọng nhất đối với quyền con người và luật nhân đạo quốc tế, một lệnh ân xá sâu rộng là không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, luật pháp quốc tế không yêu cầu truy tố mọi cá nhân có liên quan đến hành vi tàn bạo. Một số vụ truy tố tượng trưng hoặc những người đại diện cho những hành vi tàn bạo đáng trách nhất có thể đáp ứng các nghĩa vụ quốc tế cũng như mang lại công lý chấp nhận được cho các nạn nhân. Cách tiếp cận này đã được áp dụng, ví dụ, ở Argentina, Malawi, và ở một số quốc gia Trung và Đông Âu trong việc giải quyết di sản của việc vi phạm nhân quyền hàng loạt do các chế độ bị lật đổ của họ.(3) 

Ở tòa Nuremberg, với số lượng lớn các bị cáo, một nỗ lực đã được thực hiện để phân biệt ba loại tội phạm và thiết kế các cách tiếp cận khác nhau cho mỗi loại. Những phân loại này được chia thành: (A) những người lãnh đạo đã ra lệnh cho việc thiết kế và xử lý tội ác và những người thực sự thực hiện những tội ác tồi tệ nhất (đơn vị nhỏ nhất về số lượng); (B) những người vi phạm tội ác không được xếp vào loại đầu tiên; và (C) những người có hành vi phạm tội ở mức tối thiểu. Mức độ nghiêm trọng của hình phạt sẽ tùy theo đó. Trong hầu hết các trường hợp, các phiên tòa trên thực tế chỉ giới hạn ở những người thuộc loại (A) và một phần của loại (B). Các nhà lãnh đạo của những hành động tàn bạo tất nhiên cần phải chịu trách nhiệm trước việc truy tố để mang lại một cảm giác công lý toàn diện. Ví dụ, nước Đức thống nhất đã trải qua nhiều thảo luận và đa số dân không chịu khi cho rằng chỉ những người lính biên phòng trẻ tuổi thực sự làm theo lệnh và bắn những người Đông Đức đang cố gắng chạy trốn sang phương Tây mới bị truy tố. Có công nhận rằng những người ra lệnh và tạo ra hệ thống để triển khai tội ác cũng cần phải chịu trách nhiệm. 

Những hành động tàn bạo hàng loạt chỉ có thể được thực hiện bởi một số lượng người rất lớn. Việc truy tố từng người tham gia vào việc lập kế hoạch, ra lệnh hoặc thực hiện các hành động tàn bạo được đề cập — chưa kể đến tất cả những người đã cộng tác với họ — thường là không làm được về mặt thực hiện. Kết quả là, cách tiếp cận trách nhiệm thường được áp dụng cho số lượng lớn nhất là sử dụng nhiều biện pháp trừng phạt phi hình sự. Thủ phạm các vụ đàn áp ghê tởm có thể bị cấm không được dịch chuyển qua các nước và cấm không cho nắm giữ các vị trị có ảnh hưởng trong xã hội của họ. 

Mỗi xã hội đối mặt với các đàn áp tàn khốc từ nhà nước lên dân phải tìm ra cách tiếp cận để giúp dân bị lạm dụng đạt được công lý. Bước đầu tiên trong giải trình nầy là nhận diện ra thủ phạm của hành động tàn bạo. Bài nầy lập luận rằng đảng phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công vào dân xã Đồng Tâm. 

__________________

Nguồn:

Số 1. Mật hóa kế hoạch tập kích Đồng Tâm tạo điểm nghẽn cho vụ án? https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-54143629

Số 2. Án mạng Đồng Tâm: Cảnh sát giết dân và Tòa án giết luật pháp. https://baotiengdan.com/2021/03/04/an-mang-dong-tam-canh-sat-giet-dan-va-toa-an-giet-luat-phap/  

Số 3. Kritz NJ. Coming to terms with atrocities: A review of accountability mechanisms for mass violations of human rights. Law & Contemp. Probs.. 1996;59:127.


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Phiên sơ thẩm vụ án Đồng Tâm: 8/3/2021

Phan Thanh Hung

VNTB – Bạn sống lâu như thế nào?

Do Van Tien

VNTB – Nhục hình

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo