Dân Trần
(VNTB) – Ngành bia thất thu, nhưng sức khỏe và nòi giống dân tộc sẽ được cải thiện, đó mới là thứ quý giá nhất cần được bảo vệ
Việc siết chặt chính sách về vi phạm nồng độ cồn đã tạo ra sự thay đổi lớn trong thị trường bia rượu Việt Nam. Ảnh hưởng lớn tới nguồn thu ngân sách quốc gia và cũng tác động tích cực tới sức khoẻ của người dân. Theo thông tin mới nhất thì tập đoàn Heineken đã đóng cửa nhà máy bia ở Quảng Nam.
Trước đó, nhà máy bia này đã giúp ngân sách tỉnh này có nguồn thu cố định từ 1000-1200 tỷ mỗi năm. Vậy mà trong 3 tháng đầu năm nay, ngân sách Quảng Nam chỉ nhận được 20 tỷ từ nhà máy này. (1)
Heineken đã đầu tư hơn 1 tỷ Euro vào Việt Nam với 6 nhà máy và hơn 3000 nhân viên. Đây thật sự là một ông lớn trong ngành bia rượu khi đóng góp con số tương đương 1,04% GDP cả nước và tạo ra 250.000 việc làm trong cả chuỗi cung ứng, bao gồm từ công nhân sản xuất bia tới tiếp thị, phân phối…
Không chỉ Heineken, mà nhiều công ty bia rượu khác cũng bị thua lỗ liên tục trong thời gian qua. Sabeco có chuỗi 5 quý âm liên tục và mới chỉ có lợi nhuận trong quý 1 năm nay. Còn Habeco, sau khi khấu trừ chi phí và thuế, thì lại lỗ gần 21 tỷ đồng, đây là khoản lỗ lớn nhất trong 4 năm, kể từ lúc bùng phát dịch Covid 19 (quý I năm 2020).
Ngành bia rượu có thể tiếp tục thất thu nếu dự thảo sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) mới của Bộ Tài chính được thông qua. Theo đó, dự thảo đề án áp thuế 80% với bia vào năm 2026, tăng dần qua các năm và sẽ lên 100% vào năm 2030.
Tăng thuế và siết quy định thổi nồng độ cồn tuy có thể gây thất thu cho ngành bia, mất việc làm của hàng trăm ngàn người liên quan tới thị trường bia rượu, thất thu ngân sách. Nhưng bù lại, việc người dân giảm uống bia rượu là một tín hiệu mừng cho nòi giống dân tộc. Nhân viên ngành bia không làm việc này thì có thể tìm việc khác, ngân sách không có khoản này thì bù khoản khác, thậm chí chỉ cần các quan chức không tham nhũng, sử dụng tiền thuế đúng mục đích là đã góp nhiều cho ngân sách rồi. Chỉ có sức khỏe, tính mạng người dân và nòi giống dân tộc thì khó mà cải thiện được.
Theo một thống kê năm 2018 của WHO, thì năm 2016, mỗi năm người Việt Nam uống khoảng 170 lít bia. Nếu quy ra cồn nguyên chất thì trung bình 1 người Việt hấp thụ 8,3 lít cồn nguyên chất vào cơ thể trong 1 năm. Theo điều tra của Bộ Y tế thì cứ 3 nam giới Việt là có 1 người uống ở mức nguy hại. Tỷ lệ tăng cao theo từng năm và người uống bia càng ngày càng trẻ hóa. (2)
Cần biết rằng rượu bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh, là nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh khác. Uống nhiều rượu bia có thể ảnh hưởng tới những cơ quan quan trọng như não bộ, tim mạch, gây rối loạn tâm thần, ung thư, bệnh tim, tiểu đường… và một số bệnh di truyền tới thế hệ sau. Gây suy nhược nòi giống dân tộc, ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe, thể trạng của người Việt Nam.
Đó là chưa kể những chấn thương xảy ra ngay sau khi uống rượu bia, như tai nạn giao thông, đánh nhau, chém giết. Rất nhiều vụ bạo hành gia đình xảy ra sau khi người vợ hoặc chồng nhậu say. Rất nhiều vụ án thương tâm gây hậu quả nghiêm trọng mà khi tỉnh rượu thì kẻ thủ ác chỉ biết hối hận trong muộn màng. Cho nên việc siết chặt quản lý nồng độ cồn và tăng giá bia rượu là rất cấp thiết. Cho dù bây giờ có thể chịu thất thu ngân sách, mất việc làm, miễn là sức khoẻ và nòi giống dân tộc được cải thiện.
______________
Tham khảo:
(1) https://baomoi.com/co-bat-ngo-khi-heineken-dong-cua-nha-may-bia-o-quang-nam-c49457790.epi