Tập đoàn Rạng Đông của Chủ tịch Nguyễn Văn Đông là chủ đầu tư dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết đang vướng sai phạm. Đây là tập đoàn đa ngành lớn nhất tỉnh Bình Thuận.
Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an mới đây đã ra quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam, lệnh khám xét chỗ ở đối với ông Nguyễn Ngọc, nguyên Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Thuận, cùng 4 cá nhân khác về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Trước đó, vào cuối tháng 4, Bộ Công an cũng đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Lê Tiến Phương, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, cùng hàng loạt lãnh đạo thuộc các Sở, ngành với tội danh tương tự.
Đây đều các bị can liên quan đến vụ án xảy ra tại Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết do Tập đoàn Rạng Đông làm chủ đầu tư.
Hành trình tăng vốn gấp 4 lần sau 5 năm
CTCP Rạng Đông sau đổi tên là Tập đoàn Rạng Đông, được thành lập vào năm 1991, tiền thân là Tổ hợp Xây dựng số 4. Đây là tập đoàn đa ngành lớn nhất tỉnh Bình Thuận mang đậm dấu ấn của doanh nhân Nguyễn Văn Đông.
Giai đoạn đầu, đơn vị này chỉ có 5 lao động, hoạt động chủ yếu ở các lĩnh vực như công trình giao thông, khoáng sản – vật liệu xây dựng, khu nghỉ dưỡng, khu bảo tồn và bất động sản.
Đến năm 2007, CTCP Rạng Đông chính thức ra đời, đánh dấu quá trình phát triển mới.
Bóng dáng Tập đoàn Rạng Đông xuất hiện tại dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết từ tháng 9/2013, khi nhà đầu tư nước ngoài ký hợp đồng chuyển nhượng phần vốn tại doanh nghiệp phụ trách dự án (Công ty Golf và Câu lạc bộ golf Phan Thiết, nay là Công ty TNHH Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết) cho CTCP Rạng Đông.
Dự án này nằm ngay ngã tư giao giữa đại lộ Nguyễn Tất Thành và Tôn Đức Thắng, sát bãi biển Đồi Dương, là một trong những mảnh đất đắc địa nhất của TP Phan Thiết.
Đây vốn dĩ là dự án sân golf Phan Thiết, có diện tích hơn 62 ha, vòng đời 50 năm do Công ty Regent Internationnal Overseas Corp (100% vốn nước ngoài) làm chủ đầu tư.
Sau nhiều lần điều chỉnh quy mô và chủ đầu tư, khi về tay Rạng Đông, doanh nghiệp này có văn bản đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận cho chuyển đất sân golf sang đất ở đô thị và được chấp thuận.
Đến ngày 26/3/2015, UBND tỉnh Bình Thuận chứng nhận thay đổi lần thứ 6 với việc điều chỉnh nội dung từ đất sân golf sang Khu đô thị biển Phan Thiết do CTCP Rạng Đông làm chủ đầu tư.
Dự án sau đó liên tục vướng lùm xùm, đơn thư tố cáo của công dân và bị xác định giá đất thấp gây thiệt hại ngân sách, không bố trí 20% quỹ đất phát triển nhà ở xã hội… Do đó, ngày 1/3/2023, Bộ Công an đã chính thức ra quyết định khởi tố vụ án hình sự xảy ra tại dự án này.
Về phía CTCP Rạng Đông, thời điểm 2016, đơn vị này có vốn điều lệ 1.100 tỷ đồng. Trong đó, chủ tịch Nguyễn Văn Đông nắm 96% vốn và cổ đông Huỳnh Tịnh Túy nắm 2%.
Tháng 6/2019, CTCP Rạng Đông tăng quy mô vốn điều lệ lên 1.804 tỷ đồng, riêng ông Nguyễn Văn Đông góp gần 1.750 tỷ đồng tỷ đồng, tương đương 97% vốn điều lệ.
4 tháng sau, vốn điều lệ công ty tiếp tục tăng lên gần 2.436 tỷ đồng. Vị trí Tổng giám đốc kiêm Người đại diện pháp luật sau đó được chuyển giao từ ông Đông sang ông Nguyễn Ngọc Lân.
Cuối tháng 6/2020, công ty này nâng tiếp vốn điều lệ lên 3.138 tỷ đồng. Tính đến tháng 8/2021, vốn điều lệ của Rạng Đông đạt 4.500 tỷ đồng.
Đến nay, Rạng Đông có 15 công ty thành viên, trên 3.000 lao động và hơn 300 dự án đã hoàn thành.
Ông chủ của loạt bất động sản đắc địa
Tại Bình Thuận, Tập đoàn Rạng Đông được xem là “gã khổng lồ” với danh mục đầu tư bao gồm hàng loạt dự án đáng chú ý.
Điển hình trong lĩnh vực bất động sản, Rạng Đông là chủ đầu tư của Khu phức hợp nghỉ dưỡng Sea Links City rộng 167 ha tại phường Phú Hài, TP Phan Thiết; Khu dân cư Rạng Đông rộng 8 ha (xã Hàm Liên, huyện Hàm Thuận Bắc); KCN Sông Bình rộng 300 ha (xã Sông Bình, huyện Bắc Bình).
Trong lĩnh vực khai khoáng, doanh nghiệp của ông Nguyễn Văn Đông là chủ đầu tư dự án khai thác khoáng sản cát bồi nền Hàm Kiệm 4 (thôn Dân Bình, xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam) với trữ lượng gần 102.000 m3; khai thác khoảng sản mỏ đá xây dựng Tân Hà (xã Tân Hà, huyện Hàm Tân).
Tập đoàn này còn sở hữu một số nhà máy lớn trên địa bàn tỉnh Bình Thuận như Nhà máy xỉ titan Sông Bình, Nhà máy Pigment Sông Bình, Nhà máy nghiền Zircon Sông Bình.
Ở lĩnh vực xây lắp, Rạng Đông là chủ đầu tư dự án BOT cầu Phú Hài. Tập đoàn cũng tham gia thi công các dự án khác như Công viên Võ Văn Kiệt, Quốc lộ 55…
Một trong những dự án BOT nổi bật nhất của tập đoàn này là xây dựng Cảng hàng không Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng từ năm 2016 có quy mô 543 ha với tổng mức đầu tư 1.640 tỷ đồng.
Tuy nhiên, hồi cuối năm 2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có công văn gửi UBND tỉnh Bình Thuận liên quan hình thức lựa chọn nhà đầu tư dự án BOT này, qua đó chấm dứt hợp đồng BOT với CTCP Rạng Đông và đưa ra cơ chế lựa chọn nhà đầu tư mới cho dự án.
Ngoài ra, tập đoàn này cũng từng có thời gian đầu tư vào lĩnh vực tài chính ngân hàng khi nắm giữ 32,5 triệu cổ phần VietABank từ năm 2015. Tuy nhiên, trong năm 2021, CTCP Rạng Đông đã bán ra gần 11 triệu cổ phiếu VAB, giảm tỷ lệ sở hữu xuống 4,88% vốn điều lệ và không còn là cổ đông lớn tại nhà băng này.
Theo Znews