VNTB – Công việc của Thường trực Ban Bí thư là gì?

VNTB – Công việc của Thường trực Ban Bí thư là gì?

Nguyễn Nam

 

(VNTB) – Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đã được Bộ Chính trị phân công làm Thường trực Ban Bí thư.

 

Quyền uy chỉ sau một người?

Ngày 6-3, Bộ Chính trị đã họp để xem xét về công tác cán bộ. Theo đó, Bộ Chính trị quyết định ông Võ Văn Thưởng – ủy viên Bộ Chính trị, chủ tịch nước, thường trực Ban Bí thư khóa XIII – thôi giữ chức Thường trực Ban Bí thư. Đồng thời, Bộ Chính trị phân công bà Trương Thị Mai – ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Trung ương Đảng, trưởng Ban Tổ chức Trung ương – giữ chức Thường trực Ban Bí thư khóa XIII, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.

Cũng trong chiều 6-3, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trao quyết định của Bộ Chính trị phân công giữ chức vụ Thường trực Ban Bí thư khóa XIII cho Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai.

Bà Trương Thị Mai là nữ trưởng Ban Tổ chức Trung ương đầu tiên, và sau khi được phân công, bà cũng là nữ Thường trực Ban Bí thư đầu tiên trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam.

Cụ thể thì công việc hàng ngày của Thường trực Ban Bí thư là gì?

Câu trả lời được tìm thấy ở Quy định số 80-QĐ/TW ngày 18-8-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử. Qua đó còn cho thấy giả dụ sau này các nhân sự đã từng nhận được cái ‘gật đầu’ trong ‘cơ cấu ghế’ từ Thường trực Ban Bí thư, nhưng lại là những kẻ ‘nhúng chàm’, vậy thì cũng cần truy ngược trách nhiệm về khả năng ‘nhìn người’ của Thường trực Ban Bí thư.

Quyền rất rộng

Cụ thể, Điều 7, khoản 5 cho biết trách nhiệm của đồng chí Thường trực Ban Bí thư: Chủ trì cùng Trưởng Ban Tổ chức Trung ương và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét kết quả bầu cử và quyết định chuẩn y ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư; uỷ ban kiểm tra, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra và các chức danh bầu bổ sung của các tỉnh uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Trung ương.

Chỉ định bổ sung cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ cấp ủy trực thuộc Trung ương, uỷ viên đảng đoàn, ban cán sự đảng trực thuộc Trung ương theo quy định của Điều lệ Đảng.

Cho ý kiến về nhân sự thư ký của các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội.

Các chức danh cán bộ do Ban Bí thư quyết định, được nêu ở Mục II, Phụ lục 1 của Quy định số 80-QĐ/TW, như sau:

1. Các cơ quan Trung ương:

– Phó trưởng ban, cơ quan đảng ở Trung ương; Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản.

– Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

– Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc; Phó Chủ nhiệm các Uỷ ban của Quốc hội; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

– Phó Chánh án Toà án nhân dân tối cao; Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

– Thứ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

– Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước.

– Phó trưởng các tổ chức chính trị – xã hội ở Trung ương; Bí thư thường trực Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

– Uỷ viên Uỷ ban Kiểm tra Trung ương.

– Giám đốc Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật.

– Chủ tịch các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương (đối với các tổ chức hội có đảng đoàn).

– Trợ lý các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước; đồng chí Thường trực Ban Bí thư; Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội.

– Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

– Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Trưởng Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia; Phó Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

– Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

2. Các tỉnh, thành phố và đảng uỷ khối trực thuộc Trung ương

Phó bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ, đảng uỷ khối trực thuộc Trung ương; chủ tịch hội đồng nhân dân, chủ tịch uỷ ban nhân dân, trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

3. Quân đội, Công an: Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thứ trưởng Bộ Công an; Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; Chính uỷ, tổng cục trưởng, chủ nhiệm tổng cục (trừ Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam); Chính uỷ, phó chính uỷ; tư lệnh, phó tư lệnh quân khu, quân chủng, Bộ đội Biên phòng; Chính uỷ, Giám đốc Học viện Quốc phòng.

Ban Bí thư xem xét, quyết định việc phong hoặc thăng quân hàm đối với các đồng chí giữ các chức vụ nêu trên và phong hoặc thăng quân hàm Trung tướng, Thiếu tướng, Phó Đô đốc, Chuẩn Đô đốc Hải quân đối với các chức vụ thấp hơn.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)