Việt Nam Thời Báo

VNTB – Cử tri muốn chất vấn gì với Thủ tướng Phạm Minh Chính?

Nguyễn Huỳnh (thực hiện)

 

(VNTB) – Theo thông báo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vào ngày 5-11, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

 

Là cử tri tuy không trực tiếp bỏ lá phiếu bầu chọn ông Phạm Minh Chính, song người dân đang muốn được Thủ tướng giải trình những gì về nhân sự cho quản trị quốc kế – dân sinh?

Dưới đây là ghi nhận trong phạm vi hẹp ở nhóm thân hữu trang Việt Nam Thời Báo.

+ Luật sư Hoài Nguyễn: Tính pháp lý của việc chấp nhận cho ông Nguyễn Văn Thể vì “nguyện vọng cá nhân” để từ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải?

Ông Nguyễn Văn Thể được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm chức danh Bộ trưởng, nhiệm kỳ 5 năm (2021-2026) tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XV. Trong Thông báo công khai sau hội nghị lần thứ sáu của Ban Chấp hành Trung ương, phần “Trung ương kỷ luật cán bộ” không có trường hợp ông Thể.

Theo Luật Tổ chức Quốc hội về miễn nhiệm người giữ chức vụ do Quốc hội phê chuẩn, thì miễn nhiệm được hiểu là “trường hợp bình thường”, thường thực hiện vào đầu một nhiệm kỳ mới của Quốc hội, Chính phủ hoặc khi có những thay đổi nhân sự cấp cao trong bộ máy nhà nước.

Theo Quy định 41-QĐ/TW thì “Miễn nhiệm là việc cấp có thẩm quyền quyết định cho cán bộ thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm do không đáp ứng được yêu cầu công việc, uy tín giảm sút, có vi phạm nhưng chưa đến mức xử lý kỷ luật cách chức”, Khoản 1, Điều 2.

Có ý kiến băn khoăn vì việc “miễn nhiệm bộ trưởng theo nguyện vọng cá nhân” được áp dụng ngay sau kỳ họp thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, khi ba cán bộ vừa được “cho thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII” sau khi bị kỷ luật cảnh cáo.

Người dân khó phân biệt được đâu là cán bộ được “miễn nhiệm bình thường” và cán bộ bị “miễn nhiệm sau kỷ luật”. Vậy thực tế thì ông Nguyễn Văn Thể có bị kỷ luật gì của Đảng hay ẩn tình nào khác để phải rời ghế bộ trưởng?

+ Nhà báo Huỳnh Liên: Năng lực thật sự của quan chức do cấp ủy Đảng đề cử?

Ở Việt Nam, nhân sự chủ chốt các cấp trong bộ máy Nhà nước đều do cấp ủy Đảng giới thiệu, đề cử để các cơ quan Nhà nước bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm, miễn nhiệm.

Như vậy liệu ai trong cấp ủy Đảng chịu trách nhiệm về cung cách điều hành rất đáng ngờ về thực tài của Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên?

Ông bộ trưởng này trong cuộc làm việc tại TP.HCM mới đây tiếp tục nhấn mạnh lúc cao điểm chỉ trên 200 cây xăng không hoạt động, chiếm hơn 1% cây xăng, và ông một mực cho rằng điều đó không thể gọi là khủng hoảng hệ thống phân phối cả nước mà báo chí lên tiếng được.

Chỉ một cây xăng đóng cửa đã khiến cả khu phố đảo lộn, đằng này lúc đỉnh điểm có 1/5 cây xăng ở đô thị 10 triệu dân ngưng bán khiến hàng chục người bị ảnh hưởng.

Với những mặt hàng khác, việc ngưng cung ứng 5-10% chưa hẳn tác động đến thị trường. Nhưng với xăng dầu là mặt hàng đặc biệt, không thể thay thế nên hơn 1% cây xăng được thống kê không hoạt động là quá lớn. Nhất là khi số lượng cây xăng ngưng bán tập trung tại một số tỉnh thành khiến lượng người bị tác động tăng gấp bội.

Càng bất thường hơn là Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại Quốc hội rằng trong các nguyên nhân của khủng hoảng vừa qua, có nguyên cớ ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam “có lượng đáng kể xăng dầu trôi nổi, kể cả xăng dầu lậu, giả”. Việc triệt phá những vụ xăng giả được bộ trưởng nói rằng chỉ là “tảng băng nổi thôi”.

Vậy còn “tảng băng chìm” kia lớn bao nhiêu? Sao để người dân phải lo khi không biết đâu là xăng thật, đâu là xăng giả? Và việc để tình trạng có xăng dầu lậu, giả này xảy ra là trách nhiệm của ai, của ngành nào?

+ Cô giáo Nguyễn Thị Huyền: Vấn đề xây dựng chính quyền liêm chính, phục vụ nhân dân, cảnh giác với nguy cơ lạm quyền theo di huấn của Hồ Chí Minh hiện ra sao?

Những biểu hiện lạm quyền ở Việt Nam đang có xu hướng gia tăng trong khoảng 2 thập kỷ gần đây. Nền kinh tế thị trường phát triển cũng đồng nghĩa với sự hình thành và lớn mạnh của nhiều nhóm lợi ích khác nhau.

Xây dựng các mối quan hệ và tìm cách tác động đến các cơ quan công quyền là nhu cầu tất yếu của các nhóm lợi ích kinh tế, tài chính.

Thực tế này tất yếu sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của chính quyền theo cả 2 chiều hướng. Ở hướng tích cực, chính quyền sẽ nắm bắt được nhu cầu của các chủ thể tư nhân, từ đó điều chỉnh chính sách cho phù hợp.

Ở hướng tiêu cực, một bộ phận cán bộ không giữ được bản lĩnh, bị chi phối bởi lợi ích vị kỷ sẽ có thể ban hành những quyết định chính sách và quản lý theo hướng có lợi cho nhóm lợi ích mà họ có liên quan.

Nếu tình trạng quan hệ thân hữu vì các lợi ích cá nhân, nhóm không được ngăn chặn thì lợi ích công sẽ bị xâm phạm nghiêm trọng, chất lượng hoạt động của hệ thống quản trị quốc gia bị giảm sút, trở thành mối đe dọa cho sự ổn định và phát triển của cả xã hội.

Như vậy phải chăng để giảm thiểu nguy cơ lạm quyền, tha hóa quyền lực, Việt Nam cần làm tương tự một số nước khác trong việc kiểm soát quyền lực nhà nước bằng cách tách bạch rạch ròi thành 3 nhánh là Lập pháp – Hành pháp – Tư pháp. Cùng với đó, nguyên tắc “cân bằng và kiểm soát” cho phép 3 trụ cột quyền lực nhà nước có thể hoạt động riêng rẽ, giám sát và trừng phạt lẫn nhau mỗi khi xuất hiện biểu hiện lạm quyền.

Thay vì mọi chuyện theo sự đặt để duy ý chí của Bộ Chính trị, thì hãy để khả năng kiểm soát quyền lực nhà nước của các lực lượng xã hội thông qua các kỳ bầu cử, cũng như các phương tiện truyền thông đại chúng.

Sức ép từ dư luận xã hội thể hiện trên truyền thông đại chúng, và lá phiếu của cử tri có thể loại bỏ những cá nhân có biểu hiện lạm quyền vì các mục tiêu vị kỷ, xâm phạm lợi ích công, hay trái với mong đợi của số đông người dân.


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Thiên hạ luận: Người ‘bên chính quyền’ đã có tiếng nói?

Phan Thanh Hung

VNTB – Rời ghế giám đốc vì “suy giảm 62% khả năng lao động”?

Phan Thanh Hung

VNTB – Cái ngu của Phạm Minh Chính ở Mỹ

Trương Thế Tử

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo