Việt Nam Thời Báo

VNTB – Cúng dường là tùy tâm hay theo mức giá quy định?

Phạm Lê Đoan

 

(VNTB) – Cúng dường không đồng nghĩa với… ‘quyên tiền’ để nuôi sư sãi.

 

Trong thông báo về việc “cúng dường trai phạn – pháp y – tứ sự cho chư Tăng tại chùa Diệu Pháp trong mùa an cư kiết hạ năm 2024”, nêu cách thức cúng dường như sau (trích): “Cúng dường trai phạn: Đây là hình thức cúng dường một ngày ăn cho chư tăng chùa Diệu Pháp với số tiền là 800.000 đồng/ngày. Quý Phật tử có thể cúng dường trọn vẹn một ngày hoặc tùy hỷ.

Sau khi cúng dường, quý Phật tử hoan hỷ gửi tin nhắn cho fanpage (nếu cúng dường qua hình thức chuyển khoản) để cung cấp thông tin cá nhân và gia quyến (hoặc hương linh) của người cúng dường để chư Tăng nhất tâm cầu an – cầu siêu cho gia chủ trong giờ Quá đường và các thời khoá khác.

Cúng dường pháp y và tứ sự: Pháp y và tứ sự là những vật dụng hằng ngày trong đời sống tu hành của chư Tăng. Quý Phật tử có thể tuỳ tâm cúng dường bằng hiện kim (trực tiếp tại chùa hoặc chuyển khoản) hoặc bằng hiện vật. Quý Phật tử phát tâm sẽ dâng cúng 500.000 đồng/pháp y (gồm tiền vải và tiền may pháp y) hoặc tùy hỷ cúng dường. Buổi lễ dâng pháp y sẽ diễn ra vào dịp Đại lễ Vu Lan tháng 7 âm lịch.

Sau khi cúng dường, quý Phật tử hoan hỷ gửi tin nhắn cho fanpage (nếu cúng dường qua hình thức chuyển khoản) để cung cấp thông tin cá nhân và gia quyến (hoặc hương linh) của người cúng dường để chư Tăng nhất tâm cầu an/cầu siêu cho gia chủ trong các thời tụng kinh buổi sáng và tối”.

Thông tin trên mang đến cảm giác “cúng dường” là một hình thức của “quyên góp” tịnh tài từ bá tánh để các nhà sư gọi là phục vu chuyện tu hành. “Quyên góp” này thay vì tùy tâm, ở đây lại gợi ý về khung lượng số tiền, mặc dù sau đó là đính kèm câu “hoặc tùy hỷ” cho việc đổi lại “cầu an/cầu siêu cho gia chủ trong các thời tụng kinh”.

Chùa Giác Ngộ của sư trụ trì Thích Nhật Từ (Trần Ngọc Thảo) cũng gợi ý khung giá cúng dường cụ thể theo từng gói cho việc gọi là “Hùn phước cúng dường trai phạn và hộ trì cho khóa tu”: 

“Quý vị phát tâm bảo trợ theo các gói sau đây:

Cúng dường trai phạn: Bảo trợ 1 bữa ăn: 500.000 VND; Bảo trợ 1 ngày ăn 1.500.000 VND; Bảo trợ tùy hỷ.

Cúng dường chi trả tiền điện: Bảo trợ 1 ngày: 1.500.000 VND; Bảo trợ 1 tuần: 10.500.000 VND; Bảo trợ 1 tháng: 45.000.000 VND; Bảo trợ tùy hỷ.

Cúng dường chi phí phục vụ tổ chức các khóa lễ: Bảo trợ 1 chương trình: 2.000.000 VND; Bảo trợ 5 chương trình: 10.000.000 VND; Bảo trợ tùy hỷ”.

Theo giải thích của báo Giác Ngộ (Thành Hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM), chữ cúng đây có nghĩa là cúng dường Tam bảo. Trai có nghĩa là chay tịnh hay trong sạch, thanh tịnh. Cúng trai phạn là dâng cúng thực phẩm trong sạch, được làm ra đúng pháp lên chúng Tăng.

Chư Tăng Ni hiện nay không đi khất thực, người Phật tử muốn cúng trai phạn thì tự nấu nướng (hoặc nhờ nhà bếp của chùa nấu) rồi bày biện cơm nước lên trai đường (nhà ăn của chùa), hợp thời chư Tăng Ni tập trung tại trai đường sẽ tác bạch dâng cúng. Nếu chư Tăng đi khất thực, cúng trai phạn là người Phật tử chuẩn bị cơm nước, đợi chư Tăng đi ngang qua liền kính lễ rồi sớt bát cúng dường.

“Cúng dường trai phạn có nghĩa là chỉ dâng cúng thức ăn uống cho chư Tăng”, báo Giác Ngộ khẳng định trong một tham vấn khác về thiết lễ cúng dường.

Còn cúng dường trai tăng thì gia chủ phải sắm sanh tứ sự gồm thực phẩm, y phục, thuốc men, sàng tòa mang tính tượng trưng, kèm một bao thư “tiền mặt” để chư Tăng tùy nghi mua sắm những gì cần thiết, phù hợp. Tuy nhiên cúng dường trai tăng vẫn dựa trên nền tảng tự phát tâm, tự nguyện của gia chủ Phật tử. Do đó, “lễ bạc mà lòng thành” là một trong những nguyên tắc quan trọng, không thể thiếu trong khi thực thi Phật sự cúng dường này.

Riêng cúng trai đàn có phần khác, nghĩa là cá nhân Phật tử hay tập thể (chùa cùng bá tánh) thiết lập đàn tràng trang nghiêm thanh tịnh để cầu an cho bản thân cùng gia đình (đàn Dược Sư), hay cầu siêu (đàn Bạt độ – Chẩn tế) cho thân nhân, dòng tộc và chúng sinh, hoặc tổng quát cầu quốc thái dân an, nguyện âm siêu dương thái.

Cúng trai đàn cần kinh phí khá lớn cho việc thiết lập đàn tràng, sắm sửa nhiều lễ phẩm, có nhiều lễ tiết trong trai đàn, thỉnh chư Tăng cúng dường (trai tăng), thỉnh chư vị tôn đức chứng minh, sám chủ, kinh sư gia trì, tụng niệm kinh chú… với thời gian dài từ một đến nhiều ngày, chư Tăng đông, kinh phí lớn…, nên cần hội đủ nhiều nhân duyên mới tổ chức một trai đàn thành công viên mãn.

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Rối: trường đại học không phải là đại học nhưng vẫn là đại học

Do Van Tien

VNTB – Cứ giãn cách xã hội kéo dài, lấy gì sống?

Phan Thanh Hung

VNTB – “Ông không hiểu biết ‘thanh tra’ ông hiểu biết” (*)

Baraju T. Ogelefecejo

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.