Đông Đô
(VNTB) – EVN kiến nghị được tiếp tục tăng giá điện vào tháng 9-2023
EVN cho rằng mức tăng giá điện 3% thực hiện từ đầu tháng 5-2023 chưa cân đối được chi phí. Vì vậy, EVN kiến nghị được tiếp tục tăng giá điện vào tháng 9-2023.
Tháng 9, điện lại tăng giá
Công tác cơ cấu lại Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) giai đoạn 2016-2020 và Đề án tổng thể sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp EVN giai đoạn 2021-2025 vừa được báo cáo Chính phủ.
Về kết quả hoạt động kinh doanh, EVN cho rằng, năm 2022, EVN và các đơn vị thành viên gặp rất nhiều khó khăn trong việc cân đối tài chính do sự biến động tăng đột biến của giá nhiên liệu (giá than, giá khí, giá dầu), tỷ giá ngoại tệ tăng cao.
Trong bối cảnh chi phí mua điện tăng quá cao do tác động của giá nhiên liệu tăng đột biến, giá bán lẻ điện bình quân trong năm 2022 không được điều chỉnh kịp thời dẫn đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của cả năm 2022 lỗ “âm” 26.463 tỉ đồng.
Liên quan đến việc tăng giá điện đang được người dân quan tâm, EVN cho rằng việc điều chỉnh giá bán lẻ bình quân tăng 3% từ ngày 4-5-2023, dự kiến doanh thu bán điện tăng thêm được khoảng 8.000 tỉ đồng trong các tháng còn lại năm 2023. Mức tăng này chưa thể cân đối được khoản chi phí mua điện năm 2023 và EVN vẫn khả năng còn lỗ, cộng với khoản lỗ năm 2022 chuyển sang 26.463 tỉ đồng, dự kiến ước thực hiện cả năm 2023, EVN lỗ 40.884 tỉ đồng.
Vì vậy, EVN kiến nghị Thủ tướng: Sửa đổi Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để cho phép điều chỉnh giá bán lẻ điện một cách kịp thời theo các thông số đầu vào cơ bản trong các khâu phát điện, truyền tải, phân phối và kinh doanh điện trong giai đoạn 2023-2025.
Đồng thời, cho phép EVN tiếp tục được điều chỉnh giá bán lẻ điện từ ngày 1-9-2023 để bù đắp phần chi phí tăng thêm do các chi phí đầu vào tăng cao theo qui định, đảm bảo cân bằng tài chính cho EVN.
Cúp điện để gây áp lực cho ‘dọn đường’?
Dĩ nhiên là đề xuất trên vấp phản đối từ phía người dân cho đến các ý kiến của đại biểu Quốc hội đang dự kỳ họp thường kỳ tại Hà Nội. Vậy là… xảy ra cúp điện ngay ở thủ đô rồi lan rộng ra nhiều địa phương miền Bắc.
“10 giờ sáng 1/6, khu vực trại gà nhà tôi bị mất điện. Tôi đã gọi lên người phụ trách điện của thôn để hỏi khi nào có điện, lúc đầu họ bảo 13 giờ. Chờ đến 13 giờ chưa thấy, tôi gọi tiếp thì họ lại bảo 14 giờ, 15 giờ… Tôi gọi liên tục không biết bao nhiêu cuộc, vậy mà tới tận 21 giờ mới có điện.
Đợt nắng nóng hồi tháng 3, bị mất điện vài tiếng nhà tôi đã bị chết hơn 50 con gà. Dù tôi đã chuẩn bị mọi phương án, nhưng lần này mất điện kéo dài nhiều giờ khiến tôi trở tay không kịp. Chỉ nửa ngày, hơn 1.000 con gà sốc nhiệt cứ lăn đùng ra chết”, ông Chu Văn Dũng ở xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, Hà Nội, cho biết.
“Tôi mới làm trang trại này được 2 năm. Năm ngoái chưa có kinh nghiệm, tôi thua lỗ hơn 800 triệu đồng. Năm nay đàn gà đã được 10 tháng, đang vào độ thu hoạch trứng thì gặp sự cố này. Thực sự tôi quá nản, định nuôi hết năm nay được tới đâu bán tới đó để thu hồi vốn, nhưng càng gỡ càng thấy rối, tiền vào không thấy, chỉ thấy tiền ra”, ông Chu Văn Dũng tự trách cho sự đen đủi làm ăn.
Ông Dũng mua lại hệ thống chuồng trại theo kiểu bán công nghệ. Trong mỗi dãy, ông đầu tư 7 quạt thông gió công suất lớn, giàn phun sương làm mát hơn 50 triệu đồng. Như vậy nên khi bị cúp điện kéo dài, nuôi kiểu bán công nghệ chỉ có thể trở tay khi có thêm máy phát điện dự phòng đủ mạnh, và dự trữ luôn trong nhà mấy can dầu cho chạy máy cả ngày trời đó…
Chưa cách chức ‘đồng chí’ nào cả
Người dân không trở tay kịp là chuyện bình thường. EVN thì lại không như vậy.
Hồi cuối năm 2018, dư luận cả nước xôn xao khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam “cảnh báo” do cung ứng than không đầy đủ, có thể dẫn đến thiếu điện và phải cắt điện luân phiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi đó đã cực kỳ kiên quyết: “Nếu để mất điện, một số đồng chí sẽ mất chức”.
Điện, không phải như du lịch để một bộ trưởng có thể “mời nhân dân đi du lịch” như một biện pháp kích cầu. Nhưng một bộ trưởng có thể nghĩ tới việc giảm giá thành điện vì đó sẽ là đỡ rất nhiều “đau đầu và mệt mỏi” cho các doanh nghiệp, cho nền kinh tế, cho dân.
Hệ luỵ của thiếu điện trong hoàn cảnh nền kinh tế đang phục hồi, sẽ rất khủng khiếp. Bởi nó không chỉ ảnh hưởng đến đời sống mà còn tác động rất tiêu cực tới sản xuất, tới môi trường đầu tư.
Có lẽ để tránh thiếu điện, tránh khủng hoảng năng lượng… thì đúng là phải xem lại “cái ghế” của ‘một số đồng chí’ trước khi nguy cơ thành sự thật.
Một chút bên lề. Năm 2022 và cả mấy tháng đầu năm 2023, EVN luôn luôn khẳng định rằng EVN lỗ lớn vì giá nguyên liệu tăng, cụ thể là giá than tăng gấp mấy lần.
Thế rồi khi báo chí và đại biểu Quốc hội phát hiện trong năm 2022 các công ty nhiệt điện con của EVN, các công ty nhiệt điện tư nhân vẫn có lãi dù giá than tăng gấp mấy lần, thì một quan chức cấp trên của EVN nói EVN lỗ là do mua điện của các công ty nhiệt điện con của EVN, công ty nhiệt điện tư nhân giá cao rồi bán giá thấp.
Vậy giá mua điện của EVN năm 2023 so với giá mua điện năm 2022 là năm EVN lãi lớn như thế nào, chẳng lẽ hợp đồng mua bán điện mỗi năm mỗi ký, năm 2023 mua giá cao hơn năm 2022, ai duyệt giá này.
Còn nhớ rằng trong ngờ vực “chuyển giá”, ở một dạo báo chí từng rùm beng về một tập đoàn nổi tiếng thế giới khi đầu tư vào Việt Nam, năm nào cũng kêu lỗ, nhưng đầu tư vào Việt Nam càng ngày càng nhiều. Sau này mới phát hiện ra tập đoàn mẹ bán nguyên liệu giá rất cao cho công ty con ở Việt Nam, thành ra tập đoàn mẹ thì lãi lớn và công ty con thì lỗ khi báo cáo sổ sách kế toán với cơ quan thuế vụ của Việt Nam.