Thới Bình
(VNTB) – Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã ra mức kỷ luật “Khiển trách” đối với đảng viên Phạm Sanh Châu, khi ông là Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ.
Phía Đảng cho rằng ông Phạm Sanh Châu nằm trong nhóm quyền lực đã lợi dụng dịch giã Covid-19 để tạo ra những áp phe làm ăn được gọi là “chuyến bay giải cứu”.
Hồi đầu năm nay, khi không còn làm đại sứ nữa, chia sẻ với thân hữu báo chí, ông Phạm Sanh Châu đã tính rời chính trường để chuyển sang làm… doanh nhân.
Ông từng chia sẻ không hề giấu giếm là ông có thế mạnh quen thân với rất nhiều tỷ phú ngoại quốc. “Riêng cá nhân tôi, tôi tự nhận mình là một đại sứ mê kinh tế.”
Trong ba trụ cột của ngoại giao hiện đại, tôi mê ngoại giao kinh tế hơn cả, dù không phải là tôi không tốt ở lĩnh vực ngoại giao chính trị hay văn hóa. Lý do vì tôi thấy nó hiệu quả, mang lại lợi ích cho đất nước bằng thứ có thể nhìn thấy ngay được. Khi nhìn một doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam, đóng thuế cho Việt Nam, tạo công ăn việc làm cho người Việt Nam, hay như khi tôi tìm cách giúp doanh nghiệp tháo gỡ một khúc mắc nào đó, tôi đều tìm thấy niềm vui trong đó.
Dĩ nhiên, ngoại giao chính trị càng quan trọng, nhưng xây dựng ngoại giao chính trị thì phải mất nhiều năm, dựa trên công sức của không chỉ một nhà ngoại giao có thể làm được.
Trong mấy năm ở đây, tôi thúc đẩy việc mở đường bay giữa hai nước. Để làm được điều đó, tôi liên tục tiếp xúc với các quan chức Ấn Độ bằng nhiều hình thức, cả gặp chính thức lẫn gọi điện, cho đến khi lấy xong được giấy phép bay mới hài lòng. Có quan chức Ấn Độ thắc mắc với tôi: “Tôi chưa bao giờ thấy nhà ngoại giao nào mà lại tích cực đến như thế để mở một đường bay. Hay lẽ nào trong đó có cổ phần của ông?”. Tôi trả lời: “Nhiệm vụ của nhà ngoại giao là phục vụ lợi ích đất nước. Nên việc nào có lợi cho đất nước tôi đều nhiệt tình như thế cả”.
Cuối năm 2020, Tập đoàn công nghệ hàng đầu Ấn Độ công bố đầu tư vào Việt Nam, tạo ra thêm 10.000 việc làm cho người Việt mỗi năm. Doanh thu mỗi năm của HCL là 15 tỷ USD. Đó là một trong những tập đoàn công nghệ cực kỳ lớn trên thế giới.
Tôi cũng đã dành thời gian 2 năm bỏ công sức vào mối quan hệ với ông chủ tịch nổi tiếng khó tính của HCL, mời họ sang Việt Nam để giới thiệu về các tiềm năng của Việt Nam. Với nhiều tập đoàn khác của Ấn Độ đã và đang có kế hoạch vào Việt Nam, tôi cũng nhiệt tình như vậy. Tôi tìm gặp ông ấy rất nhiều lần, dù ai cũng nói ông ấy khó tính. Nhưng tôi quan niệm, chừng nào ông ấy còn chưa nói “không thể”, thì chừng đó tôi còn nỗ lực.
Cuối 2020, khi HCL vào Việt Nam, ông Chủ tịch HCL có nói vui với tôi: “Vì ấn tượng với Đại sứ mà tôi quyết tâm đầu tư vào Việt Nam”. Như vậy là tôi có ích rồi, và với tôi, thành công chính là những thứ cụ thể như vậy…”.
Nói về ông Phạm Sanh Châu, một nhà báo đang sống ở Sài Gòn cho hay hồi mà báo chí đưa tin Lý Nhã Kỳ tham gia đám cưới của gia đình tỷ phú Ấn Độ, thật ra đó là do Đại sứ Phạm Sanh Châu quan hệ với mục đích để đám cưới đó càng đạt hiệu ứng tốt hơn về mặt truyền thông.
“Việc đó có gì sai? Chỉ là cách thức của tôi khác mọi người mà thôi. Tôi chắc chắn tôi không vi phạm pháp luật, không làm sai đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, cũng không làm trái lương tâm của một công dân, nên dù có ồn ào hay không trong mắt của mọi người cũng không làm giảm đi giá trị mà tôi có” – cựu Đại sứ Phạm Sanh Châu nhắc lại vụ việc mà ngay cả người đẹp Lý Nhã Kỳ cũng tránh chưa lần nào công khai với báo chí.
Giờ thì có lẽ phải xong vụ án chuyến bay giải cứu với những quân cờ chính trị được Đảng thu vén lại thì ông Phạm Sanh Châu mới có thể thực hiện được điều mà thân phụ của ông cũng là một nhà ngoại giao từng khuyên ông: “Bài học đầu tiên về ngoại giao mà ông dạy tôi là đếm các vị khách có mặt trong buổi lễ quốc khánh của Việt Nam.
Ba tôi nghĩ tôi có tính cách đặc trưng của người miền Nam: quảng giao, sôi nổi. Nên ông bảo tôi hợp để làm doanh nhân hoặc một nhà hoạt động xã hội hơn một nhà ngoại giao trong khuôn khổ. Ông từng muốn tôi vào Nha Trang quê nội tôi để học Đại học Thủy sản. Nhưng cuối cùng, tôi cãi lời ông, và trở thành một nhà ngoại giao như bây giờ…”.