Võ Hàn Lam
(VNTB) – “Hệ lụy của thể chế này” đã khiến cựu thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình bị đề nghị kỷ luật
Hôm 3/11, báo chí Việt Nam đồng loạt đưa tin ông Nguyễn Văn Bình, đương kim Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương bị đề nghị kỷ luật trong Phiên họp 49 của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương.
Tháng 8 năm 2012, ông Nguyễn Văn Bình bị tạp chí Global Finance liệt vào 20 thống đốc ngân hàng nhà nước kém nhất trên thế giới (*).
Một số nhà báo chuyên viết về tài chính – ngân hàng, nói rằng giờ mà kể công – tội của ông Nguyễn Văn Bình thời kỳ làm thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, là chuyện không dễ vì lắm ý kiến trái chiều.
“Định hướng xã hội chủ nghĩa cho nền kinh tế thị trường ở Việt Nam, chính là một trong số duyên cớ khiến những nhà quản lý chuyên trách về tài chính như ông Nguyễn Văn Bình dễ lâm cảnh hôm nay là anh hùng, ngày mai lại là tội đồ!” – nhà báo T.V nhận xét.
“Cái kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của mình thì cũng na ná như anh bạn Đảng Dân chủ bên Mỹ vậy. Cơ mà vì mình chỉ có 1 đảng duy nhất cầm quyền, nên chả ai tranh luận, lập luận cho cái kinh tế thị trường không định hướng xã hội chủ nghĩa, hoặc định hướng cái gì khác thôi ông ạ!” – nhà báo H.N.N góp chuyện.
Nhà báo H.T.G, nhớ lại: Một buổi sáng đầu tháng 9-2011, chỉ vài tuần sau khi Quốc hội khóa 13 phê chuẩn Chính phủ mới, một số tân bộ trưởng kinh tế được mời tham dự cuộc họp do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì ở Văn phòng Chính phủ. Cuộc họp đó nhằm nghe các chuyên gia đánh giá lại tình hình kinh tế vĩ mô đang lâm vào hỗn loạn với lạm phát như ngựa bất kham và lãi suất cao ngất ngưởng.
Chuyên gia ngân hàng Lê Xuân Nghĩa, một trong những người thuyết trình chính, kể lại, ông tập trung nói về phương án ra đời Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng VAMC và kinh nghiệm quốc tế.
Ông Nghĩa kể: “Sau khi tôi trình bày đề án xong, ông Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Tài chính đứng lên nhận ngay, bảo VAMC phải thuộc Bộ Tài chính. Song tôi cố gắng thuyết phục kinh nghiệm của Thụy Điển là thế này thế kia, rằng chúng ta không được dùng tiền ngân sách nên cần giao cho Ngân hàng Nhà nước. Đến cuối buổi họp, Thủ tướng quyết định giao cho Ngân hàng Nhà nước, thì ông Bình mới miễn cưỡng nhận”.
Thực ra, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình có nhiều lý do để do dự. Nguyên Thống đốc Cao Sỹ Kiêm kể lại: “Ông ấy do dự vì không có vốn, không có khuôn khổ pháp luật cho VAMC, mà bắt ông ấy làm thì ông ấy làm thế nào được”. Hơn nữa, lúc đó còn rất nhiều việc khác cấp bách không kém. Ông Kiêm nói: “Khi ông Bình bước vào nhiệm kỳ, tình hình hỗn loạn kinh khủng”.
Theo ông Kiêm, mọi việc bắt đầu từ trước đó rất lâu, khi các ngân hàng nông thôn được “bung ra” hoạt động ở thành thị. “Lúc đó có hơn 100 ngân hàng, nhiều trong số đó cho vay bừa bãi, quản lý lỏng lẻo nên gây ra tai họa”, ông nói. Song, tai họa đó trở thành “đại họa” – theo ông Kiêm – khi Ngân hàng Nhà nước áp dụng lãi suất tự do.
“Thế là các ngân hàng thương mại vào cuộc chạy đua lãi suất lên 23-25%, mở rộng tín dụng. Nhưng rồi, bất động sản bị đóng băng, tín dụng không có khả năng thu hồi, thành ra tất cả đều thành núi nợ. Làm sao mà đất nước này chịu đựng được”, ông Kiêm nhớ lại những gì xảy ra hồi năm 2010-2011.
Giai đoạn này, ông Nghĩa nhớ lại, lạm phát lên 20%, dự trữ chỉ còn vỏn vẹn 7 tỉ đô la Mỹ, lãi suất liên ngân hàng lên tới 35%, nợ xấu thực tế lên 17-20%. “Dân chúng hàng ngày đua nhau rút tiền từ ngân hàng này để gửi vào ngân hàng khác, hầu hết ngân hàng thương mại chạy đua lãi suất và khủng hoảng thanh khoản đã hiện hữu”.
Lúc đó, báo cáo FSAP của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế cho biết thêm tình hình đến cuối năm 2012: “chất lượng danh mục cho vay và mức vốn của một số ngân hàng rất đáng lo ngại, tỷ lệ nợ xấu (NPL) tăng lên 12%, làm giảm mạnh tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của một số ngân hàng”.
Sáng hôm sau, ông Nghĩa gặp Thủ tướng và được đề nghị “Các anh phải cân nhắc thêm xem xử lý ngân hàng trên nền tảng hiện đại các nước đã làm và có tham khảo kinh nghiệm trong nước 2000-2004”.
Là người theo dõi tiến trình này lâu năm, nguyên Viện trưởng CIEM Lê Xuân Bá kết luận: “Nợ xấu, nợ công không còn là vấn đề kỹ thuật, chúng vượt lên các vấn đề kinh tế. Đó là hệ lụy của thể chế này”.
6 từ “hệ lụy của thể chế này” đã khiến cựu thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình bị đề nghị kỷ luật trong Phiên họp 49 vừa qua của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương.
_______________
Chú thích: