Việt Nam Thời Báo

VNTB – Đã đến lúc đối diện với ‘mặt trái’ của công nghệ nhận diện khuôn mặt

Hiền Lương

 

(VNTB) – Đành rằng với ý thức của một số người, chuyện lợi dụng và lòng tham là khó tránh khỏi. Nhưng nên tìm cách nào đó để giảm bớt. Không thể vịn cớ này mà đẻ ra những cách làm có thể xúc phạm tới những người khó khăn. Họ có thể nghèo, nhưng chớ bắt họ hèn.

 

 

Tôi muốn nói đến ở đây về công nghệ nhận diện khuôn mặt kèm việc khai báo cá nhân lúc đến nhận gạo phát từ thiện. Bởi tại sao bắt người nhận phải cung cấp nhân thân  như họ tên, địa chỉ, số điện thoại. Sao lại cần như vậy nhỉ? Không có lý lẽ nào có thể biện minh cho việc thu thập data này. Càng tệ hơn nữa khi bắt họ phải nói to các thông tin như vậy cho máy ghi nhận.

 

DPA (Cơ quan bảo vệ dữ liệu Thủy Điển) từng phạt hành chính hơn 20.000 USD đối với chính quyền một thành phố vì đã xâm phạm quyền riêng tư của công dân. Cụ thể, chính quyền thành phố này đã lắp đặt hệ thống nhận diện khuôn mặt để theo dõi, điểm danh học sinh ở một trường trung học thành phố. Mục đích của họ nhằm giảm thời gian điểm danh cho giáo viên và việc điểm danh sẽ nhanh chóng và chính xác hơn.

 

Theo đó, hành vi này đã vi phạm luật về bảo vệ dữ liệu, bao gồm hình ảnh khuôn mặt và thông tin sinh trắc học của công dân mà nước này ban hành trước đó. Cũng theo luật này thì dữ liệu cá nhân là bất kỳ dữ liệu nào liên quan đến cá nhân đó được xác định hoặc nhận dạng, bất kể ở một định dạng tài liệu nào.

 

Do đó, theo DPA thì hành vi thu thập thông tin cá nhân (khuôn mặt) như trên sẽ làm cho học sinh cảm thấy không được tôn trọng quyền riêng tư ở trường. Phải nói thêm rằng, mặc dù các bậc phụ huynh rất ủng hộ công nghệ này, nhưng không vì thế mà trở thành lý do hợp pháp để triển khai.

 

Ở Việt Nam, mặc dù đã được ghi nhận, nhưng pháp luật vẫn chưa có nhiều quy định cụ thể, chi tiết và rõ ràng để bảo vệ dữ liệu cá nhân, nếu có thì cũng chỉ là rải rác trong các văn bản ở các cấp độ khác nhau.

 

Nguyên tắc của bảo vệ dữ liệu cá nhân là mỗi người đều có thể tự quyết định là người nào, khi nào và dữ liệu cá nhân nào của mình được phép cho người khác xem. Theo quy định của Luật An ninh mạng 2018, cá nhân được bảo vệ khi tham gia hoạt động trên không gian mạng trước các thông tin xấu, độc, xâm phạm tới danh dự, uy tín, nhân phẩm, các hoạt động tấn công mạng, gián điệp mạng, khủng bố mạng hoặc các hành vi khác gây ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

 

Tuy nhiên với thời đại công nghệ số và mạng xã hội đang ngày càng phổ biến rộng rãi thì việc bảo mật thông tin cá nhân đang ngày càng được quan tâm.

 

Tôi muốn nói đến về sự lo ngại trong dấu hiệu vi phạm quyền riêng tư sinh trắc học, từ chuyện nhận diện khuôn mặt ở ‘ATM gạo’ đi kèm với khai báo nhân thân.

 

Công nghệ nhận diện khuôn mặt sử dụng các thông tin sinh trắc học nhằm xác định những đặc điểm chính, chẳng hạn như khoảng cách giữa hai mắt hay khoảng cách từ trán tới cằm, và tái tạo lại bản đồ khuôn mặt con người. Thị trường công nghệ nhận diện gương mặt đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Theo báo cáo “Thị trường nhận diện gương mặt” của Component, giá trị của ngành công nghiệp này sẽ tăng từ 3,2 tỉ USD trong năm 2019 lên 7 tỉ USD trong năm 2024 tại Mỹ. Công nghệ nhận diện gương mặt chủ yếu được dùng trong giám sát và marketing.

 

Đã không ít ý kiến bày tỏ lo ngại bị xâm hại quyền công dân cơ bản cùng quyền riêng tư khi chứng kiến sự bành trướng của công nghệ nhận diện khuôn mặt, đặc biệt là trong hệ thống luật pháp.

 

Lo lắng nói trên còn đến từ câu chuyện hệ lụy của ‘công nghệ nhận diện’ mà mạng xã hội đang ồn ào.

 

Người bị đuổi khỏi ATM gạo ấy là ai?

 

Có một thanh niên khi đến lượt lấy gạo thì loa phóng thanh mời bạn ra khỏi vị trí và không phát gạo. Ai đó còn quay đoạn phim ‘tố cáo’ cho rằng có sự gian lận, thanh niên áo đen quay ra đường có hai người đi xe máy đón và đưa đi. Có vẻ như đây là một phi vụ thất bại… Nhưng đọng lại trong người xem là đôi mắt đầy ám ảnh của cậu bé này (thật ra là nữ). Đau lắm.

 

Và đây là sự thật. Nhà báo Hoàng Linh của tờ Tuổi Trẻ, kể về kết quả tìm hiểu thực hư từ một người bạn của ông: Thương quá, trước mặt mình là một em bé gầy nhom, mình hỏi : Em có giận người đó không?, Em có coi clip đó không?… Thế là em bé khóc, rồi ai cũng khóc, mọi người đều im lặng để khóc. Hình như khóc thì dễ nói chuyện hơn.

 

Em kể về quê em ở An Giang, cha mẹ có 4 người con đều là gái, và chỉ có mình em đi làm, nhưng từ Tết giờ công ty cho nghỉ, em cũng đi phụ hồ, nhưng em kéo cát lên sàn không nổi, nên chủ không cho làm, phòng trọ ở chung 5 người, hết gạo, hết tiền. Anh hàng xóm nói: để tụi tao chở mày đi xin gạo ở máy từ thiện bên kia, em đâu có xe đâu. Em nhờ 2 anh đó chở đi… Em đứng xếp hàng, đến lượt em, chị gái đó nói em không được nhận.

 

Hai anh đó chở em về phòng trọ, em cũng hỏng có kể lại với ai trong phòng, nên trong phòng không ai biết là em đi xin gạo từ thiện mà hỏng được cho…

 

Tối. Má em ở dưới quê gọi điện lên la em, là làm bậy hay sao mà trên máy điện thoại nó quay mày kìa… em chỉ biết khóc, em sợ đoạn phim đó đăng, sau này hết dịch em xin đi làm chắc hỏng ai dám nhận em phải không anh? Rồi em khóc, tui cũng không biết trả lời sao nữa.

 

Tui hỏi em tên gì, em nói má em cho em tên Hà, nhưng em thích tên mình là Có, vì em muốn có việc làm lo cho bản thân, gửi về quê cho má,… em muốn em có một ước mơ là đoạn phim đó đừng chiếu nữa được hông anh…?”

 

Tui nói, em đừng sợ gì cả, kệ đi mình sống đúng việc đúng với mình, hứa đừng buồn nha, bây giờ nhận trước một phần nha… Rồi mai anh xuống tiếp nha… Hãy tin vào cuộc sống, giống như một dòng sông cứ trôi ra biển… và trái tim giọt nước đó muốn ra biển lớn… dù em đang ở cánh đồng khô hạn… (hết trích dẫn).

 

Tin bài liên quan:

VNTB – Khi niềm tin vào nền tư pháp đang vỡ vụn

Phan Thanh Hung

VNTB – Chuyện ‘tiền chợ’ ở những tuần lễ ‘giãn cách’

Phan Thanh Hung

VNTB – Kinh tế Việt Nam 2019 qua sắc mặt của người dân lao động

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo