(VNTB) – Nhà nước cần phải có những biện pháp quyết liệt hơn để xử lý những trường hợp kêu gọi từ thiện để trục lợi
Vụ việc Phạm Thoại kêu gọi quyên góp hơn 16 tỷ đồng cho mẹ bé Bắp đã làm dấy lên tranh cãi về trách nhiệm của người nổi tiếng trên mạng xã hội. Sự kiện này không chỉ phơi bày những lỗ hổng trong quản lý nội dung số mà còn đặt ra câu hỏi: Việt Nam có nên áp dụng một cơ chế kiểm soát nghiêm ngặt hơn với KOLs, tương tự như mô hình “phong sát” ở Trung Quốc, hay cần tìm ra một giải pháp cân bằng hơn giữa tự do biểu đạt và trách nhiệm xã hội?
Không phải lần đầu tiên, những người nổi tiếng và các KOLs tại Việt Nam rơi vào vòng xoáy của tranh cãi liên quan đến hành vi và trách nhiệm của họ trên mạng xã hội. Trước Phạm Thoại, hàng loạt nghệ sĩ như Đàm Vĩnh Hưng, Thủy Tiên, Hoài Linh, Phan Anh,… cũng bị đặt nghi vấn về việc quyên góp tiền từ thiện không minh bạch. Tuy vậy, đến nay vẫn chưa có một cơ chế thực sự hiệu quả để kiểm soát và ngăn chặn những trường hợp lợi dụng lòng tin của công chúng.
Dĩ nhiên, việc kêu gọi từ thiện trên mạng xã hội không xấu, nhưng khi số tiền lên đến hàng tỷ đồng, việc thiếu minh bạch trong quản lý và giải ngân là điều đáng lo ngại. Phạm Thoại có thể không phải là trường hợp duy nhất, nhưng vụ việc của anh ta đã phơi bày một thực tế: Ai cũng có thể đứng ra kêu gọi tiền từ thiện mà không cần một quy trình kiểm soát nào.
Và khi có vấn đề lùm xùm xảy ra, họ lại diễn vai nạn nhân, khóc lóc, cầu xin sự cảm thông, trong khi số tiền hàng tỷ đồng đang trôi về đâu không ai rõ. Còn công chúng chỉ có thể phản ứng bằng cách “tẩy chay” chứ không có cơ quan nào thực sự đứng ra bảo vệ quyền lợi của những người đóng góp.
Nhìn sang Trung Quốc, có thể thấy nước này đã áp dụng một cơ chế kiểm soát người nổi tiếng rất chặt chẽ. Những nghệ sĩ dính scandal như Kris Wu bị bắt vì bê bối tình dục, Trịnh Sảng bị cấm xuất hiện vì trốn thuế hay Lý Gia Kỳ bị tẩy chay vì phát ngôn thiếu chuẩn mực,… đã lập tức bị cấm sóng trên mọi phương tiện truyền thông, bị gỡ toàn bộ nội dung trên nền tảng số và mất hoàn toàn cơ hội hoạt động trong ngành giải trí. Ở một góc độ nào đó, điều này giúp hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực từ người nổi tiếng đối với xã hội.
Cũng phải nói rằng việc áp dụng một cơ chế “phong sát” như Trung Quốc tại Việt Nam cũng sẽ gặp nhiều bất cập. Chính sách “phong sát” của Trung Quốc nhằm mục tiêu bảo vệ giới trẻ khỏi ảnh hưởng tiêu cực, duy trì ổn định xã hội và định hướng văn hóa. Nhưng, mô hình này cũng gây ra nhiều tranh cãi. Sự kiểm soát quá mức có thể bóp nghẹt sự sáng tạo, hạn chế quyền tự do biểu đạt và khiến nội dung trên mạng trở nên kém đa dạng. Hơn nữa, một số trường hợp bị xử lý không rõ ràng, làm dấy lên lo ngại về tính minh bạch và công bằng.
Thật ra những năm qua, Việt Nam đã có những biện pháp xử lý đối với nghệ sĩ, KOLs vi phạm chuẩn mực xã hội. Một số trường hợp đáng chú ý bao gồm lệnh cấm diễn của Đàm Vĩnh Hưng vì trang phục phản cảm hay việc Ngọc Trinh bị xử lý hình sự do vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trường hợp chưa bị kiểm soát chặt chẽ, như việc một số KOLs khoe khoang lối sống xa hoa, quảng cáo sai sự thật hoặc phát ngôn gây tranh cãi mà không gặp phải hậu quả đáng kể.
Sự thiếu nhất quán này đặt ra một vấn đề: Phải chăng việc xử lý người nổi tiếng ở Việt Nam vẫn phụ thuộc quá nhiều vào áp lực dư luận thay vì một chiến lược quản lý bài bản? Khi dư luận dậy sóng, cơ quan chức năng mới vào cuộc. Nhưng khi sự việc lắng xuống, mọi thứ lại đâu vào đấy.
Thay vì chờ dư luận lên tiếng, Việt Nam cần có một khung pháp lý rõ ràng và nhất quán trong việc quản lý người nổi tiếng và các KOLs trên mạng xã hội. Những quy định này cần phải bao gồm: Tiêu chuẩn đạo đức và trách nhiệm xã hội của người nổi tiếng; Cơ chế kiểm soát nội dung trên các nền tảng số để hạn chế việc lan truyền những thông tin sai lệch; Quy định minh bạch về kêu gọi từ thiện, đảm bảo mọi khoản đóng góp đều được giám sát chặt chẽ; Chế tài xử lý nghiêm minh, công bằng, tránh tình trạng “người bị xử nặng, kẻ thoát tội”.