VNTB – Đã gọi là thiên tai thì sao lại là ‘chống’?

VNTB – Đã gọi là thiên tai thì sao lại là ‘chống’?

Khánh Hòa

(VNTB) – Gọi là “thiên tai”, vậy thì cần làm thế nào để có thể “chống”, bởi người ta chỉ có thể chủ động chống ‘nhân tai’, và có thể làm giảm nhẹ hậu quả do thiên tai mang lại.

Ở Việt Nam có một cơ quan hành chính mang tên Tổng cục Phòng, chống thiên tai, là tổ chức thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về phòng, chống thiên tai, đê điều trong phạm vi cả nước; tổ chức thực hiện các hoạt động dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Tổng cục theo quy định của pháp luật.

Tổng cục Phòng, chống thiên tai có một tổ chức trực thuộc mang tên Vụ Quản lý thiên tai cộng đồng. Vụ này có chức năng tham mưu, tổng hợp giúp Tổng Cục trưởng quản lý nhà nước về quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng và truyền thông về phòng, chống thiên tai thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Tổng cục.

Trên thực tế, thì ở đây tên gọi phù hợp cần có là “Quản trị thiên tai”. Theo đó, quá trình quản lý rủi ro thiên tai gồm ba giai đoạn chính: Thứ nhất, phòng ngừa. Các hoạt động chuẩn bị được tiến hành trước khi thiên tai xảy ra; Thứ hai, ứng phó. Những hoạt động tiến hành trong khi thiên tai xảy ra bao gồm cả công tác cứu trợ; Thứ ba, khắc phục hậu quả. Các hoạt động tiến hành sau khi thiên tai xảy ra.

Thực chất thì quản lý thiên tai không chỉ bao gồm ứng phó và giảm nhẹ thiên tai. Đây là một quá trình mang tính hệ thống nhằm giảm nhẹ những ảnh hưởng tiêu cực và các hậu quả do thiên tai gây ra, với mục đích: Giảm thiểu tổn thất thông qua công tác chuẩn bị và ứng phó hiệu quả; Làm cho việc phục hồi hiệu quả và bền vững hơn.

Với tâm thế “Quản trị thiên tai” nên ở Trung Quốc đã lập hẳn “Bộ Quản lý tình trạng khẩn cấp” (MEM) được coi là một “siêu bộ” trong Quốc vụ viện Trung Quốc (bộ trưởng hiện là ông Vương Ngọc Phổ, người Liêu Ninh), với nguồn lực và quyền lực tập hợp từ 13 cơ quan thuộc các bộ khác nhau trước đó.

Chức năng quyền hạn của MEM ghi rõ, bộ có quyền “xử lý và làm rõ mối quan hệ giữa ứng phó và giảm nhẹ thiên tai”, và “chỉ huy công tác giảm nhẹ thiên tai trong hỏa hoạn, lũ lụt, hạn hán, động đất, và các thiên tai khác”. Bộ cũng sẽ có quyền hạn xem xét các rủi ro mang tính tương thuộc của thiên tai trong một tầm nhìn dài hạn, điều luôn tối quan trọng với công tác ứng phó thiên tai, do hầu như không có thảm họa tự nhiên nào xảy ra đơn lẻ: “họa vô đơn chí”.

Theo kết quả tổng kết thiệt hại đầu tháng 9 – 2020 của Bộ Quản lý tình trạng khẩn cấp Trung Quốc, lũ đã tràn về 28 tỉnh thành, với hơn 70 triệu người bị ảnh hưởng và gây ra thiệt hại kinh tế trực tiếp là hơn 214 tỉ nhân dân tệ (1 nhân dân tệ = 3.500 đồng). Số người dân phải di dời tăng 47,3% so với trung bình 5 năm gần nhất, lên đến gần 4,7 triệu người, song số tử vong giảm 49,8%, với 271 người chết và mất tích.

Ngay từ năm 1998, Sách trắng quốc phòng Trung Quốc đã nhấn mạnh nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ và ứng phó thiên tai như một trụ cột của quân đội. Theo đó, PLA (Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc) có trách nhiệm “giải cứu và sơ tán dân chúng mắc kẹt vì thiên tai; đảm bảo an toàn cho các cơ sở hạ tầng quan trọng; bảo đảm tài sản và trang thiết bị; tham gia vào các chiến dịch đặc biệt như sửa chữa cầu, đường, hầm khẩn cấp, tìm kiếm cứu nạn trên biển, kiểm soát dịch bệnh, và hỗ trợ y tế; loại bỏ và kiểm soát các mối đe dọa lớn; và hỗ trợ chính quyền địa phương tái thiết hậu thiên tai”.

Các chiến dịch quân sự không phục vụ chiến tranh được quy định thành trách nhiệm bắt buộc với PLA, và đưa vào đánh giá năng lực tác chiến. PLA cũng đã điều chỉnh chương trình huấn luyện, cơ chế chỉ huy – mệnh lệnh và quy trình triển khai quân tương ứng theo đó, tăng cường chuyên môn ứng phó thiên tai cho các lực lượng chuyên trách, và đẩy mạnh những hoạt động nhân đạo/đối phó thiên tai.

Như vậy, ngay cả quân đội như PLA cũng không tâm thế “chống” như Việt Nam, mà đó là biết “ứng phó” theo những nguyên tắc quản trị thiên tai chung: “phòng” để “tránh”, chứ không phải để “chống”!.

Con người không thể ngăn chặn thiên tai, nhưng có thể ngăn nó biến thành một thảm họa, bằng cách giảm thiểu tác động, nghiên cứu về nguy cơ, hợp tác với nhau, xem xét các chính sách và giúp cộng đồng có khả năng chống chọi tốt hơn; tăng cường đầu tư, quy hoạch đô thị tốt hơn, nâng cao nhận thức, cập nhật kiến thức khoa học, giáo dục, sự tham gia của cộng đồng… sẽ giúp cứu sống nhiều sinh mạng và tiết kiệm tiền bạc.

Nói cách khác, việc xây dựng hệ thống quản lý tốt rủi ro thiên tai sẽ góp phần bảo đảm một tương lai thịnh vượng và an toàn. Đây chính là điều mà “Đảng – Nhà nước” của Việt Nam cần cầu thị để có những thay đổi thích hợp trong quản trị quốc gia.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)