Việt Nam Thời Báo

VNTB – Đại biểu Quốc hội có được thảo luận dân chủ về các quyết sách của Đảng?

 

Thới Bình

 

(VNTB) -Làm thế nào để các đại biểu Quốc hội phát huy vai trò của mình, tránh việc các đại biểu bị “nhắc nhở, vỗ vai”, hoặc các đại biểu là đảng viên phải chấp hành các yêu cầu của Đảng khi phải thể hiện chính kiến về một vấn đề nào đó?

 

Kiểu gì thì các đảng viên là đại biểu Quốc hội cũng là những đảng viên cao cấp. Họ phải được thảo luận dân chủ về các quyết sách của Đảng. Ví dụ nên có các cuộc họp Ban Chấp hành Trung ương mở rộng với sự tham gia của các đảng viên là đại biểu Quốc hội; đặc biệt là khi Ban Chấp hành Trung ương thảo luận, quyết định những vấn đề liên quan đến chính sách, pháp luật.

Chính vì chưa có chuyện “họp mở rộng” nên lúc ở nghị trường sở dĩ các vị đại biểu Quốc hội phản biện lại chính sách mà Đảng đưa ra, không hẳn là để phản đối mà là để nó trở nên minh bạch hơn.

Ngoài ra, “nghị quyết hóa” các chủ trương của Đảng, hiểu theo cách nào đó thì cũng là điều nghị sĩ của bất kỳ nước nào cũng làm. Điều khác biệt chỉ là như thế này thôi: Đảng của các nước hoạch định chính sách ngay trong lòng Quốc hội, chứ không phải là ở bên ngoài Quốc hội. Các đảng viên trúng cử chính là ban lãnh đạo của Đảng. Họ hình thành nên Đảng đoàn Quốc hội và quyết định chính sách ở trong Đảng đoàn.

Có điều trong Quốc hội ở xứ người luôn là tập hợp của nhiều đảng phái chính trị của thể chế đa nguyên, khác hẳn đơn nguyên như xứ Việt.

Đơn nguyên thì cũng cần dân chủ ngay trong chính nội bộ của Đảng đó. Bởi vậy nên mới đề xuất kiểu “họp mở rộng” như đã đề cập ở phần đầu bài viết.

Giả dụ như vì lý do tế nhị nào đó nên chưa thể có “các cuộc họp Ban Chấp hành Trung ương mở rộng”, thì giải pháp nào là căn cơ với yêu cầu tiên quyết về thỏa mãn nội dung Điều 4.1 của Hiến pháp rằng “Đảng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”?

Câu trả lời ở đây có thể đến từ nội dung của trang https://www.ipu.org/ – IPU: Liên minh Nghị viện Thế giới, tiếng Anh: Inter-Parliamentary Union, là hãy chấp nhận những nghị sỹ chuyên nghiệp, với tiêu chí chỉ phụng sự cao nhất là cho tổ quốc và nhân dân – bởi điều này về nguyên tắc, là phù hợp Điều 3, Hiến pháp Việt Nam: “Thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”.

Theo đó có sáu lợi ích khi xem nghị sỹ chuyên nghiệp là nghề cần thiết cho thể chế chính trị:

Thứ nhất, làm nghị sỹ là một nghề và nghị sỹ được nhận lương từ nghề nghiệp của mình. Việc nghị sỹ được nhận lương hay các thù lao hoạt động bắt nguồn từ ba lý do: (i) Tạo điều kiện để mọi công dân đều có thể thực hiện được quyền ứng cử và có cơ hội để trở thành nghị sỹ; (ii) Công việc của Quốc hội ngày càng nhiều và càng phức tạp; (iii) Ngăn ngừa tình trạng tham nhũng. Trả lương, thù lao và chi phí cho nghị sỹ ở một số quốc gia được quy định trong Hiến pháp và xem đây là nguyên tắc hiến định.

Thứ hai, làm nghị sỹ là một nghề nghiệp đặc thù, mang tính cá nhân, độc lập và làm việc trong điều kiện cường độ lao động cao, thường xuyên di chuyển, xa gia đình, gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều đối tượng.

Theo một khảo sát gần 700 nghị sỹ trên toàn thế giới do IPU thực hiện năm 2011, những người được hỏi cho rằng, việc phục vụ cử tri chiếm nhiều thời gian nhất trong các hoạt động của họ. Bên cạnh các hoạt động của nghị viện, các nghị sỹ đều dành khoảng 30-40 giờ mỗi tuần cho việc gặp gỡ, tiếp xúc cử tri. Do vậy, cần phải có những chế độ đãi ngộ và điều kiện làm việc mang tính ưu đãi để nghị sỹ hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Thứ ba, nghị sỹ được nhận mức lương cao so với mặt bằng chung về thu nhập nghề nghiệp trong xã hội. Ở một số nước, Hiến pháp và luật quy định mức lương của nghị sỹ tương đương với mức lương của Bộ trưởng, Thẩm phán tối cao, Thị trưởng thành phố…

Tỷ lệ chênh lệch giữa lương của nghị sỹ với mức lương trung bình ở Italia là 4,95 lần; Hoa Kỳ là 3,1 lần; Nhật Bản là 3 lần. Ngoài tiền lương, đại biểu nhận được rất nhiều các phụ cấp và các chi phí khác nhau (điều kiện bảo đảm). Mức thu nhập và chi phí cao thể hiện sự đãi ngộ xứng đáng của xã hội đối với vị trí, vai trò của nghị sỹ, vừa thể hiện tính đặc thù nghề nghiệp.

Điều đáng lưu ý là các phụ cấp và chi phí được trả một cách công bằng và tuân thủ đầy đủ các tiêu chí định sẵn như phân định vùng miền với thủ đô, nông thôn với thành thị, khoảng cách địa lý, số lượng dân cư của khu vực bầu cử, chỉ số giá tiêu dùng từng khu vực…

Trả lương cho nghị sỹ là một nguyên tắc hiến định và mức lương của nghị sỹ phải ngang bằng nhau. Việc trả lương cho nghị sỹ nhằm bảo đảm sự độc lập của nghị sỹ. Chính vì vậy, lương của nghị sỹ ở nhiều quốc gia được xem là lương cơ bản của các chức vụ chính trị.

Các chính trị gia nói chung và các vị trí lãnh đạo trong Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội đều nhận được một mức lương cơ bản như nhau, nhưng vẫn được nhận các khoản phụ cấp hoặc mức lương bổ sung trách nhiệm theo từng vị trí công việc mà họ đảm nhiệm.

Thứ tư, ngoài việc quy định trong Hiến pháp, đa số các Quốc hội đều có thẩm quyền quy định về mức lương, các khoản thu nhập, các khoản phụ cấp và các điều kiện bảo đảm hoạt động cho nghị sỹ.

Theo khảo sát của IPU, có 69 trong tổng số 119 nghị viện quyết định lương của nghị sỹ, có 75 trong tổng số 122 nghị viện có quyền quyết định phụ cấp. Điều này khác với thẩm quyền của chính phủ quy định các chế độ, chính sách cho công chức hành chính trong bộ máy công quyền.

Tuy nhiên, việc quy định cho Quốc hội tự quyền quyết định mức lương và các điều kiện bảo đảm hoạt động của mình không phải là một quy định tùy tiện. Hầu hết các quốc gia, việc xác định mức lương, thu nhập, các điều kiện ưu đãi, bảo đảm hoạt động cho nghị sỹ do một cơ quan độc lập của Quốc hội thực hiện dựa trên các tiêu chí được định sẵn.

Ví dụ ở Anh, tiền lương của các nghị sỹ được quyết định bởi Cơ quan tiêu chuẩn độc lập của nghị viện (IPSA).

Thứ năm, bên cạnh sự đãi ngộ, ưu tiên về thu nhập và các điều kiện bảo đảm hoạt động cho nghị sỹ, yêu cầu về tính công khai, minh bạch trong thực hiện chế độ, chính sách và kiểm soát chi tiêu của các nghị sỹ rất được quan tâm nhằm bảo đảm sự công bằng và ngăn ngừa tham nhũng.

Các chế độ, chính sách đối với nghị sỹ được công bố công khai trên các website của nghị viện. Các nghị sỹ có trách nhiệm công khai thu nhập và chi tiêu của mình cho các hoạt động nghề nghiệp trên website cá nhân và báo cáo tài chính đến cơ quan có thẩm quyền.

Luật pháp nhiều nước quy định cấm các nghị sỹ thuê nhân viên giúp việc là người thân. Việc công khai này được thực hiện thường xuyên hàng tháng, hàng quý. Ở Anh, thông tin công khai chi tiết đến từng hóa đơn chi tiêu của nghị sỹ.

Thứ sáu, sử dụng đúng mục đích các nguồn lực tài chính và điều kiện bảo đảm là yêu cầu đặt ra khắt khe đối với các nghị sỹ nhằm hạn chế tình trạng tham nhũng, lãng phí hoặc ảnh hưởng đến sự độc lập của nghị sỹ.

Ở Hoa Kỳ, một số khoản chi bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật. Ví dụ, nghị sỹ không được sử dụng trợ cấp đại biểu để chi tiêu cá nhân hoặc trang trải cho các hoạt động tranh cử (trừ khi được sự chấp thuận của Ủy ban đạo đức); sử dụng quỹ tài trợ để thanh toán chi phí cho hoạt động đại biểu; sử dụng tài khoản không chính thức; tiếp nhận các nguồn tài trợ, hỗ trợ từ khu vực tư nhân để thực hiện các nhiệm vụ đại biểu; sử dụng chi phí được cấp cho cá nhân để thanh toán các thư tín miễn phí hoặc đã được chi trả…

Như vậy, ở các quốc gia có nền dân chủ lâu đời, Quốc hội hoạt động chuyên nghiệp, chế độ, chính sách đối với nghị sỹ được quy định rất đầy đủ, có những điểm tương đồng về nội dung và cách thức thực hiện.

Mặc dù có sự khác nhau về đặc điểm hệ thống chính trị, cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước và chế độ hoạt động của đại biểu, nhưng những kinh nghiệm trên có giá trị tham khảo để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung chế độ, chính sách đối với đại biểu Quốc hội ở Việt Nam hiện nay.

Tin bài liên quan:

VNTB – Cảnh báo ngập lụt ở thành phố Long Xuyên

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Có nên chấm dứt việc độc quyền kinh doanh vàng?

Phan Thanh Hung

VNTB – Máy móc để học trực tuyến và sách giáo khoa để biết bài vở?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.