VNTB – Đại hội 19 với chính trường Tàu: hậu sinh khả uý!

Phùng Hoài Ngọc (VNTB) Đại hội 19 ĐCSTQ sắp tới, tiếng Trung gọi tắt là 十九大 (thập cửu đại) – ba chữ này tràn ngập trên các phương tiện truyền thông đại chúng ở Trung Quốc.


Sau Đại hội 19, TQ sẽ từ bỏ cải cách mở cửa, lại đi vào con đường khủng bố đàn áp chính trị. Công việc chuẩn bị công phu với tất cả các động thái chứng tỏ điều đó.
Bức pano khổng lồ dọc đường phố Nam Ninh, Quảng Tây có hình Mao- Đặng- Giang ba lãnh tụ song song, cùng nhìn một hướng. Ảnh: Tác giả chụp năm 2002).
Ông Tề Ngọc, phó Ban tổ chức trung ương ĐCSTQ, dõng dạc tuyên bố:
“Một số ít cán bộ cấp cao có âm mưu hoạt động chính trị như bành trướng dã tâm chính trị, tham lam quyền lực, bên ngoài tuân thủ bên trong chống đối, kéo bè kết đảng, mưu cầu quyền vị, phá hoại nghiêm trọng sự đoàn kết và tập trung thống nhất của Đảng, tổn hại nghiêm trọng môi trường sinh thái chính trị và hình ảnh của đảng…”.
Đó chính là nguy cơ tồn vong của Trung cộng.
Đối phó thế nào đây?
Theo qui chế, năm nay TCB 64 tuổi sẽ không thể làm chủ tịch nữa, vì đã qua hai nhiệm kỳ. Đảng sẽ không cần hội ý Bộ chính trị để sửa qui chế (như TBT Nguyễn Phú Trọng Việt Nam đã làm). Đảng CSTQ tạo ra một ý thức mới cho nhân dân Trung Quốc. Đó là “lãnh tụ hạt nhân”. Lãnh tụ hạt nhân bất chấp qui chế với nhiệm kỳ. Hạt nhân thì mãi mãi là hạt nhân ! Phá vỡ hạt nhân thì tất cả thực thể không còn tồn tại. Đảng cao tay quá ! Ngày xưa Mao Trạch Đông được gọi là “người cầm lái vĩ đại, thống soái vĩ đại”. Đặng Tiểu Bình chỉ được gọi là Nhà tư tưởng.
Có rất ít nghi ngờ rằng Tập Cận Bình, sắp 64 tuổi vào thời điểm diễn ra Đại hội sẽ tiếp tục thêm một nhiệm kỳ là Tổng Bí thư, vị trí lãnh đạo cao nhất của Đảng. Tuy nhiên, việc thay đổi nhân sự tại Đại hội sẽ dự đoán rằng Tập sẽ tiếp tục ở lại với hơn 2 nhiệm kỳ trái với quy ước.
Mao – Đặng- Tập không nhìn chung một hướng
Ngày 30.7, Quân giải phóng tổ chức Lễ duyệt binh kỉ niệm 90 năm thành lập quân đội, trong hàng ngũ duyệt binh lần đầu tiên xuất hiện 3 lá cờ, đảng kì đi trước, quốc kì ở giữa, quân kì đi sau. Điều này cho thấy TCB sẽ tiếp tục đi theo con đường Đảng chỉ huy nòng súng của Mao Trạch Đông, chống lại nhà nước hóa quân đội. Từ khi TCB lên cầm quyền tràn ngập sự sùng bái cá nhân. Chủ nhiệm VP TƯ Đảng Lật Chiến Thư từng đăng bài viết trên “Nhân Dân nhật báo” xác lập TCB là hạt nhân của Đảng; rồi còn yêu cầu toàn Đảng: “Bảo vệ địa vị hạt nhân của TCB chính là bảo vệ quyền uy của Trung ương Đảng; muốn bảo vệ quyền uy của TƯ Đảng thì điều trước tiên là phải bảo vệ địa vị hạt nhân của TCB”. “Phục tùng hạt nhân, bảo vệ hạt nhân chính là phục tùng đại cục, bảo vệ đại cục chính là chính trị lớn nhất”.
Gần đây, trong phạm vi quân đội, tiếp sau chân Mao, Đặng, TCB lại được gọi là thống soái tối cao; còn trong các quảng cáo tuyên truyền được tung ra chính thức thì trực tiếp sắp xếp Mao, Đặng, Tập theo kiểu không phân chia thời đại, và gọi TCB là lãnh tụ quốc gia. 
Người Trung quốc rất coi trọng chữ nghĩa và hình ảnh, biểu tượng. Họ tranh thủ từng con chữ nhỏ, từng bức ảnh để tuyên truyền gây ấn tượng cho cả quốc gia.
Như trong hình phía trên, Tập Cận Bình có vẻ phủ định hai tiền bối. Hướng nhìn của TCB khác hẳn Mao và Đặng.
Sau Đại hội 19, TQ sẽ đi về đâu? 
Tiến sĩ Trương Kiệt (nhà bình luận chính trị độc lập) cho rằng tư tưởng TCB sẽ trở thành tư tưởng chỉ đạo mới của Đảng, chính sách cải cách mở cửa của Đặng Tiểu Bình sẽ tiêu tan, TQ sẽ bước vào thời đại chuyên chế mới của TCB, tức sử dụng tư tưởng Mao Trạch Đông thống trị toàn diện xã hội, song bỏ đi mô hình “quần chúng tạo phản” của Mao Trạch Đông mà áp dụng mô hình thanh trừng chính trị của Stalin. Liên minh TCB sẽ được giữ vững. Song sự đi ngược dòng của TCB sẽ khiến cho Trung cộng rơi vào tình cảnh trời đất oán thán, từ đó đẩy nhanh sự sụp đổ của nó (nguồn trích: FB Nguyễn Trung Thuần dịch).
Thống soái tối cao Tập Cận Bình, lãnh tụ tối cao đầu tiên mặc quân phục lính chiến cơ động. Ảnh: nguồn: Bác Văn Xã 博聞社
Trước đây, TQ (cũng như Việt Nam), cờ Đảng và cờ Nước thường rụt rè xếp ngang nhau. Bây giờ Tập Cận Bình huỵch toẹt luôn:
Lần đầu tiên, ba lá cờ được sắp xếp kiểu này:
1. Đảng đi tiên phong lãnh đạo (Đảng kỳ)
2. Nhà nước (trung gian, công cụ) (Quốc kỳ)
3. Quân đội đi sau rốt (Quân kỳ “bát nhất”).
Ảnh: chụp từ màn hình video. Nguồn: https://boxun.com/news/gb/china/2017/08/201708051132.shtml
Lời kết
Thì ra hai Đảng có chung vận mệnh, cụ thể hơn, chung nguy cơ. Nguy cơ nội bộ phân rã phá vỡ nền chính trị một Đảng. Vì thế chuyện ngoại giao chưa quan trọng. Tất cả tập trung vào NỘI TRỊ.
Đại hội 19 trong mùa thu Trung Quốc và Hội nghị 6 Trung ương Việt Nam có cùng nhịp điệu vậy.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)