Việt Nam Thời Báo

VNTB – Đại hội và Covid-19

Lynn Huỳnh

(VNTB) – Trong năm nay ở Việt Nam tiến hành trên toàn quốc những đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025, bất chấp dịch bệnh Covid đe dọa với những nguy cơ làn sóng thứ hai cho lây nhiễm cộng đồng tại Việt Nam.

Cái cần quan sát ở đây là thành phần cũ – mới đan xen, trong khi đảng bộ các cấp cơ sở có nhiệm kỳ 2020 – 2025, thì Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 1 năm 2021. Vài tháng sau đó, một chính phủ mới với những đảng viên ‘trúng cử ở đại hội 13’, sẽ được thành lập để lãnh đạo đất nước cho đến năm 2026.

Có một so sánh cho liên tưởng: Quyết định giải tán nghị viện của Tổng thống Singapore theo cố vấn của Thủ tướng Lý Hiển Long hôm 23-6, rồi bầu lại vào ngày 10-7 có phải chỉ là “bình mới rượu cũ” khi Đảng Hành động nhân dân (PAP) cầm quyền từ khi lập quốc coi như sẽ lại thắng cuộc?

Ở Việt Nam cũng tương tự, đảng bộ cấp cơ sở, địa phương đã bắt đầu bước vào nhiệm kỳ mới 2020 – 2025, trong khi ở cấp Trung ương thì phải đến đầu năm 2021 mới diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của ĐCSVN. Dù ‘trước’ hay ‘sau’ thì kết quả vẫn không thay đổi, ĐCSVN tiếp tục cầm quyền và có thể ngay sau đó, những vị trí vừa ổn định của nhiệm kỳ 2020 – 2025 ở đảng bộ các cấp, lại sẽ có những điều chỉnh nhân sự của Bộ Chính trị nhiệm kỳ mới.

Nhưng sẽ là chủ quan nếu cho rằng tất cả là do ông Lý và PAP “tự biên tự diễn”. Trong thời gian qua, trong lòng xã hội Singapore đang hình thành những tập hợp mới, có cách nhìn và tầm nhìn khác với PAP cầm quyền.

Cuộc bầu cử sớm cũng phát sinh từ những nhu cầu nội tại này. Đúng dự kiến, thứ ba 30-6 là ngày “xướng danh” các ứng viên cho cuộc bầu cử 10-7, có 11 đảng chính trị Singapore đã “trình làng” tổng cộng 191 ứng viên, tranh 93 ghế nghị sĩ khóa 14, tính từ khi đảo quốc này độc lập vào năm 1965.

So với cuộc bầu cử trước vốn chỉ quy tụ 179 ứng cử viên, cuộc bầu cử lần này có tính cạnh tranh cao hơn. Trong số các ứng viên, có đến 73 người là nhân vật mới cùng một ứng viên độc lập. Có 2,65 triệu cử tri Singapore sẽ “chọn mặt gửi vàng”.

Có một sự vắng mặt vào giờ chót đáng lưu ý: ông Lý Hiển Dương (Lee Hsien Yang) – đảng viên Đảng Xã hội Singapore (PSP) và là em trai ông Lý Hiển Long nhưng nay trở thành người của phe đối lập, cho biết sẽ không tham gia cuộc bầu cử.

Dĩ nhiên cái khác biệt nhìn là thấy ở đây, mặc dù đảng PAP vẫn ‘quyền uy nhất’, song cử tri đảo quốc sư tử vẫn sẽ bằng ‘phổ thông đầu phiếu’ để chọn ra những nghị sĩ trong số các ứng cử viên từ 11 đảng chính trị quy mô lớn nhỏ của Singapore.

Còn ở Việt Nam, có lẽ nhìn từ đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025 đang diễn ra, cho thấy đây vẫn là ‘sàn đấu’ của một kịch bản soạn và duyệt từ lãnh đạo đảng cấp trên. Những cụm từ kiểu, “Sáng x.y.zz, Ban Thường vụ Tỉnh ủy/ Thành ủy X.Y.Z tổ chức hội nghị duyệt các nội dung Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện A.B.C lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020-2025”, vẫn được tìm thấy trong các bản tin, tờ báo ở địa phương.

Thành phần tham dự cho hội nghị ‘duyệt đại hội’ này, thường có các chức danh: “Đồng chí A.B.C, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có các đồng chí: A.B.C, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy; A.B.C, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh; lãnh đạo các ban, sở, ngành cấp tỉnh; tập thể Ban Thường vụ cấp đảng bộ chuẩn bị đại hội”.

Có thắc mắc, nếu đến kỳ ‘luận kiếm’ cấp lãnh đạo đảng bộ tỉnh, đồng chí A.B.C Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị, bất ngờ ‘rớt’ khỏi sàn đấu, thì các ‘ý kiến chỉ đạo’ hồi ‘duyệt đại hội’ của đồng chí này sẽ ra sao? Liệu điều đó có ảnh hưởng đến nghi ngại về những lợi ích nhóm trong chính các đảng viên của đại hội đảng bộ cấp cơ sở?

Tính cạnh tranh ở những đảng viên ở trường hợp này, xem ra ‘thiếu hẳn động lực’, vì họ không thể làm trái ý với lãnh đạo đảng cấp trên – ở đây là “đồng chí A.B.C, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị”.

Diễn biến dịch coronavirus ngày càng khó lường, song có lẽ khôn lường nhất vẫn là chuyện ‘nhắc lên – đặt xuống’ của nhóm đảng viên chóp bu cho nhân sự đảng nhiệm kỳ mới sẽ được ‘công khai hóa’ tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13.

Tin bài liên quan:

VNTB – Khuyến khích người lao động Việt Nam ‘đi luôn đừng về’

Phan Thanh Hung

VNTB – Việt Nam mạnh dạn ‘gật đầu’ với Mỹ về “đối tác chiến lược”

Phan Thanh Hung

VNTB – Đại diện chủ sở hữu phủi trách nhiệm?

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.