Việt Nam Thời Báo

VNTB – Đài Loan hợp tác đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19

Nguyễn Huỳnh

(VNTB) – “Cho đến nay, với tư cách là một trong những thành viên APEC thành công nhất trong việc kiểm soát dịch bệnh và tránh bùng phát dịch bệnh nghiêm trọng thông qua các công cụ kỹ thuật số, Đài Bắc Trung Hoa (Chinese Taipei) một lần nữa nhắc lại rằng chúng tôi sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm của mình để giúp đỡ các thành viên khác”.

Đài Loan phục hồi kinh tế nhanh nhờ vào sự hào phóng của Mỹ, Nhật

Tờ Đài Loan Thời Báo, tường thuật về buổi họp báo sau khi kết thúc Hội nghị APEC 2021 và Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC (AELM):

Đại diện lãnh đạo Đài Loan – ông Trương Trung Mưu (Morris Chang) cho biết: Chủ đề chính của Hội nghị các nhà lãnh đạo APEC lần này là “Làm thế nào để chúng ta hợp tác đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19?”.

Nội dung chính bài phát biểu của Đại diện lãnh đạo Trương Trung Mưu tại Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC như sau:

“Tại hội nghị đặc biệt vào tháng 7, tôi đã bày tỏ nỗi lo lắng về việc Đài Loan không có đủ vắc-xin. Nhờ có sự hào phóng trao tặng của Mỹ, Nhật Bản, cũng như một số đoàn thể tổ chức và doanh nghiệp Đài Loan, những lo lắng của tôi lúc đó giờ đây đã phần nào được xoa dịu.

Cho đến nay, với tư cách là một trong những thành viên APEC thành công nhất trong việc kiểm soát dịch bệnh và tránh bùng phát dịch bệnh nghiêm trọng thông qua các công cụ kỹ thuật số, Đài Bắc Trung Hoa (Chinese Taipei) một lần nữa nhắc lại rằng chúng tôi sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm của mình để giúp đỡ các thành viên khác.

Tình trạng thiếu hụt chip là do nhiều yếu tố hợp lại như đánh giá thấp nhu cầu, xảy ra thiên tai, logistic bị tắc nghẽn và nhu cầu kỹ thuật số tăng vọt, v.v…

Để ứng phó với tình trạng thiếu hụt chip trong thời gian gần đây, Đài Loan đã nâng cao công suất chế tạo chip trên diện rộng, vừa hay đã thể hiện việc chúng tôi cho rằng thị trường tự do là phương án tốt nhất để giải quyết vấn đề thiếu hụt hay dư thừa chip.

Chúng tôi đã nộp đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership – CPTPP), một hiệp định toàn diện mang đến động lực cho sự phát triển khu vực – thực hiện tự do hóa thương mại và đầu tư đồng thời với việc thúc đẩy tăng trưởng liên tiếp.

Đài Bắc Trung Hoa đóng một vai trò không thể thay thế trong chuỗi cung ứng công nghệ cao toàn cầu. Chúng tôi cũng có nền kinh tế thị trường có tính minh bạch cao, có năng lực và sẵn sàng tôn trọng các tiêu chuẩn cao của CPTPP…”.

Trung Quốc im lặng về việc Đài Loan gia nhập CPTPP

Tiếp đó, đại diện lãnh đạo Trương Trung Mưu đã trả lời câu hỏi của các phương tiện truyền thông có mặt tại buổi họp báo.

Với câu hỏi về việc đại diện lãnh đạo bày tỏ mong muốn của Đài Loan trong việc gia nhập CPTPP và tập trung vào những lợi thế của Đài Loan, các nước khác có phản hồi gì không? Ông Trương Trung Mưu cho biết: Thứ tự các bài phát biểu tại hội nghị ngày 12 tháng 11 được xếp theo thứ tự bảng chữ cái và không sắp xếp chương trình nghị sự cho việc phản hồi.

Về điều kiện để Đài Loan gia nhập CPTPP, đại diện lãnh đạo Trương Trung Mưu cho hay nội dung bài phát biểu của ông đã đề cập đến việc Đài Bắc Trung Hoa đóng một vai trò không thể thay thế trong chuỗi cung ứng công nghệ cao toàn cầu và có nền kinh tế thị trường có tính minh bạch cao, có năng lực và sẵn sàng tôn trọng các tiêu chuẩn cao của CPTPP, “đây chính là điều kiện rất tốt của chúng tôi”.

Các phương tiện truyền thông hỏi về việc các quan chức Trung Quốc từng nói rằng nếu Đài Loan hoặc Trung Hoa Đài Bắc muốn tham gia vào các tổ chức hợp tác kinh tế có liên quan thì phải theo “Nguyên tắc một Trung Quốc” mới được gia nhập. Lần này Trung Quốc có nêu rõ các ý kiến liên quan hoặc bày tỏ thiện ý trong hội nghị hay không.

Đại diện lãnh đạo Trương Trung Mưu phản hồi “Không có”, có nghĩa là Trung Quốc không đưa ra “Nguyên tắc một Trung Quốc” trong hội nghị lần này.

Trước câu hỏi của các phương tiện truyền thông về việc tại Hội nghị các nhà lãnh đạo APEC, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết CPTPP là tổ chức thương mại quốc tế có tiêu chuẩn cao và không chấp nhận các hành động đe dọa, liệu có phải có ý chỉ Trung Quốc? và Mỹ có đề cập đến việc ủng hộ Đài Loan tham gia vào các tổ chức kinh tế, thương mại hay không.

Ủy viên phụ trách chính sách Viện Hành chính Đài Loan – ông Đặng Chấn Trung cho biết: Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida không đề cập đến vấn đề Trung Quốc muốn gia nhập CPTPP, và Hội nghị các nhà lãnh đạo APEC có các quy định liên quan, đó là không trích dẫn lời phát ngôn của lãnh đạo các nước khác.

Đại diện lãnh đạo Trương Trung Mưu còn cho biết Đài Loan đã nộp đơn xin gia nhập CPTPP vào tháng 9 vừa qua và Tổng thống Mỹ không đưa ra bình luận về việc này.

Du học sinh Việt Nam ‘soán ngôi’ Trung Quốc tại Đài Loan

Một ghi nhận của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, tính đến đầu tháng 11-2021, Việt Nam lần đầu trở thành nguồn du học sinh ‘soán ngôi’ Trung Quốc tại Đài Loan.

Theo truyền thông Đài Loan, nhằm thu hút thêm nhiều sinh viên Việt Nam đến đây học tập, “Triển lãm giáo dục đại học trực tuyến Đài Loan năm 2021” đã được tổ chức ngày 30-10, với sự tham gia của 52 ngôi trường, con số kỷ lục từ trước tới nay. Số liệu thống kê công bố tại triển lãm cho thấy, Trung Quốc đại lục từng là nguồn du học sinh lớn nhất của Đài Loan trong nhiều năm liên tiếp, với số lượng cao nhất là 25.106 người vào năm 2019.

Tuy nhiên, do quan hệ căng thẳng giữa hai bờ eo biển Đài Loan, số lượng sinh viên của Trung Quốc đại lục tại vùng lãnh thổ này đã giảm xuống chỉ còn 6.033 người vào năm 2020. Trong khi đó, cùng năm, số sinh viên Việt Nam đã tăng lên 17.534 người.

Cũng theo số liệu của phía Đài Loan, hòn đảo này đứng thứ 6 trong sự lựa chọn của các du học sinh Việt Nam. Đứng đầu danh sách này là Nhật Bản, với khoảng 62.000 người. Tiếp đến là Hàn Quốc gần 60.000 sinh viên; Mỹ, Australia và Canada xếp thứ 3 đến thứ 5, mỗi nước có từ 20.000 – 25.000 du học sinh Việt Nam.

Theo số liệu công bố từ năm 2020, số lượng du học sinh Việt Nam tại Đài Loan đã tăng 330% trong gần 3 năm. Năm 2019, số lượng sinh viên Việt Nam đến hòn đảo này du học đã là 17.421 người, xếp thứ 2 chỉ sau Trung Quốc đại lục.

Dường như không ít bậc phụ huynh Việt Nam có con em du học ở Đài Loan chung cảm nghĩ là, tại sao Đài Loan với hai chục triệu dân lại phải bị lệ thuộc vào một cường quốc mà tất cả mọi người đều biết rằng là chế độ cầm quyền hiện tại của họ là không thể tin tưởng được?.

Và có lẽ khi nào mà đảng Cộng sản Trung Quốc còn nắm quyền, thì Đài Loan sẽ rất khó, chỉ khi nào Trung Quốc chuyển đổi thành một quốc gia với thể chế chính trị độc lập dân chủ, thì khi đó rõ ràng là Đài Loan không có một sự trở ngại nào cả.


Tin bài liên quan:

VNTB – Tại sao cắt tài trợ WHO là điều nên làm?*

Phan Thanh Hung

VNTB – Chúng ta phải chuẩn bị cho một kịch bản xấu hơn

Phan Thanh Hung

VNTB – Nguyện cầu cho Sài Gòn

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.