VNTB – Dak Lak: Một hộ dân kiệt quệ cuộc sống vì Chính quyền sai

VNTB – Dak Lak: Một hộ dân kiệt quệ cuộc sống vì Chính quyền sai
Hàn Giang (VNTB) Hiện nay không có văn bản nào quy định UBND các cấp được giao đất hành lang an toàn giao thông đường bộ cho cá nhân sử dụng. Thế nhưng, Chính quyền từ xã cho đến thành phố (TP.) Buôn Ma Thuột đã thực hiện hành vi trái pháp luật này khiến một hộ dân mất trắng tài sản, kiệt quệ cuộc sống…
 
Gia đình chị Nguyễn Thị Thúy tại quán buôn bán. Ảnh: nhân vật cung cấp

 

Cưỡng chế trái phép đất của hộ này giao cho hộ khác…

 

Hộ gia đình mà Việt Nam Thời Báo (VNTB) nhắc tới chính là hộ gia đình chị Nguyễn Thị Thúy (ngụ xã Hòa Phú, TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk). Căn cứ vào thông tin từ bài báo có tựa đề “ Tòa: Ủy ban giao đất lộ giới cho cá nhân là sai” của tác giả Ngân Nga đăng vào ngày 21/11/2016 trên báo Pháp luật TP.Hồ Chí Minh và những tài liệu chị Thúy cung cấp thì VNTB được biết vụ án hộ gia đình chị Thúy đã có quyết định của Tòa án cấp cao tại Đà Nẵng tuyên hủy án, trả hồ sơ vụ án về lại Tòa án sơ thẩm tỉnh Dak Lak để xét xử lại từ đầu. Theo chị Thúy, mặc dù quyết định của Tòa án cấp cao tại Đà Nẵng là đúng nhưng không làm cho chị hài lòng, tâm phục.
“Khi mà bản án của Tòa án cấp cao tuyên thì nó chứng minh được là bên chính quyền đã sai nhưng bản án đó hình như không được công minh cho lắm. Bởi vì, đã cho chính quyền sai mà lại trả về cho Tòa sơ thẩm xét xử lại từ đầu, rồi khi về lại sơ thẩm xét xử từ đầu thì Tòa lật lại vụ án cũng như họ muốn lật ngược lại tình tiết mới họ xoay chiều, tức là họ tự nhiên chuyển hồ sơ của tôi sang bên Tòa khác để truy cứu bà Phạm Thị Hương, trong khi hành vi hành chính trái pháp luật này là do chính quyền gây ra cho hậu quả gia đình tôi chứ tôi đâu có kiện bà Hương?”- Chị Thúy nói.
Vụ án của hộ gia đình chị Thúy bắt nguồn từ: Trước năm 1991, bà Bùi Thị Giằng cho ông Lê Công Hoàng thuê một mảnh đất vô thời hạn để dựng quán gỗ sửa xe, ước chừng diện tích khoảng 30m2. Do làm ăn không hiệu quả nên vào năm 1991, ông Hoàng sau khi có sự chấp thuận của chủ đất là bà Giằng đã sang quán này lại cho chị Thúy với giá 1,5 chỉ vàng y và cũng có kèm theo hợp đồng vô thời hạn. Chị Thúy sau đó buôn bán đồ điện nước dân dụng cùng con cái sinh sống tại quán này từ năm 1991.
Năm 1994, Chính quyền TP.Buôn Ma Thuột cấp sổ đỏ cho bà Giằng với mảnh đất rộng hơn 2000m2.
Năm 2005 thì bà Giằng mất, để lại di chúc cho con gái là bà Phạm Thị Hương khoảng 250m2 đất. Năm 2009, bà Hương chuyển nhượng một phần đất khoảng 150m2 cho ông Huỳnh Lâm, còn lại 100m2 bao gồm cả phần đất chị Thúy đang thuê làm ăn do nằm trong lộ giới nên Chính quyền TP.Buôn Ma Thuột không công nhận. Bà Hương sau đó theo hợp đồng cho thuê ký kết từ lúc bà Giằng còn sống lấy tiền thuê đất từ chị Thúy trả.
Vào tháng 07/2010, chị Thúy nhận giấy triệu tập của Tòa án TP.Buôn Ma Thuột có nội dung là ông Huỳnh Lâm yêu cầu tháo dỡ quán, trả lại phần đất chị Thúy đã thuê cho ông.
Hai năm 2013 và 2014, tại phiên xử sơ thẩm lẫn phúc thẩm giải quyết việc tranh chấp đất đai và tài sản gắn liền với đất, Tòa án TP.Buôn Ma Thuột và Tòa án tỉnh Đak Lak đã bác bỏ toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Huỳnh Lâm.
Sau khi ủy ban cưỡng chế tháo dỡ quán điện gia dụng của bà Thúy thì ông Lâm đã cất nhà trên đất này
Theo chị Thúy, trong quá trình khởi kiện, UBND TP.Buôn Ma Thuột đã giải trình rất nhiều công văn thừa nhận rằng: Diện tích đất mà ông Lâm kiện chị Thúy là đất hành lang lộ giới đường bộ và thửa đất mà bà Hương bán cho ông Lâm không có diện tích đất lộ giới này. Hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm mà ông Lâm kiện chị Thúy đã có hiệu lực pháp luật.
Điều đáng nói ở đây là trong thời gian xảy ra việc tranh chấp đất đai giữa ông Lâm và chị Thúy thì chính quyền xã Hòa Phú, chính quyền TP.Buôn Ma Thuột và tỉnh Đak Lak đã cắt hết điện nước, để cho côn đồ đổ đá trước quán chị Thúy khiến chị Thúy không thể làm ăn gì được.
Chị Thúy kêu đơn từ địa phương đến TP.Buôn Ma Thuột và cả tỉnh Đăk Lắc nhưng không thấy kết quả gì nên đành ra Hà Nội cầu cứu đến Trung ương. Ngày 22/05/2015, công văn của Thanh tra Chính phủ ban hành có nội dung: Đề nghị UBND tỉnh Đak Lak xem lại hợp đồng ở vô thời hạn và giải quyết cho chị Thúy theo bản án phúc thẩm 2014 mà ông Lâm kiện chị Thúy nhưng sau đó bị Tòa bác. Công văn còn có nội dung cho chị Thúy tồn tại trên đất hành lang lộ giới cho đến khi Nhà nước có nhu cầu thu hồi.
Ngày 06/10/2015, Chính quyền TP.Buôn Ma Thuột ban hành quyết định cưỡng chế.
Ngày 28/10/2015, Chính quyền xã Hòa Phú và Chính quyền TP.Buôn Ma Thuột kết hợp, tổ chức cưỡng chế quán và chở hết tài sản trong quán đem đi trong khi chị Thúy không có ở nhà. Chị Thúy thuật lại:
“Ngày 27/10/2015 chính quyền xã tới bảo tôi dọn nhà để giải phóng hành lang, tôi mới nói là tại sao cả dãy này đều nhà gỗ hết mà riêng cái nhà tôi cứ một mực chèn ép bắt dỡ trong khi cả dãy không có ai dỡ hết? Mẹ tôi đã 84 tuổi rồi, thấy sự việc bức xúc nên tối hôm đó bà ngất xỉu, ngã bệnh. Lúc này tôi ngủ trên chợ, còn con cái tôi gửi về nhà ngoại vì chổ tôi ở họ cắt điện mấy năm cho nên con cái không có điện để học hành…sáng hôm sau, tức là ngày 28/10 tôi vì chở mẹ tôi đi cấp cứu thì ngày hôm đó chính quyền, thi hành án và số giang hồ tới dỡ hết nhà tôi.”
“Họ thu giữ, lấy hết đến nay gần năm rưỡi mà tôi không biết tài sản của tôi nó ở đâu?”
Sau khi cưỡng chế quán của chị Thúy thì chính quyền xã Hòa Phú và chính quyền TP.Buôn Ma Thuột thay vì thực hiện việc trả lại hành lang an toàn lộ giới thì lại để phần đất này cho ông Lâm xây nhà sử dụng.
Chị Thúy khiếu kiện hành vi vi phạm hành chính của Chính quyền TP.Buôn Ma Thuột ra Tòa án tỉnh Dak Lak, yêu cầu hủy các quyết định không đúng pháp luật, khôi phục lại quán và bồi thường thiệt hại tài sản trị giá 2,5 tỷ đồng. Tháng 04/2016, Tòa án tỉnh Dak Lak đã bác yêu cầu khởi kiện của bà Thúy nhưng Viện kiểm sát tỉnh Dak Lak đã kháng nghị đề nghị Tòa án cấp cao tại Đà Nẵng hủy án sơ thẩm vì theo Viện kiểm sát được lược từ bài báo Pháp Luật TP.Hồ Chí Minh đăng ngày 21/11/2016 nêu: “…hợp đồng cho thuê đất vô thời hạn của bà Thúy chưa được thanh lý nhưng TAND tỉnh Đắk Lắk lại không đưa con gái bà Giằng vào tham gia tố tụng là vi phạm tố tụng nghiêm trọng. Mặt khác, hiện nay không có văn bản nào quy định UBND các cấp được giao đất hành lang an toàn giao thông đường bộ cho cá nhân sử dụng. Do vậy việc chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột yêu cầu bà Thúy tháo dỡ, dời quán và tiến hành cưỡng chế giao đất lại cho ông Lâm là trái pháp luật…”
Quán buôn bán của chị Thúy sau khi bị Chính quyền TP.Buôn Ma Thuột cưỡng chế
Tòa án cấp cao tại Đà Nẵng đã đồng tình với kháng nghị của Viện kiểm sát tỉnh Dak Lak tuyên hủy án sơ thẩm, giao hồ sơ vụ án về lại Tòa án tỉnh Dak Lak để xét xử lại từ đầu. Như đã nói trên, chị Thúy không hài lòng quyết định của Tòa án cấp cao tại Đà Nẵng. Lời của chị Thúy:
“Nếu như chính quyền sai thì họ phải hủy tất cả những bản án sai, hủy tất cả quyết định trái pháp luật để trả lại quyền công dân cho tôi, trả lại quyền lợi chính đáng cho tôi, buộc chính quyền phải khắc phục bồi thường thiệt hại tài sản cho tôi chứ không phải trả về lại cho Dak Lak để xét xử lại từ đầu”
Gần hai năm nay, chị Thúy không biết tài sản hàng hóa của gia đình khoảng trên 2,5 tỷ đồng đang ở đâu? Và chị Thúy cũng cho biết từ khi chị ở tại quán đã hơn hai mươi năm chưa có một văn bản đường bộ nào cho rằng chị lấn chiếm đất đai cho đến khi xảy ra vụ kiện với ông Hùynh Lâm. Vốn liếng của bao nhiêu năm làm ăn tích góp nay trắng tay, chị Thúy kêu oan ức:
“Bao nhiêu năm nay tôi trải qua bao nhiêu sự đau khổ, bây giờ tôi trắng tay, hai đứa con ăn học mà không có tiền, vay mượn để trang trải qua ngày…giờ tôi phải đi làm rẫy làm nương, một người làm ăn mà bây giờ tôi phải đi làm thuê gánh mướn để trang trải cuộc sống, rất khổ sở.”
Ngày 08/09/2017, vụ án của chị Thúy khiếu kiện sẽ đưa ra xét xử trở lại phiên xử sơ thẩm ở Tòa án tỉnh Dak Lak về hành vi vi phạm hành chính cưỡng chế và thu giữ tài sản trái pháp luật của các cấp Chính quyền từ xã Hòa Phú cho đến TP.Buôn Ma Thuột. Mong là một bản án công tâm dành cho hộ gia đình chị Thúy./.

 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)