Việt Nam Thời Báo

VNTB – Đám giỗ và chiếc loa kéo hát hò

Út Sài Gòn

(VNTB) – Loa kéo hát hò khắp hang cùng, ngõ hẻm ở Việt Nam hiện nay với đủ mẫu mã, giá cả vừa tầm, đều là hàng ‘made in China’. Vậy thì liên quan gì đến đám giỗ xứ Việt?

 

Nói theo kiểu của sách vở, kiến thức ngày xưa Út tui được học ở trường, Việt Nam có bề dày lịch sử hơn 4000 năm văn hiến. Trong cái quãng thời gian lịch sử đó, bao thăng trầm biến cố xảy ra, đã hun đúc cho người Việt một nền văn hóa, phong tục, tập quán riêng, trong đó có đám giỗ…

Đám giỗ, cái ngày để tưởng nhớ đến những người thân đã qua đời. Ý nghĩa của giỗ là để nhắc nhở con cháu về những người đã đi trước; gắn kết tình cảm của các thành viên trong cùng một gia đình, dòng họ.

Với gia đình của Út tui, mỗi khi đến ngày đám giỗ, nếu kẹt việc gì đó, sẽ về trước một ngày. Còn không cứ ngày chính mà về.

Xã hội phát triển, một số tập quán xưa cũ cũng phát triển theo. Có cái tốt nhưng cũng có cái phiền hà vô cùng…

– Sao nhìn anh có vẻ buồn vậy anh Út?

– À chị Bảy hả! Tui đang buồn cái đám giỗ hôm qua ở nhà mình ấy mà.

– Bộ anh đang nhớ nhiều đến ông bà hay sao mà buồn? Đám giỗ là cái ngày mà anh em tề tựu về, nói cho nhau nghe những cái đã qua, hỏi han nhau tình hình, thể hiện sự quan tâm nhau mà sao anh buồn?

– Thì phần cũng nhớ ông, bà. Phần buồn vì hôm qua anh em cũng chẳng nói được bao câu.

– Anh nói gì tui chả hiểu.

– Thì là vậy nè, nếu như những năm về trước, đám giỗ sau khi cúng xong, sẽ dọn xuống cả nhà cùng ăn, cùng ngồi bên nhau nói chuyện. Vừa nhắc lại ngày xưa, thuở ba má còn sống, vừa nói chuyện của ngày hôm nay. Nhưng những năm gần đây, ăn uống chưa xong, chưa dẹp mâm xuống, mọi người đã lấy cái loa kéo ra, rồi dùng điện thoại thông minh, tìm mấy bài nhạc karaoke trên Youtube, bật lên, hát ầm ĩ, có nói được gì đâu.

– À, thì ra anh buồn chuyện đó. Mà tui thấy cái vụ này báo chí cũng đăng tùm lum nè. Cũng vì đam mê ca hát, lại không có ý thức, ảnh hưởng đến hàng xóm, láng giềng. Mà nghe đâu chính quyền mình đang có đề xuất cấm hát karaoke bằng loa kẹo kéo đó.

– Đề xuất là một chuyện, thực tế lại là chuyện khác. Nó đâu chỉ đơn thuần là giải trí đâu chị. Mà đúng là nhiều cái “hiện đại quá hại điện” thật. Như nhà tui vừa rồi. Hát um sùm, tui còn nhức đầu nữa là, huống gì ai. Rồi mấy cháu nó chán nản, kéo nhau ra quán cafe ngồi hết. Nhìn thoáng qua nhờ loa kéo mà mọi người gần nhau hơn, nhưng thực ra tui thấy nhờ nó mà mọi người cách xa nhau hơn. Kiểu như không có gì để nói hay chẳng buồn nói, anh em ta hát cho… quên đời vậy…

– Trách sao được bây giờ anh. Có những người họ đam mê…

– Nói thiệt với chị, đam mê thì chẳng ai nói gì đâu. Gì thì gì chứ nếu hát nhỏ, hát có thời lượng, biết đâu điểm dừng, bà con hàng xóm cũng chấp nhận. Chứ kiểu bất chấp, ai mà chịu nổi? Có những nhà có người già, người bệnh nữa, họ cũng cần phải nghỉ ngơi chứ! Hay như mình đi làm mệt mỏi về, cũng cần thư giãn vậy. Như gần nhà tui, có cái quán hát với nhau, có khi hát tới 10 hoặc 11 giờ đêm. Phải nói là oải thấy bà luôn. Địa phương phường, xã không lẽ không biết? Mà chẳng biết sao vẫn để im.

Nói chung, về vấn đề hát karaoke bất chấp kiểu này, chủ yếu vẫn là ý thức thôi chị Bảy ạ…

Đám giỗ là ngày anh em, mọi người cùng nhau ngồi lại, nói chuyện với nhau. Song, cứ mải mê ca hát, vừa phiền bà con hàng xóm láng giềng (dù người ta cũng hiểu, chỉ có đám giỗ mới hát) vừa không thể ngồi lại nói chuyện.

Ai nói Út tui cổ lỗ sỉ, chắc cũng đành chịu…

Những ngày xưa đâu rồi… Và trách cái loa kéo ‘made in China’ bình dân hóa xem ra cũng có phần quá lời.


Tin bài liên quan:

VNTB – Vì sao không thử khi đã có chứng minh?

Phan Thanh Hung

VNTB – Tâm lý “học ngành nào làm nghề đó”

Phan Thanh Hung

VNTB – Đâu thể cứ tự nhận có vấn đề về thần kinh là có quyền miệt thị người khác

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo