VNTB – Dân chủ, nhân quyền Việt Nam không kỳ vọng gì vào Nguyễn Phú Trọng.

VNTB – Dân chủ, nhân quyền Việt Nam không kỳ vọng gì vào Nguyễn Phú Trọng.

Quang Nguyên

 

(VNTB) – Ông Nguyễn Phú Trọng được tái bầu cử vào chức vụ Tổng Bí Thư cho người ta thấy tương lai không tốt đẹp, giới đấu tranh dân chủ nhân quyền sẽ phải chịu các thách thức nghiêm trọng hơn.

 

Ông Nguyễn Phú Trọng được đại hội thứ 13 coi là trường hợp đặc biệt để ở lại trung ương, và đương nhiên sẽ một nhiệm kỳ nữa là tổng bí thư của đảng cầm quyền, ông đã vượt qua rất nhiều rào cản  được dựng nên trong quyết định của ĐCSVN quy định phẩm chất đảng viên trong ủy ban TW đảng, bộ chính trị, ban bí thư về tuổi tác, sức khỏe…, để một lần nữa nắm quyền cao nhất, trở thành nhân vật mạnh nhất từ trước đến nay trong lịch sử đảng, với vai trò đó ông cũng là người đứng đầu cả nước. Thủ tướng chính phủ chỉ điều hành đất nước dưới sự chỉ đạo của ông.

Trong suốt thời gian nắm quyền sinh sát trong tay ông Trọng kiên quyết giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa mà đã nhiều lần có biểu hiện chệch hướng khiến ông phải chỉnh sửa lại. Việt Nam tự nhận phát triển xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa, giống như các nước XHCN Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Cuba, Lào, các mảnh còn lại trong phần tan vỡ của khối cộng sản, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của một đảng, quyết tâm đưa đất nước lên xã hội cộng sản mà hàng chục năm trước lý tưởng viển vông này đã sụp đổ, hàng chục nước trong khối cộng tan rã bắt nguồn từ ngay thành trì vững chắc nhất của chủ nghĩa là Liên Xô. 

Cho tới nay xã hội Việt Nam mà ông Nguyễn Phú Trọng và ĐCSVN kiên trì theo con đường tiến đến xã hội cộng sản, đã từng bị tan vỡ thảm thương, lấy chủ nghĩa Mác-Lenin lỗi thời và bị vứt bỏ làm ‘kim chi nam’, cũng chẳng khác thời chưa đổi mới năm 1986 là mấy, nếu có khác là hình thức xã hội có vẻ giàu có hơn, giống tư bản hơn, một thứ hình thức mà trước đây đảng căm thù, nguyền rủa đòi xóa bỏ, thì nay đang chau chuốt mặc lại và hãnh diện có nó, khoe khoang nó như một sự thành công tốt đẹp của đảng. Nội dung cai trị xã hội bằng bàn tay sắt vẫn không có gì thay đổi, chỉ khác có phần tinh vi hơn. Bàn tay sắt được bọc nhung. Thí dụ những màn đấu tố cũ rích từ thời cải cách ruộng đất vẫn lập đi lập lại chỉ có điều khôn ngoan, ít lộ liễu, dễ lừa bịp người khác hơn.

Tuyên ngôn quốc tế bảo vệ những người đấu tranh cho nhân quyền của Liên Hiệp Quốc khẳng định mỗi con người có trách nhiệm làm thăng tiến và bảo vệ nhân quyền, những quyền căn bản của con người để sống được như một con người. Việt Nam hiện thiếu vắng quyền con người. Trong các phiên họp định kỳ được tổ chức bởi Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, Việt Nam luôn bị các nước tham dự chất vấn về việc chính quyền vi phạm trầm trọng quyền của người dân. Những bản ghi nhớ sau các phiên họp chính quyền Việt Nam xin sửa sai vẫn được ghi lại dài hơn trong các lần họp trước.

Những điều kiện bảo đảm về nhân quyền trong các hiệp ước về kinh tế, viện trợ chính phủ Việt Nam ký với các nước tôn trong dân chủ, tự do, như Mỹ, EU, Đức, Anh, Úc.. bị phía Việt Nam lờ đi sau khi ký xong. Những kêu gọi yêu cầu chính quyền Việt Nam đối xử có nhân đạo với công dân của họ từ các chính khách quốc tế, các tổ chức bênh vực cho nhân quyền trên thế giới thường bị Việt Nam chối bỏ thậm chí cười nhạo. Và nhất là những tiếng nói bảo vệ nhân quyền của chính người dân trong nước bị chính quyền thẳng tay trừng trị. Những vụ vi phạm nhân quyền diễn ra hàng ngày, càng ngày càng khốc liệt và tinh vi hơn.

Dân biểu Đức Renate Künast phải bàng hoàng trước bản án của nhà cầm quyền Việt Nam cho 3 nhà báo thuộc hội Nhà báo Độc lập tranh đấu cho quyền tự do ngôn luận và phản biện trung thực. Bà viết thêm trong thông cáo báo chí: “Nghị viện Âu Châu đã thông qua Nghị quyết  ngày 21/01/2021 đòi trả tự do vô điều kiện cho Phạm Chí Dũng và tất cả những người phải ngồi tù chỉ vì thực hiện quyền tự do ngôn luận. Liên minh Âu Châu (EU) đã thông qua Hiệp định Thương mại Tự do giữa EU và Việt Nam (EVFTA), do đó có nhiệm vụ không được ngoảnh mặt đối với tình trạng nhân quyền ở Việt Nam mà phải đòi hỏi cho nhân quyền được tôn trọng”. 

Tổ chức Human Right Watch viết:

Hồ sơ nhân quyền của Việt Nam tồi tệ về mọi mặt. Đảng Cộng sản duy trì độc quyền chính trị, không cho phép bất cứ thách thức nào đe dọa sự lãnh đạo của đảng. Các quyền cơ bản, bao gồm tự do ngôn luận, chính kiến, báo chí, lập hội và tôn giáo, đều bị hạn chế. Các nhà hoạt động vì quyền con người và các blogger bị sách nhiễu, đe dọa, hành hung và tù giam. Nông dân tiếp tục mất đất cho các dự án phát triển mà không được đền bù thỏa đáng; công nhân không được phép thành lập công đoàn độc lập. Công an sử dụng tra tấn và đánh đập để ép nhận tội. Hệ thống tư pháp hình sự thiếu tính độc lập. Các trung tâm cai nghiện của nhà nước bóc lột trại viên, buộc lao động tạo ra sản phẩm cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Bất chấp những điều đó, ngày càng có nhiều nhà hoạt động và blogger công khai lên tiếng đòi các quyền tự do và dân chủ.

Những vi phạm về đất đai của người dân đã có từ ngày có đảng. Các vụ đấu tố, cướp bóc ruộng đất, giết địa chủ, lấy đất chia cho dân cày một cách man rợ. Chính sách đất đai sở hữu toàn dân là hình thức tệ hai, gom tất cả đất đai của dân vào tay nhà nước dẫn đến những sai phạm trầm trọng còn kéo dài đến nay và chưa có dấu hiệu giảm bớt. Hàng ngàn, hàng ngàn dân oan mất nhà mất đất lang thang khiếu kiện hàng vài chục năm vẫn không được giải quyết.

Nổi cộm như vụ Cồn Dầu, vụ nhà thờ Lớn Hà Nội, vụ nhà thờ Thái Hà, chùa Liên Trì, Tu viện Thiên An, vườn rau Lộc Hưng, và kinh khủng nhất vụ Đồng Tâm với người đứng ra bênh vực là một đảng viên lão thành, nổi tiếng trong dân bị chính quyền  dập gãy chân, bắn chết. Vụ gian lận đất đai Thủ Thiêm của các quan chức thuộc thành ủy Hồ chí Minh khiến hàng trăm người dân bị oan ức, nhiều người sống lang thang vạ vật hơn 20 năm vẫn không được giải quyết, các quan chức liên quan tội phạm vẫn nhơn nhơn tự đắc trên nỗi căm hờn của người dân.

Các tôn giáo bị kỳ thị. Hàng chục ngàn người Mông bị đàn áp tôn giáo, phải trốn khỏi quê cha đất tổ để giữ đạo, hàng ngàn người phải trốn ra nước ngoài, sống chui nhủi trong rừng sâu Lào, Miến vẫn còn bị công an Việt Nam truy bức. Cha mẹ, người thân chết không có đất chôn, phải bỏ trôi sông, trôi suối. 

Quyền tự do ngôn luận lại càng bị đàn áp khốc liệt hơn nữa. Hàng trăm ngàn lượt người bị bắt giữ, hành hạ, bỏ tù với những bản án rất nặng vì bất đồng chính kiến với đảng, dù chỉ hành động hay phản biện ôn hòa với đường lối của đảng cộng sản. Những người này bị buộc cho những tội kinh khủng nhất mà án phạt có thể lên đến chung thân, tử hình.

Ông Nguyễn Phú Trọng bị Tổ Chức Phóng Viên Không Biên Giới xếp chung hạng với các nhà lãnh đạo độc tài khét tiếng tồi tệ nhất đàn áp tự do báo chí như Ali Khamenei, lãnh tụ tối cao Cộng hòa Hồi giáo, Iran. Choummaly Sayasone, Chủ tịch, Lào. Kim Jong-un, lãnh tụ tối cao, Bắc Triều Tiên. Vladimir Putin, tổng thống, Nga, Tập Cận Bình, chủ tịch nước và tổng bí thư đảng Cộng sản, Trung Quốc.  Tổ chức Ma túy Miguel Treviño Morales và Los Zetas, México.

ĐCSVN vi phạm quyền con người một cách trắng trợn, thô bạo. Hiến pháp Việt Nam là bằng chứng dối gạt nhân dân rõ ràng nhất. Hàng loạt quyền của người dân ghi trong đó không được thi hành, những người bênh vực hiến pháp bị đưa ra tòa, với những bản án rất nặng nề.

Không thể viết hết nổi các vi phạm nhân quyền của ĐCSVN mà ông Trọng là thủ lãnh điều khiển, chính quyền là tay sai. Cũng không thể liệt kê hết các văn kiện, kháng thơ, lời cảnh cáo của Liên Hiệp Quốc, của  khối EU, các tổ chức bảo vệ nhân quyền trên thế giới,  các giới chức hành pháp, lập pháp toàn cầu đòi hỏi Việt Nam phải tôn trong nhân quyền.

Tổng Bí Thư người kiên quyết theo chủ nghĩa cộng sản hoang tưởng từ nhiều năm nay đã không ngừng đàn áp nhân quyền, không có dấu hiệu nới tay hơn, nếu không muốn nói ông sẽ siết chặt hơn, người bị bắt sẽ nhiều hơn, án phạt sẽ nặng hơn. Bài tham luận của ủy viên bộ chính trị Tô Lâm cho thấy họ sẽ mở rộng sự đàn áp các ‘nguy cơ cực kỳ hiểm độc như diễn biến tư tưởng, âm mưu lật đổ, các tội đảng gán ghép cho người bảo vệ quyền con người ở Việt Nam.

Những người bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam, muốn Việt Nam tiên lên trong con đường tự do dân chủ không thể hoạt động riêng rẽ, họ cấn phải tìm đến nhau, đoàn kết một cách kiên trì, khôn ngoan có bài bản hơn và không thể không cần đến sự giúp đỡ từ các tổ chức bệnh vực quyền con người trên thế giới và của Liên Hiệp Quốc.

___________

Tham khảo:

https://www.europarl.europa.eu/doceo/document/TA-9-2021-0029_EN.pdf

https://www.hrw.org/vi/asia/vietnam

https://vietnamthoibao.org/vntb-thong-cao-bao-chi-cua-dan-bieu-duc-ve-tuyen-bo-khong-khang-cao-cua-ts-pham-chi-dung/?


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)