Cát Tường
(VNTB) – Liệu những người dân bị mất đất ở dự án quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm, khu vườn rau Lộc Hưng,… họ có được quyền lên tiếng góp ý?
“Trên thực tế, có luật nhưng vẫn không tuân thủ như vụ cưỡng chế đất đai đầy thô bạo, bất nhân vì sát Tết nguyên đán ở vườn rau Lộc Hưng dưới thời Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân. Vậy nay kêu gọi người dân góp ý kiến về dự Luật đất đai sửa đổi, liệu đó là sự thành tâm, hay chỉ đơn giản là trình tự thủ tục?” – một luật sư đang ‘đeo đuổi’ vụ cưỡng chế đất đai ở khu vườn rau Lộc Hưng, quận Tân Bình, TP.HCM, thắc mắc.
Quan sát bản dự thảo Luật đất đai đang đưa ra lấy ý kiến, cũng theo vị luật sư kể trên, thì dự thảo bổ sung, quy định cụ thể hơn một số trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai, như: thu hồi đất được giao, cho thuê không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố, công khai tại thời điểm giao đất, cho thuê đất; đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư vào mục đích sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp mà không đưa đất vào sử dụng theo tiến độ ghi trong dự án đầu tư…
Trong việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, để giải quyết hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; đảm bảo sinh kế bền vững và tốt hơn cho người có đất bị thu hồi, dự thảo có sửa đổi, bổ sung một số nội dung.
Đó là đa dạng các hình thức bồi thường về đất đối với hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi để phù hợp với nhu cầu người sử dụng đất và điều kiện cụ thể của từng địa phương. Đơn cử, ngoài việc bồi thường bằng đất có cùng mục đích sử dụng, nếu không có đất thì được bồi thường bằng đất khác hoặc nhà ở nếu địa phương còn quỹ đất, quỹ nhà ở.
Dự thảo có thêm sự thay đổi mang tính đột phá ở chỗ mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân. Cùng với đó, tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp vẫn được nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp…
Nội dung dự luật đưa ra nghe khá có lý, nhưng đáng lo là ở Việt Nam dù luật có thông qua nhưng để thực thi thì cần đến các nghị định, các thông tư. Những văn bản dưới luật này lâu nay vẫn là lãnh địa cài cắm lợi ích nhóm. Nhìn từ vụ quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm hơn hai mươi năm trước, vụ vườn rau Lộc Hưng ở sát Tết Kỷ Hợi 2019 cho thấy rất rõ về những lo ngại này.
“Người thuê trọ họ đành phải bỏ đi, nhưng chủ nhà trọ cũng hiểu được và thông cảm cho họ. Xung quanh vườn rau nó như một cuộc chạy loạn, người bê cái này, người vác cái kia. Nhiều gia đình không có điều kiện xây nhà, mà họ sinh sống lâu năm, họ dựng những căn chòi, sau này tích cóp xây những căn nhà nho nhỏ, cho nên giờ họ không có nơi nào để ở nữa nên họ rất là căm phẫn.
Chưa nói đến chuyện quy hoạch đúng sai ở đây nhưng ngay lập tức cưỡng chế toàn bộ như vậy trong thời điểm trước Tết thì họ trở tay không kịp.
Mảnh đất gắn liền từ thời ông nội di cư vô, rồi cha mẹ rồi mình lớn lên gắn liền với nó. Nó vừa là ký ức vừa là tương lai của mình, gia đình và cả tình cảm sự yêu thương gói gọn trong đó…
Không nghĩ chính quyền có thể lấy trắng đất của dân trước Tết”.
Ở trên là những lời ta thán của người dân vườn rau Lộc Hưng vào Tết Kỷ Hợi 2019. Và đến cái Tết Quý Mẹo vừa qua, người dân vườn rau Lộc Hưng vẫn loay hoay cho khiếu nại về chuyện pháp luật đất đai đã bị nhà chức trách địa phương xem thường, dẫn đến cảnh nhà tan cửa nát đối với người dân Lộc Hưng.
Luật đất đai hiện hành, và dự Luật đất đai sửa đổi, liệu có dành một chương nào để hoạch định rõ hơn về những kiểu thực thi pháp luật như quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm, như vườn rau Lộc Hưng?