Việt Nam Thời Báo

VNTB – Dân ở đâu trong mắt quan chức?

Trần Dzạ Dzũng

 

(VNTB) – “Sư bảo sư phải, vãi nói vãi hay”

 

Với những gì đang tiếp tục xảy ra trong ngành y tế, cho thấy dường như phiên bản ‘loạn 12 sứ quân’ phiên bản Nguyễn Phú Trọng đang được bắt đầu.

Trong phát biểu tổng kết Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hôm 17-5-2023, có đoạn:

“…với ý chí, quyết tâm cao và tinh thần “Tiền hô hậu ủng”, “Nhất hô bá ứng”, “Trên dưới đồng lòng”, “Dọc ngang thông suốt”, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện một cách quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đảng ta, đất nước ta vẫn vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện và đáng mừng trên nhiều lĩnh vực”.

Cùng ý trên, ở diễn văn mang tính huấn thị của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị của Chính phủ với lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức hồi đầu năm nay, ông đã cổ vũ và kêu gọi “tăng cường sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu, chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta theo tinh thần “Tiền hô hậu ủng”, “Nhất hô bá ứng”, “Trên dưới đồng lòng”, “Dọc ngang thông suốt”…”

Theo diễn ngôn của Tổng bí thư, thì đó không chỉ là tinh thần đoàn kết, thống nhất “mà còn là bài học về ý chí, hành động phải triệu người như một của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và nhân dân ta ở mọi miền Tổ quốc trong tổ chức thực hiện các quyết sách của Đảng”.

Thực tế thì đúng là “phản Trọng” đang bàng bạc khắp nơi theo đúng nghĩa đen của nhận xét này ngay trong nội các chính phủ Phạm Minh Chính.

Đơn cử về vấn đề vắc-xin cho trẻ em.

Sau khi nhiều địa phương lên tiếng về việc không có vắc-xin tiêm chủng mở rộng, vấn đề này cũng được đưa ra kỳ họp Quốc hội đang diễn ra và Bộ Y tế đã đề xuất giải pháp: Chính phủ ban hành Nghị quyết cho phép Bộ Y tế thực hiện cơ chế đặt hàng đối với vắc-xin sản xuất trong nước trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.

Còn với vắc-xin nhập khẩu, Bộ Y tế sẽ mua sắm theo hình thức đàm phán giá.

Tuy nhiên phía Bộ Tài chính lại có ý kiến khác khiến mọi việc không thể “trên dưới đồng lòng – dọc ngang thông suốt – nhất hô bá ứng” như lời tuyên bố chắc nịch của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Theo đó, trong văn bản 5609 ngày 1-6-2023 gửi Văn phòng Chính phủ do Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng ký, góp ý về việc mua sắm vắc xin Chương trình tiêm chủng mở rộng (tại Tờ trình số 669/TTr- BYT ngày 21-5-2023 của Bộ Y tế), Bộ Tài chính cho rằng “không có quy định ngân sách trung ương bảo đảm kinh phí mua vắc-xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, mà thực hiện theo Luật Ngân sách nhà nước về phân cấp ngân sách nhà nước. Theo đó, kinh phí mua vắc-xin tiêm chủng mở rộng tại địa phương do ngân sách địa phương bảo đảm”.

Để mua vắc-xin cho Chương trình tiêm chủng mở rộng tại các địa phương, Bộ Tài chính cho biết từ tháng 8-2022 đã có ba công văn đề nghị Bộ Y tế xây dựng dự toán năm 2023 và hướng dẫn các địa phương mua bằng ngân sách địa phương.

Tuy nhiên đến nay, Bộ Y tế không trình cấp thẩm quyền quyết định bố trí ngân sách trung ương (cụ thể là bố trí dự toán cho Bộ Y tế) để mua vắc-xin tiêm chủng mở rộng. Vì vậy, Bộ Tài chính chưa có cơ sở để bố trí ngân sách trung ương mua vắc xin. Cũng theo Bộ Tài chính, đầu tháng 4, Bộ Y tế lại có công văn hướng dẫn các địa phương dùng nguồn ngân sách địa phương để mua vắc-xin năm 2023.

Bộ Tài chính cho rằng việc Bộ Y tế đề nghị được giao tổng hợp nhu cầu và nhận ủy quyền của địa phương đặt hàng đơn vị sản xuất vắc-xin sản xuất trong nước sử dụng trong tiêm chủng mở rộng là không phù hợp.

Với đề xuất Bộ Tài chính thẩm định, phê duyệt giá làm cơ sở để địa phương ký hợp đồng đặt hàng, Bộ Tài chính cho biết chỉ có thẩm quyền ban hành giá tối đa trên cơ sở thẩm định và đề xuất của Bộ Y tế trong trường hợp sử dụng ngân sách trung ương.

Bộ Tài chính không có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt giá cụ thể để đặt hàng; không có thẩm quyền ban hành giá tối đa với sản phẩm, dịch vụ thực hiện từ đặt hàng của ngân sách địa phương.

Nói chung “sư bảo sư phải, vãi nói vãi hay”. Và vấn đề cốt lõi là thiếu vắc-xin vẫn chưa có lời giải!

Nếu nhà có trẻ nhỏ, các bà mẹ ở gia đình không kham nỗi tiền bạc để “chích dịch vụ” sẽ hiểu hết nỗi lo lắng trước câu trả lời “hết vắc-xin” của nhân viên y tế là như nào khi đưa con/ cháu đi tiêm chủng; vì nó đồng nghĩa với việc ở lớp, một trẻ bị bệnh truyền nhiễm thì có thể lây, rồi trở thành dịch là khó tránh…

Dân đang ở đâu trong con mắt của những người nhân danh quyền lực đảng cộng sản?


Tin bài liên quan:

VNTB – Hóa ra Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn là tên đồ tể à?

Phan Thanh Hung

VNTB – “Mốt”chuyển đổi số

Do Van Tien

VNTB – ‘Bất cập’ là gì mà không chịu sửa cho dân nhờ?

Do Van Tien

1 comment

T Vy 11.06.2023 5:57 at 05:57

Trong trại súc vật, mấy con cừu có nghĩa lý gì đâu

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo