Việt Nam Thời Báo

VNTB – Dân ta chưa bao giờ được sống trong bầu “không khí dân chủ như hiện nay”

VNTB xin đăng lại loạt bài phóng sự của hai phóng viên, nhà báo Hoàng Anh – Thiên Nhân (báo Nông nghiệp Việt Nam) được đăng tải từ ngày 6/7/2015. Nội dung phản ánh về việc lạm thu phí của chính quyền cơ sở ở Can Lộc (Hà Tĩnh), khiến người dân buộc phải viết đăng trả ruộng vì… kiệt quệ khả năng sản xuất. Nơi mà người dân buộc phải đóng “Phần thu của xóm hết 558 nghìn đồng, phần thu của xã hết 928 nghìn đồng.”.

Trong một sự kiện có liên quan, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong lần đứng tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) tại Washington DC ngày 8/7 đã trả lời học giả Mỹ nước này rằng: “Bảo đảm và cải thiện quyền của công dân là ưu tiên cơ bản và chiến lược của chúng tôi. Chúng tôi đã nỗ lực hết sức, nếu các bạn đến VN sẽ thấy quyền của các nhóm dân cư dễ bị tổn thương như người nghèo, các dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa, được quan tâm.”.

Và rằng, “Người dân VN chưa bao giờ được sống trong bầu không khí dân chủ như hiện nay.”.

Tự hỏi, nếu Tổng Bí Thư đọc được loạt bài phóng sự này, trong đó có đoạn miêu tả: “Ngoài hai tạ trừ ăn, ba tạ bán không đủ tiền trả nợ. Tiền lồng, tiền tuốt nợ từ vụ trước, gặt về, chủ nợ lăm le đến đòi mấy lần rồi nhưng lần nào bà cũng khóc xin khất để ‘ưu tiên’ nộp sản cho xã trước ‘không người ta réo tên trên loa, người ta phạt 5%, người ta cắt giao dịch giấy tờ, quá tội.” thì liệu Tổng bí Thư còn có tự hào “dân chủ kiểu Việt Nam” thế hay không?

Với vị trí là giáo sư chuyên ngành Xây Dựng Đảng, hẳn Tổng Bí thư đã biết rõ về việc các cuốn sách lịch sử Đảng đã lên án các trường hợp “bần cùng hóa bằng tô thuế, và cướp ruộng đất nông dân” vào thời… Pháp thuộc!

“Dựa vào sự chiếm hữu ruộng đất, giai cấp địa chủ phong kiến bóc lột nông dân dưới hình thức địa tô, nợ lãi và thuê mướn bóc lột nhân công. Trong đó, bóc lột bằng nợ lãi là hình thức bóc lột phổ biến của địa chủ và là gánh nặng đổ lên đầu nông dân. Sau khi nộp tô cho địa chủ, người nông dân không còn đủ sản phẩm để nuôi sống gia đình, phải đi vay lãi. Đây là dịp để địa chủ thực hiện việc tước đoạt nốt ruộng đất và tài sản cuối cùng của nông dân.”

Và cái tình cảnh người nông dân xã Can Lộc (Hà Tĩnh) sao quen thuộc thế?

Một lần nữa, với cương vị là nhà nghiên cứu Xây dựng Đảng, là người đứng đầu Đảng Cộng sản đang cầm quyền trong xã hội Việt Nam. Phiền Tổng bí thư giải thích vì sao, đời sống người nông dân tại vùng đất cách mạng Can Lộc (Hà Tĩnh) – nơi một phần từng là góp phần làm nên phong trào Công – Nông rộng lớn dưới tên gọi “Xô Viêt Nghệ Tĩnh” (1930) tại sao lại rơi vào bế tắc, bần cùng? Trong khi đó, vấn đề ruộng đất và giải phóng ruộng đất Việt Nam được đặt ra từ rất sớm, ngay trong Luận cương chính trị tháng 10/1930 đã khẳng định, cách mạng Việt Nam phải “giải quyết hai nhiệm vụ chiến lược là đánh đế quốc giành độc lập dân tộc và đánh đổ phong kiến giành ruộng đất cho nông dân.” Và “giải quyết vấn đề ruộng đất cho nông dân chính là bảo đảm quyền dân chủ cơ bản về mặt kinh tế của nông dân.”

Vậy mà tại cái vùng đất cách mạng làm nên hình hài cho Đảng ngày hôm nay, cái “quyền dân chủ cơ bản về mặt kinh tế” đó không những không được đảm bảo mà còn bị tước đoạt. 

Tổng Bí thư “tự hào dân chủ” ở nước ta nhưng đó là thứ dân chủ đặc quyền danh riêng cho giới lãnh đạo, còn với người dân, “bầu không khí dân chủ” là thứ xa xỉ mà họ chưa từng mơ đến. Người nông dân Việt Nam qua cái nhìn của nông dân vùng Can Lộc – Hà Tĩnh với “Gánh nặng quê nghèo loạn thu chi, biến tướng thu chi, chính sách T.Ư không được thực hiện, thậm chí có còn có thứ quỹ dùng để ‘nuôi cán bộ’, […] Và một gia đình nông dân thuần túy, không vay mượn, làm thuê, làm mướn thì chỉ có nước bỏ làng đi biệt xứ.”

Cũng trong ngày hôm nay, một người nông dân ở Hải Dương đã bị xe xúc đất cán thẳng qua người, lý do, giá đền bù đất ruộng với họ quá thấp.

Hàng trăm ngàn vụ việc liên quan việc, quyền lợi đất đai bị nhà nước và phía doanh nghiệp tước đoạt, và hằng ngày họ vẫn trụ vững ở hai điểm tiếp dân tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Nó là “hiện tượng” hay nó chính là “bản chất” thưa GS, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?

Vậy vấn đề dân chủ cơ bản đó cho người nông dân đã được thực hiện ra sao thưa Tổng Bí thư! Xin mời độc giả, và Tổng Bí thư hãy đọc loạt bài phóng sự của các nhà báo (Báo Nông Nghiệp Việt Nam) để thấy nông dân đang được hưởng thứ “dân chủ thực tế” ra sao.


Tin liên quan: Gánh nặng quê nghèo Bài 1: Những giọt nước mắt trong chiến dịch thu ngân sách

Sản xuất khó khăn, nông dân một số nơi viết đơn xin trả ruộng. Nhà nước đã và đang bằng mọi cách ban hành các chính sách hỗ trợ người nông dân sống được trên đồng ruộng của mình. Vậy mà ở tỉnh Hà Tĩnh, hạt thóc, ruộng lúa phải gánh chịu quá nhiều khoản thu vô lý khiến nông dân như kiệt quệ. / Ròng rã hơn 10 năm gánh các khoản thu phi lý

Các khoản thu đang trở thành gánh nặng đối với người nông dân Can Lộc

Loạt bài này, không chỉ sẻ chia với những khó khăn người nông dân đang phải đối mặt mà còn nhằm mục đích làm rõ tính pháp lý của các khoản thu, phần nào trả lời cho câu hỏi: Sao phải thu nhiều đến thế? Thu để làm gì? Vì sao nông dân không sống nổi với ruộng đồng?…

Rất nhiều xã ở huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) chọn thời điểm sau thu hoạch mỗi mùa vụ để mở ra chiến dịch thu nộp ngân sách (thường gọi là thu sản). Nông dân, trăm thứ trông vào đồng ruộng, nhưng thóc lúa chỉ về kịp đến sân, tuốt sạch, phơi phóng xong thì vừa hết, chẳng mấy hạt được vào bồ…

Bán sạch lúa không đủ tiền nộp sản

Giữa mùa hạ ở Thường Nga, một xã nghèo miền thượng Can Lộc, trời xanh ngằn ngặt, nắng như thiêu như đốt. Nắng chết cỏ chết cây, đất đai, ruộng đồng đanh lại, cảm giác như bị cả một lò lửa khổng lồ nung đốt. Vạn vật cỏ cây, con người im lìm chịu trận.

Duy chỉ có tiếng loa truyền thanh từ trụ sở UBND xã vẫn cứ đều đặn hoạt động hết công suất. Giọng cán bộ truyền thanh giục giã, vang vọng, đanh thép len lỏi khắp trong làng, ngoài xóm, ra đến tận ngoài đồng vẫn còn nghe rõ: UBND xã yêu cầu nhân dân hoàn thành nghĩa vụ đóng nộp trong ba ngày chiến dịch.

Các khoản thu đang trở thành gánh nặng đối với người nông dân Can Lộc
Đã thành lệ, từ mấy chục năm nay, cứ sau kỳ thu hoạch vụ mùa, xã Thường Nga lại huy động toàn thể nhân dân đóng nộp ngân sách. Việc thu nộp sản phẩm thành cả một chiến dịch. Năm nay chiến dịch “nổ” ra vào ngày 22/6. Ngày 20/6, Chủ tịch UBND xã Thường Nga Đường Trọng Hữu ký duyệt phương án thu nộp, ngày 21/6 các phương án về đến thôn, không kịp họp dân thông qua, ngay ngày hôm sau chiến dịch đã bắt đầu. Hạn chỉ trong vòng 3 ngày nhân dân phải đóng nộp đầy đủ, nhà nào thiếu, dù chỉ một cân thôi cũng phải chịu nộp phạt thêm 5%.

Thực hiện chiến dịch thu nộp, mỗi hộ dân Thường Nga phải gánh hai phần đóng góp. Phần thu của xóm và phần thu của xã. Ở xóm bao gồm các khoản thu nội đồng, thu bê tông, thu hội quán…

Phần thu tại xã gồm: Thu quỹ giao thông thủy lợi phục vụ sản xuất, thu thầu hợp đồng, thu phí vườn đồi, phí kinh doanh chưa đến mức thu thuế tháng, thu HTX môi trường, quỹ khuyến học, hai loại quỹ, quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ QPAN, phạt quân sự, kế hoạch hóa, thuế đất phi nông nghiệp…

Đòn “qui định” 5% xem chừng rất hiệu quả. Mặc cái nóng nung đốt, mặc những hạt thóc sau thu hoạch chưa kịp đổ bồ, nông dân Thường Nga cắn răng đem bán với giá khoảng chừng 5,5 nghìn đồng/kg để nộp sản đúng thời hạn. Không ít nhà phải bán sạch mới có tiền để nộp.

Xóm Văn Minh trưa hè chang chang nắng, giọng một người đàn bà vừa khắc khổ vừa bức xúc, ngắc nghẹn kêu gào nghe chừng rất thảm thiết: Ông Ngụ ơi là ông Ngụ ơi. Người ta lừa ông mà ông không biết. Ông chở đi của tui ba tạ thóc mà chở về có hai tạ bảy. Như ri thì lấy mô đủ tiền nộp sản ông ơi.

Gia đình ông Ngụ bà Hương có 8 sào ruộng, 6 nhân khẩu. Để có đủ cái ăn, mỗi vụ, ngoài phần ruộng được chia ông bà còn phải đấu thêm 3 sào của những gia đình chán ruộng. Quần quật đến nỗi, mùa gặt, nửa đêm bà Hương phải đeo ắc quy gắn bóng đèn để ra đồng. Vậy mà thóc lúa cũng không đủ chi phí đầu tư và nộp sản.

Suốt cuộc trò chuyện, bà Hương liên tục khóc. Nhất là khi chúng tôi nhìn vào phương án thu của gia đình họ. Phần thu của xóm hết 558 nghìn đồng, phần thu của xã hết 928 nghìn đồng. Chưa phải thuộc diện nhiều so với các hộ khác, nhưng để có tiền đóng nộp họ phải bán hết những hạt thóc cuối cùng.

Trong nhà bà Hương hiện còn 5 tạ thóc. Ngoài hai tạ trừ ăn, ba tạ bán không đủ tiền trả nợ. Tiền lồng, tiền tuốt nợ từ vụ trước, gặt về, chủ nợ lăm le đến đòi mấy lần rồi nhưng lần nào bà cũng khóc xin khất để “ưu tiên” nộp sản cho xã trước “không người ta réo tên trên loa, người ta phạt 5%, người ta cắt giao dịch giấy tờ, quá tội”. Hai tạ thóc “qui hoạch” cất ăn xem chừng cũng phải bán luôn vì nợ đòi gắt quá.

Tiếng là 6 khẩu, nhưng hầu như chỉ có ông bà lao động. 4 đứa con, ngoại trừ đứa con gái thứ đã lấy chồng vào Quảng Bình, ba đứa còn lại không tật này cũng bệnh khác. Người con gái đầu tên Phan Thị Thích (35 tuổi), tính ẩm ương, mỗi lần lên cơn đều vác gậy rượt bà Hương đánh. Bệnh tình ngày một nặng nhưng không có tiền chữa trị.

Thằng con út, hết đau gan lại gặp tai nạn giao thông, của nả trong nhà vốn không mấy thứ có giá trị lần lượt phải đem bán hết. Bây giờ nó bỏ nhà đi biệt xứ, không rõ ở đâu.

Căn nhà trống tơ hơ, gần như không còn lấy một thứ gì khả dĩ bán thêm được nữa. Khoản nợ 60 triệu tiền vay ngân hàng hai ông bà phải nai lưng làm thuê, ông đi phụ hồ, bà buôn ve chai không đủ tiền trả lãi.

Bà Hương người khô quắt, hai tai nghễnh ngãng, tay chân gặp hôm trở trời bước đi không nổi. Ông Ngụ có sức nhưng chậm đầu óc, chỉ làm được những việc chân tay, ai thuê gì làm nấy, trả công bao nhiêu cũng gật đầu.

Bà Lê Thị Hương liên tục khóc khi kể về các khoản thu
Hai lao động chính dù quá tuổi, còm cõi nhưng cứ phải nai lưng ra mà gánh đủ các khoản thu. Đứa cháu ngoại trong Quảng Bình ra chơi mấy hôm nay nhưng ông bà chưa kiếm được đồng bạc nào để đãi nó miếng thịt.

Nếu hạch toán chi li thì trường hợp bà Nguyễn Thị Tuyết ở xóm Tây Bắc mới thật sự thê thảm. Bà Tuyết già cả, neo đơn, bấu víu vào một sào năm thước ruộng khó giao để sống. Nhưng không sống nổi. Mỗi vụ, chỉ riêng tiền đầu tư cũng mất hơn một triệu đồng, thu được hơn tạ thóc. Nếu nộp sản cho xã (gần 300 ngàn đồng) trả đủ tiền đầu tư (hơn một triệu đồng) thì không có ăn.

Đấy là chưa kể phần thu của xóm. Bà Tuyết còn nợ 14 nghìn đồng trong phần xóm thu kiểu như nợ xấu, trả rất khó khăn. Chán quá nhưng bà không dám bỏ ruộng mà nhờ đứa cháu làm rồi nộp tiền sản thay. Ở xã Thường Nga, làm hay không cũng phải đóng vì các khoản được tính theo đầu sào.

Nhiều khoản thu người dân không biết

Xã Thường Nga có 1.381 ha đất tự nhiên, trong đó có 380 ha đất trồng lúa (99% đất 2 vụ lúa). Hàng năm, sau vụ thu hoạch, UBND xã phát đến từng hộ dân một thông báo về chỉ tiêu đóng nộp các khoản cho xã và thôn. Đáng chú ý là khoản thu theo hạng đất. Vì đây là khoản thu có số lượng lớn nhất và cũng là nỗi khiếp đảm nhất của người trồng lúa mỗi khi nhận được thông báo này.

Phương án thu các loại quỹ, thuế, phí năm 2015 tại xã Thường Nga

Mấy chục năm rồi, nhiều hộ dân ở Thường Nga vẫn còn lưu giữ phương án thu nộp sản phẩm của gia đình họ. Anh Nguyễn Hải Đường, ở thôn Đất Đỏ nói với tôi: Hàng chục năm trước, mỗi lần đến chiến dịch, lúa tươi gặt về mới chỉ đến sân người ta đã ập đến gạt phần rạ đi mà xúc để đủ chỉ tiêu.

Bây giờ có khá hơn là xã vận động người dân tự mang lên điểm thu nộp nhưng về bản chất nhiều gia đình vẫn phải bán sạch lúa, thậm chí là vay mượn để mà đóng đậu.

Em gái tôi từng nghĩ quẩn: Hay em ra đường cho xe tông chết đi để nhà ta lấy tiền đền mà nộp sản? Ký ức hãi hùng về chiến dịch thu sản vẫn còn ám ảnh người nông dân xứ này hàng chục năm nay.

Theo đó, UBND xã Thường Nga phân định ra các hạng đất rồi ấn cho từng hạng đất một mức thu. Xin đơn cử một số năm gần đây để thấy rõ điều này.

Từ năm 2010 đến năm 2013, UBND xã đặt ra mức thu cho từng hạng đất như sau: Đất hạng 3 thu 15kg/sào; đất hạng 4 thu 13,5kg/sào; đất hạng 5 và khó giao thu 11kg/sào. Năm 2014, mức thu ấy vẫn giữ nguyên theo đầu sào. Tuy nhiên thông báo của xã không ghi là hạng đất mà ghi: phân loại đất tốt và đất trung bình.

Phương án thu các loại quỹ, thuế, phí năm 2015 tại xã Thường Nga
Năm 2015 được coi là đỉnh điểm bức xúc của người dân khi nhận được thông báo do UBND xã gửi xuống. Lý do người dân bức xúc vì lần đầu tiên thấy một loại quỹ với tên gọi rất lạ.

Đồng nghĩa với việc, loại quỹ này người dân chưa một lần được phổ biến trong bất kỳ một cuộc họp thôn. Ngay cả khi chúng tôi hỏi cán bộ, đảng viên, kể cả những người từng có nhiều năm làm lãnh đạo xã vẫn không hiểu về tên gọi của loại quỹ này. Đó là Quỹ giao thông thủy lợi phục vụ sản xuất.

Đây là loại quỹ có mức thu lớn nhất, gấp 14 – 15 lần so với tổng số tiền của 5 loại quỹ được phép vận động thu theo quyết định của UBND tỉnh thể hiện trong giấy thông báo.

Trưởng thôn Chùa Hội, ông Trần Việt Hà thừa nhận, giá lúa rẻ, nhiều gia đình bán hết vẫn không đủ tiền nộp sản. Về khoản thu “Quỹ giao thông thủy lợi phục vụ sản xuất” ông trưởng thôn cũng chỉ hiểu lơ mơ, dân tình hỏi nhiều nhưng không giải thích được.

Hơn nữa, trước lúc nộp cũng không kịp họp dân vì thời gian xã giao quá gấp. Nói là tiếp xúc cử tri, lấy ý kiến người dân để vận động thu nộp, nhưng trong các biên bản họp thôn đều không hề đề cập đến các khoản thu trong “chiến dịch thu nộp ngân sách”.

Trưởng thôn còn ú ớ, huống hồ là dân. Chúng tôi có mặt ở trụ sở UBND xã Thường Nga cuối buổi chiều 24/6/2015, buổi cuối cùng trong chiến dịch thu ngân sách. Rất nhiều người dân đóng nộp xong cầm biên lai thu tiền ra về vẫn không hiểu họ vừa đóng cho xã khoản gì?

Kỳ II: Gánh nặng quê nghèo: Ròng rã hơn 10 năm gánh các khoản thu phi lý

Tin bài liên quan:

VNTB – Có hay không xung đột quân sự lớn ở biển Đông?

Phan Thanh Hung

VNTB – Lại ngưng chức chủ tịch HĐQT Oceanbank: Lại sắp “bắt người”?

Phan Thanh Hung

Quan hệ Việt-Trung: ‘ý đảng-lòng dân’ hoàn toàn tỷ lệ nghịch với nhau *

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo