Việt Nam Thời Báo

VNTB – “Dân trí còn rất thấp, trưng cầu có khi gây hại”: Xin đừng khinh dân

Tám Tư (VNTB) “Dân chủ của ta có hạn, dân trí còn rất thấp, số người dân trí cao là thiểu số, trưng cầu có khi gây hại, không thể tùy tiện,” ĐBQH Hà Minh Huệ, Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đưa ra ý kiến trong buổi thảo luận tại tổ về luật Trưng cầu dân ý chiều 3/6.


“Cũng bởi thằng dân ngu quá lợn”

Vậy là sau 40 năm “giải phóng”, thì chỉ có đất đai và tài sản được chăm chút, còn dân trí thì bỏ rơi, nên sau chừng đó năm đại đa số người Việt Nam vẫn thuộc… dân trí thấp.
ĐBQH Huệ nói thế cũng có nghĩa, bao năm nay, Đảng và nhà nước ta đã thực hiện “chính sách ngu dân” sao?
Vì nếu không, tại sao gần trọn nửa thế kỷ, dưới sự lãnh đạo và soi sáng của Đảng Cộng sản Việt Nam – một Đảng “đạo đức, là văn minh”, dưới sự chăm sóc của nền giáo dục XHCN mà dân trí cao vẫn là… thiểu số?

“Dân chủ của ta có hạn, dân trí còn rất thấp, số người dân trí cao là thiểu số, trưng cầu có khi gây hại, không thể tùy tiện,” ĐBQH Hà Minh Huệ, Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết.
Và bởi người dân với tư cách cử tri quá ngu dốt, nên ông Phó Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam mới được bầu làm ĐBQH.
Hay là bởi miệng của quan có gang có thép, nên quyền con người khó tiếp cận đối với người dân Việt Nam?
Bởi đây không phải là cái lần đầu tiên, một ĐBQH lại phát ngôn ra câu đầy hàm ý như vậy.
Năm 2011, ông ĐBQH Hoàng Hữu Phước cũng từng đề xuất rằng, “khi nào trình độ dân trí cao hơn và kinh tế ổn định hơn thì mới có thể ban hành Luật biểu tình.”. 

“Cho nên quân nó dễ làm quan”

Năm xưa, nhà báo – chí sĩ Phan Châu Trinh đề ra biện pháp Khai dân trí, trong đó, ngoài mở trường dạy kiến thức thì ông còn sử dụng văn thơ, báo chí, tuyên truyền để khai thông, mở mang trí khôn và thức tỉnh lòng người.
Bởi cụ biết được sức mạnh của báo chí, tuyên truyền trong sự vận động tiến triển dân trí và thay đổi tư duy, nâng cao nhận thức của người dân như thế nào. Đó là thời điểm mà số trí thức đếm trên đầu ngón tay, thế mà cụ vẫn cứ quyết khai trí.
Giả như “Dân trí thấp, dân trí chưa cao”, thì đáng lẽ, với cương vị là Phó Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam, ông phải đứng ra đốc thúc báo giới viết bài tuyên truyền sâu rộng về quyền con người, trong đó có quyền trưng cầu dân ý để người dân dần đi đến một nhận thức đủ “cao” để có thể tiếp nhận được quyền trưng cầu dân ý.
Thế nhưng, vì lối nghĩ khinh dân đầy cảm tính – “dân trí thấp”, mà ông tiếp tục cổ vũ sự trì hoãn áp dụng quyền trưng cầu dân ý – một trong những quyền mang đem lại cơ hội cho người dân Việt Nam thực hành dân chủ.
Vì hạn chế Đức hay là vì Tài?
Rõ ràng, ông ĐBQH Hà Minh Huệ đã không hề hiểu rõ cái giá trị của dòng chữ “Đại biểu Quốc Hội” mà ông đang mang theo mình, trong đó bao gồm “phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người dân, cử tri đã bầu cho minh.”. Chưa nhận thức đầy đủ chức trách và nhiệm vụ của một người làm báo trong nâng cao dân trí người dân để thúc đẩy họ tiếp cận quyền cơ bản của con người, mà chỉ mới làm tốt vai trò và nhiệm vụ mà “Đảng giao phó”.
Ông áp đặt suy nghĩ cá nhân và “tâm tư Đảng” lên trên quyền lợi của người dân, và hoàn toàn không nắm rõ quy điểm, “không ai phản ánh ý chí, nguyện vọng của nhân dân bằng chính nhân dân.”.

Ông đã cố tình đi ngược lại xu thế khuyến khích tạo ra cơ chế cho người dân làm chủ. Bởi nói như ĐBQH Dương Trung Quốc thì, “Trưng cầu ý dân là thể hiện tính dân chủ trực tiếp, đòi hỏi phải biến thành tập quán, thói quen của xã hội chứ không nên lập luận người dân có đại biểu đại diện của mình, trưng cầu ý dân chỉ cần tập trung ở nhóm dân trí cao.”.

Trong khi đó, việc thực hành dân chủ trong dân, trong đó có thông qua việc thực hiện trưng cầu dân ý là một biện pháp đấu tranh hiệu quả trong việc ngăn chặn hiện tượng lợi ích nhóm, tham nhũng có tổ chức, mafia kinh tế lồng ghép chính trị, và sự tha hóa về mặt quyền lực… vốn đang diễn biến ngày một nghiêm trọng tại Việt Nam, như ông TS. Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương từng chỉ ra.

Vậy mà ĐBQH Hà Minh Huệ, Phó chủ tịch Hội nhà báo lại cản trở.

Sao thế nhỉ? Vì hạn chế Đức hay là vì Tài?

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo