Việt Nam Thời Báo

VNTB – Dân trí là gì?

An Yên

 

(VNTB) – Còn nhớ nếu như người nào đó lỡ miệng đề cập đến ‘dân trí chúng ta thấp’ trên báo chí, lập tức người ta sẽ nhảy chồm chồm phản đối.

 

Và ở năm 2020 vừa qua, Google đã chứng thực rằng dân trí xứ Việt dường như đã đến lúc rất cần đến việc ban hành các luật mà Quốc hội đã nợ dân chúng quá lâu về các quyền Hiến định, như luật về quyền lập hội, luật về quyền biểu tình…

Top 10 từ khóa tìm kiếm nhiều nhất trong năm 2020 của người Việt trên Google có thứ tự như sau: (1) Thời tiết ngày mai; (2) Vnedu; (3) Itaewon Class; (4) Bầu cử Tổng thống Mỹ; (5) Olm; (6) Coronavirus tips; (7) Zoom; (8) Smas; (9) Hạ cánh nơi anh; (10) Lấy danh nghĩa người nhà.

Phân tích nhanh, thì thứ tự 1 dường như liên quan đến chuyện thiên tai miền Trung. Các thứ tự 2, 5, 7, 8 đều liên quan đến thứ tự tìm kiếm thứ 6 cho chuyện học trực tuyến mùa dịch Covid-19. Còn lại ở thứ tự đánh số 3, 9 và 10 thì thuần là giải trí đến từ phim ảnh của Hàn Quốc.

Top từ khóa chủ đề là gì được tìm kiếm nhiều nhất trên Google trong năm 2020 của người Việt, được thống kê như sau: (1) Virus Corona là gì; (2) Miễn thị thực là gì; (3) Đầu cắt moi là gì; (4) Bệnh bạch hầu là gì; (5) Đông Lào là gì; (6) Giả trân là gì; (7) Thị thực là gì; (8) Đi đường quyền là gì; (9) Bluezone nghĩa là gì; (10) Phòng áp lực âm là gì.

Có lẽ cần chú thích: “Đầu cắt moi” có xuất phát điểm là cụm từ dùng để mỉa mai, giễu cợt một là một kiểu đầu tóc trông “dân chơi” theo idol mạng Khá Bảnh,… xuất phát từ một đoạn video trên mạng xã hội.

Giả trân” – “Không hề giả trân” là những từ lóng trên Internet được thường được giới trẻ sử dụng. Cụm từ “giả trân” không phải một từ có trong từ điển tiếng Việt nên không có định nghĩa.

Một số tình huống dân mạng dùng cụm từ “giả trân”, “không hề giả trân” trên Facebook như: Nó sống giả trân/ không hề giả trân chút nào! – Biểu cảm của nữ ca sĩ đó khi giao lưu với fan rất giả trân /không hề giả trân tý nào – Gương mặt giả trân của người đẹp X khi nói chuyện với đồng nghiệp

Còn ‘hot trend’ “đi đường quyền” liệu nó có phải một “bộ môn võ công” mới được sáng tạo hay không?

Đi đường quyền” là trào lưu đang hot trên mạng xã hội, được lan truyền trong cộng đồng mạng xuất phát từ đoạn trích trong câu nói “Bữa nay có tiền đi đường quyền mạnh ghê” của cô Võ Minh Hiếu. Kèm với lời nói là hành động trên tay cầm sắp tiền và đáng quyền.

Cô Minh Hiếu “Bảy miếng đất”, hoặc cô Minh Hiếu “đi đường quyền” là người chuyển giới, đang được quan tâm trên các trang mạng xã hội. Hiện cô đang sống ở Cai Lậy (Tiền Giang). Hầu hết những đoạn ‘livestream’ của cô đều nhận được lượt tương tác cực kỳ “khủng”.

Từ khóa chủ đề đứng thứ 5 “Đông Lào là gì”. Người Việt Nam nổi tiếng với việc sử dụng nghĩa bóng hoặc láy để tạo ra một từ mới, với mục đích ám chỉ để đánh lạc hướng nhưng vẫn mang dụng ý sâu xa về một điều gì đó. Sự khéo léo trong cách dùng từ khiến cho cho người ngoài cuộc đọc không hiểu, và không lo bị lộ. Ở trường hợp này cũng như vậy, từ ‘Đông Lào’ được sáng tạo ra ở dạng nghĩa bóng, nhằm lách luật để không phạm phải rắc rối với pháp luật Việt Nam.

Thoạt tiên, ‘Đông Lào’ là từ dùng để nói về Việt Nam chính là fanpage Đơn Vị tác chiến điện tử (Comrade Commissar). Đây là một fanpage chuyên nói về những tình hình nóng hổi về quân sự và thời sự trong nước.

Cộng đồng mạng xã hội thì dùng từ “Đông Lào” theo cách của nói láy để chỉ xứ sở của biết bao chuyện khiến dân chúng phải “đau lòng” bởi sự lầm than, uất hận…

Từ những con số thống kê về tìm kiếm ở trên, một lần nữa cho thấy người Việt tiếp tục lãng quên các từ khóa “Trường Sa”, “Hoàng Sa” cùng những diễn biến quanh vùng biển “nóng” thuộc chủ quyền quốc gia.

Đến đây, lại nhớ tới cuộc tranh luận ồn ào suốt một thời gian dài để trả lời cho câu hỏi: Dân trí Việt Nam cao hay thấp, bắt nguồn từ trích dẫn câu nói của đại biểu quốc hội Hà Minh Huệ tại phiên thảo luận về Dự thảo Luật trưng cầu ý dân (sau đó đã được Quốc hội thông qua).

Ông Hà Minh Huệ có trích dẫn nguyên văn câu trả lời phỏng vấn của GS.TS Nguyễn Đăng Dung, Khoa Luật, Đại học quốc gia Hà Nội tỏ ý băn khoăn về hạn chế của trưng cầu dân ý.

Trả lời câu hỏi: Trình độ dân trí ảnh hưởng như thế nào đến việc trưng cầu ý dân, ông Dung nói (đại biểu quốc hội Hà Minh Huệ đọc nguyên văn): “Theo tôi, nó có vai trò quyết định. Bởi trong khi tâm lý đám đông rất phổ biến mà trình độ dân trí nói chung còn thấp thì việc trưng cầu dân ý có khi lại gây hại. Thực tế, người lý trí, suy nghĩ có tính chất triết học vẫn là thiểu số”.

Câu trích dẫn bị cắt ra và đưa vào những ngữ cảnh khác nhau khiến vị đại biểu quốc hội này đã phải hứng chịu không ít chỉ trích và búa rìu dư luận, khi nhiều người nhảy “chồm chồm” phản bác lại rằng, dân trí Việt Nam đã chuyển biến rõ rệt, không hề thấp.

Nhưng nhìn vào xu hướng tìm kiếm của người dùng Việt trên internet, phần nào đã có câu trả lời thay cho sự ngụy biện ru ngủ về một nền dân trí “không thấp”. Đó là bởi Google gần như đã trở thành thói quen của người dùng internet, và thói quen này, ở góc độ nào đó đã phản ánh tình trạng dân trí của người Việt hiện nay.


Tin bài liên quan:

VNTB – Dân trí, xã hội dân sự, và văn hóa ứng xử trên mạng

Phan Thanh Hung

VNTB – Truyện cười:  Sao không thấy đảng cho đính chính?

Do Van Tien

Ksor Phước: ‘không được trưng cầu ý dân về vai trò lãnh đạo của Đảng ở điều 4 Hiến pháp’ *

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.