VNTB – Đảng bộ TP.HCM sẽ ‘kìm cương’ Chính quyền TP.HCM?

VNTB – Đảng bộ TP.HCM sẽ ‘kìm cương’ Chính quyền TP.HCM?

Hoài Nguyễn

(VNTB) – Nhìn vào lý lịch trích ngang của tân Bí thư Nguyễn Văn Nên, dễ đồng ý một điều là có thể ông sẽ giúp Trung ương ‘kìm cương yêu sách’ từ Chính quyền TP.HCM.

 

Ông Nên ‘kín lịch công vụ’ nên đã đi học thời gian nào?

Ông Nguyễn Văn Nên sinh ngày 14/7/1957, quê ở Tây Ninh. Chưa 18 tuổi và có thể coi là cũng chưa kết thúc niên khóa học đường, từ tháng 4/1975 đến 9/1985, ông Nguyễn Văn Nên là chiến sỹ cảnh sát hình sự, rồi Đội trưởng hình sự Công an huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh.

Tháng 10/1985 đến 12/1987, ông Nên là Huyện ủy viên, Bí thư chi bộ, Phó trưởng Công an huyện Gò Dầu. Tháng 1/1988 đến 2/1989, ông giữ chức Quyền Trưởng Công an huyện Gò Dầu. Tháng 3/1989 tới 12/1991, ông Nên là Ủy viên Thường vụ Huyện ủy, Trưởng Công an huyện Gò Dầu.

Tháng 1/1992 đến 4/1996, ông làm Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Gò Dầu. Tháng 4/1996 đến 8/1999, ông là Tỉnh ủy viên, Bí  thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Gò Dầu.

Từ tháng 8/1999 đến 1/2001, ông là Tỉnh ủy viên, Trưởng ban, Ban Tổ chức chính quyền tỉnh Tây Ninh. Tháng 2/2001 đến 5/2004, ông Nên là Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Tây Ninh.

Tháng 6/2004 tới 1/2005, ông là Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Tây Ninh, kiêm Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Bảo vệ sức khỏe.

Tháng 2/2005 đến 3/2006 ông là Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng ban Ban Tổ chức Tỉnh ủy Tây Ninh. Tháng 3/2006 tới 8/2010, ông Nên giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ  tịch UBND tỉnh Tây Ninh. Tháng 9/2010 đến 7/2011, ông Nguyễn Văn Nên làm Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh. Rồi từ tháng 7/2011 tới 2/2013, ông Nên là Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên. Bước sang tháng 3/2013, ông Nên là Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.

Ngày 14/11/2013, ông Nên được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 6, phê chuẩn giữ chức vụ Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Tháng 1/2016, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, ông Nên được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được bầu vào Ban Bí thư Trung ương Đảng. Tháng 2/2016, ông được Bộ Chính trị quyết định phân công giữ chức vụ Chánh Văn phòng Trung ương Đảng.

Không thấy tin tức về mặt trình độ học vấn, ông Nguyễn Văn Nên được đào tạo chuyên ngành hẹp gì? Khả năng về quản lý hành chính của ông Nên có được trải qua những cập nhật từ các khóa tu nghiệp nào hay không? Thế mạnh cụ thể trong công việc của ông Nguyễn Văn Nên đã được chứng minh ra sao?

Ông tân Bí thư sẽ là lực đẩy hay sức trì đối với Chính quyền TP.HCM?

Thời gian ông Nguyễn Văn Nên ‘sắm vai’ người đứng đầu cả về mặt Đảng lẫn Chính quyền ở tỉnh Tây Ninh, người ta chưa tìm thấy dấu ấn nào nổi trội kiểu như một Chủ tịch Út Phương của tỉnh Bình Dương; hay một Chủ tịch Võ Thành Thống của thành phố Cần Thơ; hoặc gần hơn, là mang tầm của một người chuẩn bị là ‘cựu Bí thư’ của tỉnh Đồng Tháp là ông Lê Minh Hoan.

Rất có thể ông Nguyễn Văn Nên lâu nay thuộc trường hợp ‘chưa có đất dụng võ’. Nay về với TP.HCM, biết đâu nhờ mối quan hệ gần 5 năm ròng rã ngồi ghế Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, sắp tới đây tân Bí thư Nguyễn Văn Nên sẽ giúp Chủ tịch Nguyễn Thành Phong ‘lobby’ được chuyện Ban Bí thư chấp nhận chuyện cho phép TP.HCM được quyền sử dụng nhiều hơn chút ở số tiền mà chính TP.HCM tự tay làm ra. Đây là điều mà lúc còn ngồi ghế Bí thư Thành ủy, ông Nguyễn Thiện Nhân – người từng giữ chức Phó Thủ tướng, đã không thể xoay chuyển được.

Hồi cuối tháng 7-2020 tại Hà Nội, Thành ủy, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị lấy ý kiến các bộ ngành góp ý cho đề án “Tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM giai đoạn 2022-2025 và giai đoạn 2026-2030”. Hội nghị do ông Nguyễn Thiện Nhân, và ông  Nguyễn Thành Phong chủ trì, với sự tham dự của lãnh đạo các bộ ngành Trung ương.

Theo đề án mà hai ông Nguyễn Thiện Nhân và Nguyễn Thành Phong thống nhất đưa ra, thì cứ 5 năm dân số TP.HCM tăng khoảng 1 triệu người, hiện nay dân số khoảng 9 triệu người, trong đó đã có 17/19 quận có mật độ dân số ở mức mất an toàn, kẹt xe ngày càng nghiêm trọng, ngập nước ngày càng tăng, ô nhiễm không khí, nước sông ngày tăng, nhà ở thiếu, diện tích nhà bình quân đầu người thấp hơn diện tích cả nước, bệnh viện, trường học quá tải.

Trong lúc đó thì TP.HCM lại là nền kinh tế lớn nhất cả nước với việc chiếm gần ¼ GDP cả nước, song việc thu hút đầu tư nước ngoài chưa vượt trội và tỷ trọng xuất khẩu so với cả nước ngày càng giảm.

Tỷ lệ vốn FDI của TP.HCM thu hút được so với cả nước năm 2011 – 2013 có sự sụt giảm đáng kể, sau đó có sự tăng trưởng lại nhưng cũng không đều. Điều này khiến đóng góp của TP.HCM cho xuất khẩu cả nước ngày càng giảm. Từ chỗ chiếm 56,5% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước năm 2000, đến năm 2019 chỉ còn chiếm 15,1 % tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Mặc dù vậy, TP.HCM tiếp tục là địa phương có đóng góp ngân sách lớn nhất cả nước, khoảng 27% tổng thu ngân sách cả nước; năm 2019 tỷ lệ nộp ngân sách cao nhất cả nước, khoảng 83,9% tổng thu trên địa bàn, nhưng nghịch lý thay là lại có tỷ lệ chi ngân sách trên tổng thu ngân sách trên địa bàn thấp nhất cả nước (17,1%)…

Với bức tranh toàn cảnh như trên, đáng tiếc là ở hội nghị lấy ý kiến các bộ ngành góp ý cho đề án “Tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM giai đoạn 2022-2025 và giai đoạn 2026-2030”, đã không đi đến kết quả mong muốn của Chính quyền TP.HCM về chuyện giảm phần trăm tỷ lệ đóng góp ngân sách Trung ương.

Liệu ông tân Bí thư sẽ bằng mối quan hệ gần 5 năm ‘gần gũi’ các bề trên Bộ Chính trị, sẽ giúp Chính quyền TP.HCM sớm có được điều đã cam kết tại đề án: “Khi tỷ lệ điều tiết tăng từ 18% lên 23%, tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước chuyển Trung ương bình quân giai đoạn 2022 – 2025 sẽ tăng thêm 1,41%. Khi đó, tổng thu ngân sách nhà nước chuyển Trung ương sẽ tăng thêm 39.599 tỷ đồng, tương đương tăng thêm 1,7 tỷ USD. Khi tỷ lệ điều tiết tăng từ 18% lên 26%, tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước chuyển Trung ương bình quân giai đoạn 2026 – 2030 sẽ tăng thêm 3%. Khi đó, tổng thu ngân sách nhà nước chuyển Trung ương sẽ tăng thêm 343.861 tỷ đồng, tương đương tăng thêm 14,76 tỷ USD”…?

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)