Anh Khoa dịch
(VNTB) – Hành vi hung hăng của Trung Quốc cũng có thể là một chiến thuật để đánh lạc hướng sự chú ý của thế giới khỏi sự phẫn nộ về đại dịch virus corona.
VENUS UPADHAYAYA
Phó Chủ tịch Đảng cầm quyền tại Ấn Độ, Đảng Bhartiya Janta (BJP), nói với Đại Kỷ Nguyên trong một cuộc phỏng vấn độc quyền rằng không có logic nào có thể giải thích hành vi gây hấn gần đây của Trung Quốc với Ấn Độ. Thế giới nên quan tâm đến các động cơ trong cách hành xử gần đây của Trung Quốc, ông nói.
“Cách họ đẩy mạnh hành vi gây hấn, và như tôi đã nói, đây không chỉ là về Ấn Độ, bạn đã thấy hành vi hung hăng khi nói đến Đài Loan, khi nói đến Nhật Bản, [và] các hoạt động ở Biển Đông. Và do đó, nó có vẻ phù hợp với một mô hình chung và thế giới nên quan tâm đến”, ông Baijayant Panda, Phó Chủ tịch kiêm người phát ngôn của BJP, nói với tờ Đại Kỷ Nguyên qua điện thoại từ New Delhi.
Ấn Độ và Trung Quốc đã có những va chạm trong tình hình căng thẳng tại biên giới hai nước kể từ ngày 15 tháng 6 sau khi 20 binh sĩ Ấn Độ và một số chưa xác định các binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng trong một cuộc xung đột tay đôi trên dãy núi Galwan thuộc dãy Himalaya ở Ladakh. Kể từ đó, cả hai nước đã cho hàng chục ngàn quân đóng ở hai bên biên giới.
Theo diễn biến gần đây, Trung Quốc đã đưa ra đề xuất mới về việc giảm leo thang căng thẳng ở biên giới. Nước này đề nghị với Ấn Độ rằng họ sẽ rút khỏi lãnh thổ Ấn Độ ở bờ bắc của hồ Pangong Tso, nếu Ấn Độ quay trở lại vị trí mà Trung Quốc muốn. Theo báo chí Ấn Độ, New Dehli đã bác bỏ đề xuất này.
Ông Panda nói: “Chúng tôi thấy rằng trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã thực hiện một số bước đi rất bất thường. “Chúng tôi đã thấy điều này vào năm 2017 tại Doklam, nơi họ thể hiện hành vi hung hăng. Và chúng tôi cũng đã thấy các trường hợp nhỏ hơn khác. Bây giờ, đây là một ví dụ rất lớn về hành vi gây hấn”.
Các binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc giao tranh vào tháng 5 ở bang Sikkim, đông bắc Ấn Độ và đã xung đột nghiêm trọng trong khu vực này vào năm 2017 khi Trung Quốc cố gắng mở một con đường qua cao nguyên Doklam giữa Bhutan, Ấn Độ và Trung Quốc, nơi thuộc chủ quyền của Bhutan nhưng Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.
Các nhà chức trách Bhutan đã nhờ quân đội Ấn Độ hỗ trợ, gây ra tình trạng đối đầu ở biên giới kéo dài 73 ngày. Sau nhiều tuần đàm phán, cả hai nước đều rút quân nhưng Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng cơ sở hạ tầng khổng lồ trong khu vực này.
Quan hệ toàn cầu của Ấn Độ
Phó chủ tịch BJP nói với Thời báo Đại Kỷ Nguyên những căng thẳng hiện nay giữa Ấn Độ và Trung Quốc nên là một vấn đề được thế giới quan tâm.
“Thế giới đã phát triển thành một thế giới đa cực kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Nhưng rồi thì Trung Quốc trỗi dậy” ông nói thêm rằng những nền dân chủ khác đóng góp vào các động lực phát triển ở khu vực.”
“Nhận thấy có nhu cầu hợp tác. Và như bạn cũng biết đấy, tình hình Ấn Độ-Trung Quốc nên được quan tâm,” ông nói.
Ông Panda nói rằng Ấn Độ đang phát triển các mối quan hệ với nhiều nền dân chủ khác nhau trên thế giới và sự gần gũi của Ấn Độ với một số quốc gia có thể liên quan đến Trung Quốc.
“Ấn Độ và Hoa Kỳ ngày càng gần gũi hơn,” ông nói thêm rằng Ấn Độ cũng đã “hợp tác chặt chẽ với nhiều nền dân chủ khác, chẳng hạn như Nhật Bản và Úc. Vì vậy, tất cả những điều này có thể là điều cần quan tâm cho chính quyền Trung Quốc. ”
Ông Panda cũng nói rằng Trung Quốc có thành tích về việc gây ảnh hưởng đến các nước láng giềng châu Á nhỏ hơn khác thông qua các “tuyên bố” và “hành động” khác nhau và quyết định đơn phương cách thức duy trì mối quan hệ. Ông nói, hành vi như vậy không dựa trên logic hoặc đạo đức hoặc các thỏa thuận trước đó.
Ông nói, tuy nhiên, Ấn Độ không giống như những quốc gia nhỏ hơn này. Ấn Độ là một quốc gia rộng lớn và là quốc gia duy nhất có dân số ở mức tương đương với Trung Quốc.
“Và đây là một Ấn Độ khác. Đây không phải là Ấn Độ của năm 1962. Đây thậm chí không phải là Ấn Độ của những năm 1980 hay 90. Và Ấn Độ sẽ đảm bảo rằng lãnh thổ của chúng tôi được bảo vệ. Và nếu cần bất cứ phản ứng nào, Ấn Độ sẽ thực hiện phản ứng đó,” Panda nói.
Phó Chủ tịch đảng cầm quyền của Ấn Độ cũng nhấn mạnh việc Trung Quốc gần đây đã đưa ra cảnh báo đối với một số phương tiện truyền thông Ấn Độ sau khi họ chúc mừng Đài Loan vào ngày Quốc khánh 10 tháng 10 của Đài Loan.
“Đại sứ quán Trung Quốc tại Ấn Độ đã đưa ra các tuyên bố, ít nhiều ra lệnh cho giới truyền thông Ấn Độ rằng họ nên hành xử như thế nào và nên đưa tin gì. Ở thời đại này, điều này là rất thiếu chuyên nghiệp, bởi vì, ở các nước dân chủ, không ai có quyền ra lệnh cho truyền thông,” ông Panda nói.
Bầu cử ở Hoa Kỳ
Ông Panda cho biết sự thù địch ngày càng tăng của Trung Quốc đối với Ấn Độ cũng có thể là hậu quả từ cuộc bầu cử sắp tới ở Hoa Kỳ.
“Ấn Độ và Mỹ ngày càng gần gũi hơn. Ấn Độ và một số quốc gia lớn khác đang tiến gần nhau hơn. Ấn Độ đã được Tổng thống Mỹ mời tham dự hội nghị thượng đỉnh G7,” ông nói.
Ông Panda nói: “Ấn Độ đã bị Trung Quốc phản đối về các cải cách của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc mà Ấn Độ đang tìm kiếm và các quốc gia khác như Nhật Bản và Brazil cũng đang tìm kiếm.”
Ông nói rằng tất cả những lý do này có thể giải thích cho hành vi thù địch của Trung Quốc, nhưng Ấn Độ không quan tâm đến “sự thù địch” như vậy.
“Ấn Độ không quan tâm đến việc có sự thù địch. Ý định của Ấn Độ là có quan hệ hòa bình với tất cả các quốc gia, đặc biệt là với các nước láng giềng và chúng tôi có đường biên giới dài với Trung Quốc và đường biên giới tranh chấp dài với Trung Quốc. Chúng tôi không quan tâm đến sự thù địch”, ông Panda nói thêm rằng cũng có thể có những lý do quốc tế thúc đẩy sự xâm lược của Trung Quốc.
“Thực tế là đây không phải là những hành động hợp lý dựa trên những hiểu biết đã tồn tại,” ông nói.
Khi được hỏi liệu Trung Quốc có cảnh giác về mối quan hệ hữu nghị ngày càng tăng giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Ấn Độ Modi, ông Panda cho biết Trung Quốc đã được biết là đã từng sử dụng các chiến thuật gây áp lực như vậy.
“Đúng. Ý tôi là, Tổng thống Trump đã có lập trường rất mạnh mẽ về việc điều chỉnh một số tình trạng bất cân đối với Trung Quốc, đặc biệt là tình trạng mất cân bằng kinh tế. Đúng vậy, đã có một cuộc chiến trên mặt trận thương mại. Nhưng nếu Trung Quốc làm những điều này để cố gắng gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử của Hoa Kỳ, điều đó sẽ rất đáng tiếc và rất không chính xác”, ông Panda nói.
Virus corona
Ông Panda cho biết có rất nhiều suy đoán về loại virus corona có nguồn gốc từ Trung Quốc và nhiều “cáo buộc” đã được đưa ra.
“Và trên khắp thế giới, dường như sự phẫn nộ ngày càng tăng về cách hành xử của Trung Quốc”, ông Panda nói thêm rằng hành vi hung hăng của Trung Quốc cũng có thể là một chiến thuật để đánh lạc hướng sự chú ý của thế giới khỏi sự phẫn nộ này.
Ông Panda cho biết gần đây Trung Quốc đã thể hiện hành vi gây hấn tương tự đối với các nước khác. Ông đặc biệt đề cập đến Australia và cho biết Trung Quốc đã thực hiện “những hành động gây hậu quả nghiêm trọng” đối với quốc gia ở Thái Bình Dương này.
Mối quan hệ của Trung Quốc và Australia, giống như mối quan hệ của Ấn Độ và Trung Quốc, gần đây đã xuống mức thấp nhất. Kể từ mùa hè năm nay, Trung Quốc đã áp thuế 80% đối với lúa mạch Úc, cản trở việc nhập khẩu thịt bò Úc, bắt giữ một nhân viên truyền thông Úc và cấm hai viện sĩ Úc đến thăm Trung Quốc.
Kể từ khi virus corona bùng phát, Trung Quốc cũng cáo buộc Australia “tăng cường tấn công gián điệp chống lại” nước này và cáo buộc nước này “xâm nhập, hoạt động gián điệp và đánh cắp công nghệ”, tờ Hoàn Cầu Thời Báo, một phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin. Trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước ngày càng gia tăng, Trung Quốc cũng đã ngừng mua than của Australia, hãng Bloomberg đưa tin.
Ông Panda nói rằng có thể có những lý do khác đằng sau hành vi hung hăng của Trung Quốc và “có lẽ” thậm chí có thể liên quan đến những lý do nội bộ của Trung Quốc. Ông Panda nói: “Bởi vì thực sự không có lý do hợp lý nào để có một cuộc đối đầu như vậy với Ấn Độ.”
Ấn Độ là thị trường tự do lớn nhất
Ông Panda nói rằng vì có một cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, Trung Quốc nên hành xử một cách “hợp lý hơn” với các thị trường tự do khác, đặc biệt là một thị trường lớn như Ấn Độ nhưng hành vi gần đây của quốc gia cộng sản này không cho thấy điều đó.
“Thật kỳ lạ, bởi vì chúng ta đã chứng kiến cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc trong nhiều năm, và điều đó thông thường có nghĩa là Trung Quốc nên hành xử một cách hợp lý hơn với một thị trường lớn như Ấn Độ, do đó, việc đột nhiên trở nên hung hăng mà không có lý do là hết sức khó hiểu,” ông Panda nói.
Ông đề cập rằng Trung Quốc đã phát triển thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới vì Trung Quốc được phép gia nhập WTO nhưng hiện nay Trung Quốc đang vi phạm các quy tắc của tổ chức này.
“Nhưng sau đó, như ai cũng biết, Trung Quốc thường không tuân theo cùng một logic, như hầu hết các quốc gia trên thế giới”, ông Panda nói thêm rằng thật bi thảm khi Trung Quốc từ chối tuân theo các quy định của WTO. Ông nói, nước này đã được hưởng lợi từ những quy tắc này, và những quy tắc này tiếp tục chi phối thương mại, giao dịch toàn cầu và quan hệ giữa các nước láng giềng.
Ông Panda cho biết: “Và điều đó cũng dẫn đến sự trừng phạt, bởi vì Ấn Độ đã phải thực hiện các bước này như cấm hơn 100 ứng dụng của Trung Quốc và hủy bỏ cũng như tạm ngưng nhiều khoản đầu tư và hợp đồng khác của Trung Quốc ở Ấn Độ.
Ông cho biết bất chấp hành vi khiêu khích của Trung Quốc và cái chết của binh lính Ấn, Ấn Độ đã thể hiện “sự kiên nhẫn tột độ”.
“Ấn Độ đã chứng tỏ rằng chúng tôi có ý chí bảo vệ lãnh thổ của mình, dù bằng biện pháp quân sự hay kinh tế. Nhưng đồng thời, như các bạn đã biết, Ấn Độ cam kết đàm phán để giải quyết những tranh chấp này,” ông Panda nói. “Và đó là niềm tin của Ấn Độ. Chúng tôi chỉ sử dụng vũ lực để tự vệ chứ không phải là một động thái gây hấn”.
*Chú thích ảnh: Baijayant Panda (R), phó chủ tịch kiêm người phát ngôn của đảng cầm quyền Ấn Độ, Đảng Bhartiya Janta (BJP) cùng với Thủ tướng Ấn Độ, Narendra Modi (L). (Ảnh: Văn phòng Baijayant Panda)
________________
Nguồn: https://www.theepochtimes.com/exclusive-indias-ruling-party-warns-world-should-be-concerned-about-chinas-recent-behavior_3534238.html