Nguyễn Huyền
(VNTB) – Quy định số 114-QĐ/TW tiếp tục khẳng định Đảng kiên quyết chống “chế độ con ông cháu cha”.
Vị thế lãnh đạo của các gia tộc tạo nên vị thế, lợi ích kinh tế. Các câu chuyện đấu thầu dự án, đất đai, trang thiết bị, vật phẩm y tế… suy đến cùng đều bị chi phối một phần bởi nhóm lợi ích hình thành từ các gia tộc, quan hệ dòng họ kiểu này.
Hồi trung tuần tháng 7-2023, Thường trực Ban Bí thư đã ký ban hành Quy định số 114-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Điểm nổi bật ở văn bản này là tiếp tục khẳng định Đảng kiên quyết chống “chế độ con ông cháu cha”.
Dĩ nhiên là Quy định 114 không có giá trị hồi tố, mà chỉ có thể là ngăn các bước “cơ cấu” trong tương lai của nhiều “gia tộc lãnh đạo”. Ở đây, tôi muốn nói đến “gia tộc Nguyễn Tấn Dũng”.
Ở Việt Nam, với thế chế đơn nguyên chính trị nên chuyện bố đang là Bí thư tỉnh trước khi hạ cánh chỉ đạo sao đó cho đúng quy trình để con vào được Ban thường vụ tỉnh ủy; hay bản thân là Bí thư tỉnh, vợ là Phó chủ tịch UBND tỉnh, con dâu là giám đốc một sở, em trai ruột là chủ tịch UBND một huyện trong tỉnh là những câu chuyện không hề mang tính cá biệt của cái gọi là “hồng phúc của dân tộc”.
Sư sãi còn có con để mà nối nghiệp quét chùa, huống hồ các chính khách luôn đầy tham vọng như ông Nguyễn Tấn Dũng.
Tháng 8-2020, một báo cáo của Thanh tra tỉnh Kiên Giang về việc xử lý những sai phạm đất đai giai đoạn 2011-2017 theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, đã đưa ra kết luận là hai nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang là các ông Phạm Vũ Hồng, Lê Văn Thi cùng 12 người nguyên là Phó Chủ tịch, thành viên UBND tỉnh giai đoạn 2011-2017 phải kiểm điểm rút kinh nghiệm.
Trong các nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang bị kiểm điểm rút kinh nghiệm có ông Nguyễn Thanh Nghị (thời điểm phát hành báo cáo, ông Nghị là Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang); ông Mai Văn Huỳnh, Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc; bà Lê Thị Minh Phụng và các ông Mai Anh Nhịn, Lâm Hoàng Sa, Lê Khắc Ghi đã nghỉ hưu.
Trước đó, chiều 2-4-2018, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn đã công bố quyết kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật trong quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai, khoáng sản, môi trường ở tỉnh Kiên Giang (giai đoạn 2011 – 2017) đã gây thất thoát hơn 2.300 tỷ đồng. Với sai phạm này, Nguyễn Thanh Nghị cùng 7 lãnh đạo tỉnh Kiên Giang đã tiến hành kiểm điểm, và cùng xin chịu hình thức kỷ luật rút kinh nghiệm.
Bất ngờ, mặc dù dính phốt kỷ luật về vấn đề quản lý xây dựng – đất đai, song vào thượng tuần tháng 10-2020, ông Nguyễn Thanh Nghị được Đảng ‘rút’ về Hà Nội, và trở lại chức vụ Thứ trưởng Bộ Xây dựng mà ông từng nắm giữ ở thời gian thân phụ Nguyễn Tấn Dũng là Thủ tướng.
Thượng tuần tháng 4-2021, ông Nguyễn Thanh Nghị giữ chức Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
Hậu trường chính trị khi ấy không thấy ai thắc mắc chuyện thăng tiến này, vì đã có tiền lệ, khi mà ở tháng 1 năm 2011, tại Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam XI, tuy không được đại hội đảng cơ sở đề cử lên, song đảng viên Nguyễn Thanh Nghị vẫn được bầu làm Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương, từ danh sách do chính Đại hội toàn quốc đang họp đề cử.
Em trai út của ông Nguyễn Thanh Nghị là Nguyễn Minh Triết, sinh năm 1988 cũng được “cơ cấu” vào chính trường từ rất sớm: Từ năm 2014 – 2016: Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Bí thư Tỉnh đoàn Bình Định, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Định; Từ tháng 4-2016 đến 17-10-2021: Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, Trưởng ban Thanh niên trường học Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam;
Từ 17-10-2021 đến 25-12-2021: Bí thư Trung ương Đoàn, Trưởng ban Thanh niên trường học Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam; Từ 25-12-2021 đến nay: Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam.
Lý lịch học vấn của ông Nguyễn Minh Triết thấy ghi là thạc sỹ với đề tài Kỹ thuật động cơ siêu thanh. Nếu tiếp tục được Đảng cơ cấu trong nhiệm kỳ tới, rất có thể từ vị trí Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, ông Triết sẽ tương tự như người anh của mình, là tuần tự được điều về làm Bí thư Tỉnh ủy một địa phương nào đó, để rồi “ra lại” trung ương cho ghế Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chẳng hạn (!?).
Như vậy, xem ra vị thế lãnh đạo của các gia tộc tạo nên vị thế, lợi ích kinh tế. Các câu chuyện đấu thầu dự án, đất đai, trang thiết bị, vật phẩm y tế… suy đến cùng đều bị chi phối một phần bởi nhóm lợi ích hình thành từ các gia tộc, quan hệ dòng họ kiểu này.
1 comment
1 thử thách thực tế là VVThưởng muốn có niềm tin và uy tín thì đích thân chỉ đạo xử lý LTHải tội đồ phá nát tri thức TP và sai trái sửa dự án tạo lũ sâu bọ chiếm đất thủ thiêm kéo dài oan trái tới tân nay phải lôi LT Hải ra xử mới thực tế còn NT Dũng hơi khó nhạy cảm đụng nhiều người đang tại nhiệm như TrầnTuấn Anh với vụ thủ thiêm vẫn âm ỷ đau đớn kiện tụng dứt khoát trị đúng tội đồ