Việt Nam Thời Báo

VNTB- Đảng có sống ‘ký sinh’ không?

Trúc Giang

(VNTB) – Trong thể chế chính trị của Việt Nam, lương, thưởng, phụ cấp ở tất cả các tổ chức chính trị – xã hội, các đoàn thể như cơ quan Đảng, công đoàn, đoàn thanh niên, hội liên hiệp phụ nữ, hội nông dân và nhiều hội, tổ chức khác vẫn được nhà nước Việt Nam chi trả từ ngân sách công, và đối xử như các công chức trong biên chế. Liệu có thể coi đây là đời sống “ký sinh”?



Báo chí “ký sinh”
Thông qua báo Thanh Niên, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Trương Minh Tuấn nói rằng hiện nay đang có “tình trạng báo chí sống “ký sinh” vào doanh nghiệp, gây phiền hà cho các cơ quan, tổ chức và cá nhân ở các địa phương”.
“Những tin bài “tô hồng”, “bôi đen”, những tin tức giật gân, sai sự thật hoặc nửa sự thật, và cả những lời đồn đều có thể được biến thành tin tức chính thống xuất bản trên báo in hoặc báo điện tử. Tất nhiên đưa tin sai sẽ bị pháp luật xử lý, nhưng điều nguy hiểm là đến khi bị xử lý, thì những thông tin sai đó đã gây những tác hại cho tổ chức, cá nhân và xã hội rồi.
Nguy hiểm hơn là không phải thông tin sai nào cũng có thể bị phát hiện ngay, có khi do các “nạn nhân” bị hù dọa sợ ảnh hưởng đến uy tín, danh dự và thương hiệu của mình nên không khiếu nại, có khi phải có thời gian mới tìm được bằng chứng”. Ông Trương Minh Tuấn nói, và cho rằng đó là biểu hiện của “ký sinh”.

Muốn “bôi đen” có dễ không?
Câu trả lời ngay: không hề dễ. Cho đến nay, gần như để “khui” các vụ việc được cho là tiêu cực, là có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở các doanh nghiệp, qua đó để “mặc cả” cho chuyện che giấu các sai phạm, khiếm khuyết này…, thì thật ra hầu hết nguồn tin và tài liệu đều được tuồn ra từ nội bộ của doanh nghiệp, đơn vị đó. Nôm na, dòi trong xương dòi ra.
Nhắc lại một chuyện cũ. Giữa năm 1998, nguồn tin từ Cục Hải quan tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cho báo chí biết đang có lô hàng 11.700 xe máy, trị giá 11,7 triệu USD đã được Công ty Xuất nhập khẩu nông sản và tiểu thủ công nghiệp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (Vũng Tàu Sinhanco) nhập lậu. Báo chí tìm hiểu để đưa tin, thì phía Vũng Tàu Sinhanco ngõ ý muốn được tham gia quảng cáo trên trang báo theo định kỳ phát hành, trong thời gian từ sáu tháng đến một năm.
Cũng đồng lúc đó, sau khi vụ việc này đổ bể, người ta mới biết Vũng Tàu Sinhanco đã “lót đường” khá đậm đến 41 nhân vật để vụ việc này được qua đi. Sau đó, cũng từ nguồn do nội bộ đưa ra, các vụ nhập linh kiện xe máy dạng CKD, bột ngọt ghi sai xuất xứ để né thuế… đến tay báo chí. Lại trả bằng quảng cáo, và các viên chức trong vụ này dĩ nhiên cũng nhận những khoản bồi dưỡng cao hơn nhiều, vì “báo chí đã biết tin”.
Ở đây phải nói là các viên chức trong bộ máy công quyền đã khôn khéo sử dụng báo chí là công cụ để “mặc cả” với doanh nghiệp trong các vụ gian lận thương mại, hay che giấu khiếm khuyết của sản phẩm. Phần mà ông Trương Minh Tuấn nói là báo chí đã “ký sinh”, thật ra là những khoản rất nhỏ nhoi nếu so số bạc mà doanh nghiệp đã bỏ ra để “chạy” vụ việc đó.
Vụ ông Mai Văn Huy, Giám đốc Công ty Thương mại dầu khí Đồng Tháp ở thập niên 90 thế kỷ trước, là một ví dụ. Trong vụ việc ấy, một vài đồng nghiệp của người viết bài này tuy không phải hầu tòa, nhưng bị buộc thôi việc, vì đã ký hợp đồng quảng cáo với công ty của ông Mai Văn Huy, kèm “điều kiện” sẽ tránh đưa các tin tức liên quan làm ăn qua đường biên giới với Campuchia trong việc tạm nhập, tái xuất xăng dầu khống để bán trong nước.
Người hưởng lợi thực sự trong các vụ việc mà ông Trương Minh Tuấn nói là “ký sinh”, chính là tổng biên tập. Bởi, những cáo già làm ăn như bà Huỳnh Liên Thuận của Vũng Tàu Sinhanco, hay Mai Văn Huy của xăng dầu Đồng Tháp luôn hiểu cần “lobby” tận gốc, nơi duyệt đăng bài cuối cùng là tổng biên tập, chứ không phải là phóng viên các văn phòng đại diện như lời của ông Trương Minh Tuấn.
Gần nhất là vụ “con ruồi đốc tờ Thanh”. Các báo nào đồng ý để công ty này mua trang quảng cáo dài kỳ, trong hợp đồng do chính phía “con ruồi đốc tờ Thanh” đưa ra, là báo đó không đăng tải bất kỳ thông tin nào ảnh hưởng xấu đến thương hiệu của họ. Người có quyền duyệt đăng hay không ở đây, chính là tổng biên tập.

Đảng cũng đang sống đời “ký sinh”
Ngày 01/01/2010, Luật Cán bộ, công chức có hiệu lực. Theo quy định tại Điều 4 Luật Cán bộ, công chức, thì công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp và trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nói một cách khác, do là chế độ độc đảng toàn trị, nên khoản chi ngân sách cho chi thường xuyên bao gồm toàn thể bộ máy hành chính của nhà nước, và còn phải bảo đảm cho chi ngân sách các tổ chức của Đảng Cộng sản Việt Nam, cùng các tổ chức chính trị – xã hội, như là Mặt trận Tổ quốc, như là Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên…
Như vậy, nếu không gọi đây là những “ký sinh” vào ngân sách, vào tiền thuế của người dân, thì phải gọi là gì? Xem ra cũng sống “ký sinh” như cánh nhà báo mà ông Trương Minh Tuấn mai mỉa, thì Đảng đường hoàng hơn khi cho mình cái quyền “ký sinh” bằng ỷ thế quyền lực độc tôn.

Tin bài liên quan:

VNTB – Đã có thể khởi tố vụ án tội làm giả tài liệu ở Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1

Phan Thanh Hung

VNTB- Vụ “Thường vụ quốc hội 5 phút”: Báo chí chỉ một màu tuyên giáo!

Phan Thanh Hung

VNTB- Hải sản tầng đáy không an toàn và mối nguy từ… tôn giáo

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo