VNTB – Đảng cộng sản Trung Quốc chủ trương hủy diệt sông Mê Kông?

VNTB – Đảng cộng sản Trung Quốc chủ trương hủy diệt sông Mê Kông?

Khánh Hòa

(VNTB) – Vào ngày 16-6-2020 tới đây, cuộc họp của nhóm công tác gồm đại diện của Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam sẽ tiến hành thủ tục tham vấn dự án thủy điện Sanakham – Lào.

Tài liệu chuẩn bị cho thủ tục tham vấn cho biết tuy chủ đầu tư dự án Sanakham là Công ty thủy điện Datang Sanakham (Lào), song đây lại là công ty con của China Datang Corporation (CDT), một trong năm công ty phát điện lớn nhất Trung Quốc. CDT là một doanh nghiệp nhà nước được thành lập năm 2002 và được trực tiếp quản lý bởi Ban chấp hành trung ương đảng cộng sản Trung Quốc (1).

Ông Nguyễn Đăng Anh Thi – Chuyên gia độc lập về Năng lượng và Môi trường, đưa ra cảnh báo:

“Theo Hồ sơ tham vấn trước của dự án thủy điện Sanakham do chủ đầu tư Datang chuyển cho MRC – Ủy hội sông Mekong (2) thông qua Ủy ban sông Mekong quốc gia Lào, điều đáng chú ý nhất là toàn bộ tài liệu đều ghi thời hạn lập tháng 10-2018. Đặc biệt, còn có một tài liệu ghi là Hội thảo Tham vấn & Khởi động  (PNPCA Consulting & Opening Workshop) ngày 30-10-2018.

Như vậy, Datang đã sẵn sàng mọi tài liệu để trình lên MRC và có thể bắt đầu thủ tục Tham vấn trước từ cuối tháng 10-2018. Điều gì khiến họ không làm điều đó mà phải chờ đến gần một năm để Luang Prabang thực hiện tham vấn trước, rồi ngay lập tức “lật ngửa quân bài”, gởi hồ sơ đệ trình dự án Sanakham lên MRC?

Không loại trừ khả năng đây là một tính toán chiến thuật của Công ty thủy điện Datang Sanakham. Vào thời điểm sẽ diễn cuộc họp của Ủy ban liên hợp các quốc gia Mekong để xem xét hồ sơ tham vấn trước dự án Sanakham khoảng hơn sáu tháng tới, mọi thảo luận và quyết định của ủy ban này đối với dự án Luang Prabang đều sẽ được thông báo công khai. Lúc ấy, nếu Việt Nam quyết định ủng hộ PV Power đầu tư vào Luang Prabang, sẽ không còn một cơ hội nào cho Việt Nam phản đối Sanakham.

Trong khi còn chưa thấy một doanh nghiệp Trung Quốc (tưởng tượng) nào đó “nhảy vào” Luang Prabang, thì đã lù lù một công ty “bằng xương bằng thịt” là CDT xuất hiện để tích cực thúc đẩy dự án Sanakham”.

Vẫn theo chuyên gia Nguyễn Đăng Anh Thi, về nguyên tắc, khả năng khởi kiện chính phủ Lào ra các tòa án quốc tế về việc vi phạm Hiệp định Mekong 1995 vẫn còn để ngỏ cho các quốc gia Campuchia, Thái Lan và Việt Nam (3).

Việc Campuchia ra quyết định hoãn phát triển các đập thủy điện mới trên sông Mekong trong 10 năm tới, gồm Stung Treng và Sambor, không chỉ là một bước đi đúng đắn về việc chuyển đổi sang các nguồn năng lượng thân thiện môi trường hơn mà còn có thể tạo điều kiện cho những hành động pháp lý quyết liệt hơn của quốc gia này đối với các dự án thủy điện trên lãnh thổ Lào.

Lưu ý, ở đây cái gốc của vấn đề là sự góp mặt của một ‘ông lớn’ thuộc quyền quản lý của Ban chấp hành trung ương đảng cộng sản Trung Quốc. Liệu những người đứng đầu đảng chính trị Việt Nam đủ mạnh mẽ ‘thoát Trung’ đến đâu ở nhiệm kỳ mới sẽ được bắt đầu từ giữa năm 2020?

________________

Chú thích:

[1] http://www.cccme.org.cn/shop/cccme8991/introduction.aspx

[2] http://www.mrcmekong.org/topics/pnpca-prior-consultation/sanakham-hydropower-project/

[3] https://www.internationalrivers.org/sites/default/files/attached-files/xayaburi_legal_analysis_vietnamese.pdf

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)