Định Tường
(VNTB) – Người đứng đầu Ban chỉ đạo cấp Trung ương này, đã không đủ tự tin và cả sự dũng cảm để nhìn nhận những khiếm khuyết trong vai trò là lãnh đạo tối cao quốc gia.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa ra ‘lệnh miệng’ là “kiên quyết không để nhân sự tham nhũng, tiêu cực lọt vào cấp ủy”…
“Phê phán, lên án, tích cực đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; trọng liêm sỉ, danh dự; biết xấu hổ khi bản thân và người thân mắc vào tham nhũng, tiêu cực”, đó là những ý được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc lại tại Hội nghị sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh.
Tổng bí thư khá cảm tính khi ở các phát biểu được gọi là mang tính chỉ đạo tại hội nghị, ông sử dụng cách ví von bóng bẩy, nhưng lại không chỉ rõ làm cách nào để thực thi hiệu quả nhất – như ở lập ngôn hôm 19-6 tại hội nghị kể trên: “Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là cuộc chiến hết sức khó khăn, phức tạp, nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân, nhất định tham nhũng, tiêu cực sẽ được ngăn chặn, đẩy lùi, bởi “Non cao vẫn có đường trèo. Đường dẫu hiểm nghèo vẫn có lối đi”…
Theo dõi các tường thuật của báo chí về hội nghị sơ kết 1 năm hoạt động của ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng (ban chỉ đạo) cấp tỉnh hôm 19-6-2023 thì thấy người đứng đầu Ban chỉ đạo cấp Trung ương này, đã không đủ tự tin và cả sự dũng cảm để nhìn nhận những khiếm khuyết trong vai trò là lãnh đạo tối cao quốc gia.
Xin được nhắc lại để tránh bị quy chụp của điều luật hình sự 331 hay 117, đó là ở Đại hội XIII của Đảng từng đưa ra đánh giá, rằng “trong thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực và trong nước có nhiều biến đổi nhanh chóng, khó lường; cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, hội nhập quốc tế sâu rộng cùng những biến đổi khí hậu, thiên tai bất ngờ đòi hỏi mọi quốc gia, dân tộc phải có nền quản trị quốc gia thích ứng nhanh chóng, sớm đưa ra được các quyết định phù hợp, hiệu quả”.
Như vậy, với Hiến định tại Điều 4.2 Đảng “chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình”, cho thấy trách nhiệm không thể thoái thác ở đây trong quản trị quốc gia thuộc về chính khách đang giữ cương vị Tổng bí thư.
Cũng xin được lưu ý, trước Đại hội XIII, khái niệm “quản trị quốc gia” chưa được đề cập đến trong văn kiện nào của Đảng và Nhà nước, mà chỉ xuất hiện từ thập kỷ 90 thế kỷ XX, trong các văn bản, tài liệu, báo cáo của Liên hợp quốc, UNDP, Ngân hàng Thế giới, v.v..
Tuy nhiên, trong quá trình đổi mới đất nước, hội nhập quốc tế, hoạt động quản lý nhà nước ở Việt Nam đã liên tục có những thay đổi sâu rộng theo hướng quản trị trên nhiều phương diện.
Thí dụ như người dân bắt đầu thấy ngày càng nhiều hơn những cụm từ như: Nỗ lực xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN; Bảo đảm sự tham gia của người dân vào quản lý xã hội: Tăng cường bảo đảm tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước; Bảo đảm sự bình đẳng của các chủ thể trong xã hội và hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương; Bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước và sự đồng thuận xã hội trong việc hoạch định, thực thi chính sách, pháp luật của nhà nước, v.v..
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng đã nhiều lần đề cập đến thuật ngữ “quản trị” trong các lĩnh vực khác nhau như: kinh tế, giáo dục, doanh nghiệp, công nghệ, quản trị rủi ro… Đặc biệt, lần đầu tiên, thuật ngữ “quản trị quốc gia” được nhắc đến, đánh dấu sự phát triển về nhận thức cũng như thực tiễn của Đảng trong xây dựng và phát triển đất nước.
Thế nhưng sau Đại hội XIII, với những gì đang diễn ra lại cho thấy người đứng đầu Đảng đã không nhận ra việc cá nhân của ông đã chưa làm tốt phận sự trong công việc “quản trị quốc gia”, để rồi ông tiếp tục ‘đổ thừa’ rằng đó là vì “đạo đức công vụ” đang có vấn đề về liêm chính…