Trần Dzạ Dzũng
(VNTB) – Đảng độc quyền lãnh đạo nhà nước và xã hội mấy chục năm qua đâu ai dám kiện cáo gì
Tòa án nhân dân quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đã nhận đơn khởi kiện của Công ty cổ phần thể thao Hoàng Anh Gia Lai với Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) xung quanh mâu thuẫn tài trợ ở V-League 2023.
Phép vua thua lệ làng?
Ông bầu Đoàn Nguyên Đức của đội bóng phố núi giải thích lý do khởi kiện VPF ra tòa, là nhằm xóa bỏ quy định tài trợ độc quyền của VPF đang đi ngược với Quy chế bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (sửa đổi, bổ sung năm 2023) và vi phạm quy định pháp luật Việt Nam.
Ông Đức nói: “Điều lệ V-League 2023 mà VPF ban hành ngày 17-1-2023 đi ngược hoàn toàn với Quy chế bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam được Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) Trần Quốc Tuấn ký ban hành vào ngày 4-1-2023. Bởi trong quy chế không có một chữ nào gọi là cấm, là độc quyền cả. Các câu lạc bộ được quyền khai thác, được quyền ký với bất cứ đơn vị nào đúng theo pháp luật”.
“Pháp luật ở đây là pháp luật Việt Nam, là Luật cạnh tranh được Quốc hội thông qua năm 2018 về việc cấm độc quyền. Như vậy, không có bất cứ điều lệ nào từ công ty nhà nước, công ty quốc doanh được đứng trên luật Việt Nam”, bầu Đức nói thêm.
Vẫn theo góc nhìn của bầu Đức, kiện ở đây không phải vì kiện cho Hoàng Anh Gia Lai để đòi tiền bồi thường. “Chúng tôi kiện cho quyền lợi của 14 đội bóng thi đấu ở V-League, đề nghị VPF sửa lại điều lệ để có thể dễ dàng kiếm nhà tài trợ. Ngoài ra, chúng tôi kiện là đòi quyền lợi cho tương lai, lấy được chữ nước tăng lực. Nhà tài trợ Carabao quá thiện chí và nhiệt tình. Họ tin sẽ lấy lại chữ nước tăng lực. Họ tin tưởng vào luật pháp Việt Nam”.
Bút sa nhưng gà không thể chết tức tưởi
Bầu Đức thừa nhận Hoàng Anh Gia Lai có thông qua điều lệ V-League 2023 như các câu lạc bộ khác. “Tuy nhiên, cho dù có thông qua nhưng khi điều lệ ra mà trái với luật thì buộc phải sửa cho đúng luật. Đó là nguyên tắc, chứ không phải nói tới nói lui là Hoàng Anh Gia Lai cũng ký đồng ý như các câu lạc bộ khác”.
Ông đưa ra phân tích với giới báo chí: “Nói vậy thì SHB Đà Nẵng đang chơi bóng đá, ngày mai Eximbank tài trợ cho VPF thì SHB Đà Nẵng nghỉ à. Hay ngày mai, MobiFone ký với VPF thì Viettel nghỉ. Đi xa hơn nữa, Thái Lan không có chuyện tài trợ độc quyền. Châu Âu cũng không có chuyện đó. Tài trợ độc quyền chỉ có ở Việt Nam. Như vậy là hoàn toàn sai. Tôi khẳng định”.
Phía luật sư của bầu Đức giải thích, khoản 2, điều 8 Luật cạnh tranh số 23/2018/QH14 Các hành vi bị nghiêm cấm có liên quan đến cạnh tranh: “Tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, vận động, kêu gọi, ép buộc hoặc tổ chức để doanh nghiệp thực hiện hành vi hạn chế cạnh tranh, cạnh tranh không lành mạnh”.
Điều 66 Quy chế bóng đá chuyên nghiệp (sửa đổi, bổ sung năm 2023) ghi: “Các nhà tài trợ, cơ quan truyền thông là đối tác của đơn vị tổ chức giải và các câu lạc bộ, được hợp tác khai thác các quyền thuộc sở hữu của đơn vị tổ chức giải và của các câu lạc bộ thông qua ký kết hợp đồng theo quy định của pháp luật”.
Đến lượt mình, Điều lệ V-League 2023, điều 37.1 Quyền lợi nhà tài trợ quy định: “Nhà tài trợ chính được quyền quảng bá độc quyền trong các hoạt động tuyên truyền, họp báo, đặt bảng quảng cáo và hoạt động thương mại khác liên quan đến giải”. Điều lệ V-League 2023, điều 39.2 Trách nhiệm dành cho câu lạc bộ tham dự giải quy định: “Các câu lạc bộ không được khai thác tài trợ với các nhãn hàng và ngành hàng cạnh tranh với nhà tài trợ chính kể từ ngày điều lệ giải ban hành hoặc khi có thông báo chính thức từ Công ty VPF”.
… Cớ sao Đảng cũng độc quyền, sao không ai dám ý kiến gì?
Diễn giải điều 39.2 ở trên xem ra vẫn còn nhẹ nhàng lắm so Hiến định tại Điều 4.1, rằng, “Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.
Chính trị cũng là trò chơi với hệ thống những quy định của nó. Việt Nam không chấp nhận cạnh tranh chính trị, vậy thì sao lại cố đeo đuổi trong việc muốn ‘kết án’ một tổ chức hội đoàn thể thao cũng muốn được “quyền độc quyền”?
Xin lưu ý, tất cả người đứng đầu tổ chức hội đoàn thể thao này họ đều là đảng viên – điều đó có nghĩa họ hiểu việc gì ích nước – lợi dân thì cứ việc làm. Vậy phải chăng ở đây là dấu hiệu của “tự chuyển biến” khi mình ông giám đốc không đảng viên lại muốn kiện những đảng viên lãnh đạo đó với yêu cầu họ chấm dứt độc quyền?