VNTB – Đảng làm sao sai được!

VNTB – Đảng làm sao sai được!

Phú Nhuận

(VNTB) – Các chính sách mà đảng đưa ra thì không thể sai được?!

 

Sáng 21-9, tiếp tục chương trình Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng Chín, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu rằng, “xã hội hóa trong y tế cũng rất cần thiết vì nguồn lực Nhà nước dành cho y tế chưa đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Và dù tự chủ, xã hội hóa, vai trò của Nhà nước trong đầu tư cho y tế vẫn là trọng tâm.

Như vấn đề về tự chủ bệnh viện, đây là chủ trương đúng và đã được triển khai thời gian qua, vừa góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm và năng lực khám, chữa bệnh, vừa nâng cao năng lực đổi mới của các bệnh viện…”.

“Tại sao thời gian qua có ý kiến của các đơn vị thực hiện tự chủ theo Nghị quyết 33 của Chính phủ? Vì Nghị quyết 33 của Chính phủ chỉ cho thí điểm trong 2 năm và sẽ chuyển đổi khi các pháp luật về tự chủ được quy định. Thời điểm này chúng ta đã có Nghị định 60 quy định về vấn đề tự chủ cho nên vấn đề xin dừng để chuyển sang thực hiện theo pháp luật và đã được Chính phủ cho phép là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật” – bà Lan nhấn mạnh.

Các phát biểu với những nhấn nhá của bà Đào Hồng Lan đã được một số bác sĩ hành nghề tại Sài Gòn nhìn nhận là “chuyện thiên hạ làm hơn 10 năm rồi giờ nói như mới mẻ lắm, còn thuốc thiếu, vật tư thiếu thì ngậm miệng…”.

Tư cách là “người trong cuộc”, một bác sĩ từng là giám đốc một bệnh viện công chuyên về tim mạch hàng đầu quốc gia, có ý kiến với đề xuất cụ thể khác hẳn “tầm nhìn” của bà quyền Bộ trưởng – xin được trích dẫn ở đây như một tham khảo:

“Vấn đề gây tranh cãi nhất hiện nay liên quan đến xã hội hóa y tế là việc tăng cường lắp đặt các thiết bị chẩn đoán công nghệ cao, mở rộng dịch vụ theo yêu cầu. Có tới hơn 62% liên doanh đã đầu tư các thiết bị chẩn đoán hình ảnh, thiết bị xét nghiệm, dấy lên quan ngại về việc lạm dụng các thiết bị chẩn đoán công nghệ cao, chi phí lớn.

Một số dịch vụ chăm sóc không phù hợp trên góc độ y khoa nhưng được cung cấp theo yêu cầu của người bệnh như là bằng chứng của chất lượng cao. Việc cung cấp dịch vụ đắt tiền cho nhóm người bệnh có thu nhập trung bình hoặc cao gây quan ngại về sự công bằng và tính hiệu quả của các dịch vụ công cũng như nghi vấn về sự phù hợp của mô hình liên doanh chia sẻ lợi nhuận với các mục tiêu của chính sách xã hội hóa.

Việc quản lý chưa hiệu quả các đề án liên doanh cũng tạo ra một số thách thức, dấy lên quan ngại về tính minh bạch trong quá trình lựa chọn đối tác tư nhân, tính cạnh tranh trong đấu thầu tài sản và tính hiệu quả khi thẩm định kế hoạch tài chính.

Khi vào hoạt động, liên doanh không phải tiến hành giám sát hiệu quả hoạt động hoặc thực hiện các quy trình kế toán chuẩn mực. Nhân viên bệnh viện góp một phần vốn đầu tư thiết bị và được hưởng lợi từ việc thu phí sử dụng các thiết bị đó. Do vậy có cơ sở để cho rằng điều này dẫn tới lạm dụng chỉ định các dịch vụ kỹ thuật.

Để giảm thiểu hạn chế của chính sách xã hội hóa y tế, có 6 giải pháp.

Thứ nhất, Chính phủ cần xây dựng các quy định và hướng dẫn liên quan đến những hình thức hợp tác công – tư (PPP) trong lĩnh vực y tế. Thứ hai, xây dựng và tổ chức các khóa đào tạo cho cán bộ quản lý dự án PPP trong ngành y tế; đồng thời, thúc đẩy và phổ biến các thực hành tốt về quản lý các dự án PPP.

Thứ ba, xây dựng danh mục lĩnh vực được phép hợp tác PPP. Thứ tư, các cơ quan quản lý tham gia thẩm định, lựa chọn nhà đầu tư và đàm phán hợp đồng PPP thuộc lĩnh vực mình quản lý. Thứ năm, kiểm tra, giám sát và đánh giá hiệu quả dự án PPP trong lĩnh vực y tế. Thứ sáu, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dự án PPP, công khai, minh bạch các dự án để cơ quan chức năng và người dân theo dõi, giám sát.

Theo vị bác sĩ trên, rất có thể bà quyền bộ trưởng chưa được dàn trợ lý tham vấn đầy đủ, vì một chính sách lớn nằm trong chương trình cải cách vĩ mô, tổng thể về y tế từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước nhằm khuyến khích, huy động mọi nguồn lực xã hội cho các dịch vụ công quan trọng.

Tuy nhiên chính sách này đã đối mặt với thực tế đó là các hoạt động xã hội hóa thường tập trung vào lĩnh vực có khả năng mang lại nhiều doanh thu, dẫn đến tăng chi trả tiền túi của người bệnh.

Đồng thời, chủ trương kể trên chưa mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ cho người dân sống ở khu vực có điều kiện khó khăn hơn, những người không có khả năng chi trả cho dịch vụ y tế đắt tiền. Các bệnh viện trung ương, bệnh viện ở thành phố lớn cũng như người bệnh ở những bệnh viện này được hưởng lợi nhiều hơn so với những bệnh nhân nghèo ở nông thôn.

Bên cạnh đó, các dự án xã hội hóa thường tập trung vào dự án có quy mô nhỏ với thời gian hoàn vốn ngắn thay vì dự án quy mô lớn, đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài.

Người viết bài này cho rằng bà quyền bộ trưởng luôn nghĩ các chính sách mà đảng đưa ra thì không thể sai được, trong đó có cách mà đảng này muốn xã hội hóa y tế theo kiểu đồng nhất xã hội hóa y tế với việc liên doanh, liên kết, đưa tư nhân vào bệnh viện công, dẫn đến nhiều hệ lụy mà giờ ai cũng thấy…


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (1)
  • comment-avatar

    Công tư phải rạch ròi mặc dù cái nào cũng đều chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng.tuy nhiên, bệnh viện công, là nơi mọi người được chửa bệnh ít hoặc không tốn kém.Y tế và giáo dục là hai ngành ưu tiên,đáng lẽ người dân được thụ hưởng không phải mất tiền.