VNTB – Đảng luôn luôn đúng

VNTB – Đảng luôn luôn đúng

Nguyễn Huyền

 

(VNTB) – Với việc “xóa tư cách” về một chức vụ trong quá khứ, cho thấy Đảng luôn luôn đúng (?!)

 

Nhìn từ vụ đảng viên Lê Thanh Hải

Bộ Chính trị quyết định cách chức Bí thư Thành ủy TP.HCM nhiệm kỳ 2010 – 2015 đối với ông Lê Thanh Hải do sai phạm liên quan tới dự án khu đô thị Thủ Thiêm.

Bộ Chính trị cho rằng trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, ông Hải chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ và Thường trực Thành ủy nhiệm kỳ 2010 – 2015 đối với việc lãnh đạo, chỉ đạo đầu tư Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Cá nhân ông Hải đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc của Thành ủy, trực tiếp kết luận về nhiều vấn đề thuộc thẩm quyền của Ban Thường vụ Thành ủy. Với cương vị là Phó bí thư Thành ủy, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Hải chịu trách nhiệm chính về các vi phạm của UBND TP.HCM; trực tiếp ký một số văn bản không đúng với chủ trương của Hội đồng nhân dân TP.HCM và quy định của luật Ngân sách năm 2002, luật Xây dựng năm 2003.

Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm và quá trình công tác, cống hiến, đóng góp của ông Hải đối với TP.HCM, Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật ông Lê Thanh Hải bằng hình thức cách chức Bí thư Thành ủy TP.HCM nhiệm kỳ 2010 – 2015.

Như vậy về mặt “nguyên tắc” lúc viết “tiểu sử điếu văn”, cho thấy ông Lê Thanh Hải (1950 – ) từng là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM từ 2001 – 2006.

Từ tháng 4-2006, ông Hải được bầu vào Bộ Chính trị và từ tháng 6-2006, ông Hải được phân công làm Bí thư Thành ủy TP.HCM nhiệm kỳ 2005 – 2010. Trong nhiệm kỳ 2010 – 2015, ông Hải tiếp tục là Ủy viên Bộ Chính trị, và sau khi nghỉ hưu, ông bị cách chức Bí thư Thành ủy TP.HCM nhiệm kỳ 2010 – 2015.

Tại Đại hội XII, ông Hải không tái cử Ban Chấp hành Trung ương Đảng, kết thúc nhiệm kỳ tại Bộ Chính trị, thôi giữ chức Bí thư Thành ủy TP.HCM.

Đảng luôn đúng!

Một vấn đề lại được đặt ra: giả dụ như thời gian 2010 – 2015, Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM không có Bí thư, vậy thì các hoạt động của Đảng bộ địa phương này sẽ như thế nào?

Tính pháp lý trong chỉ đạo chung của Thành ủy TP.HCM khi ấy liệu có được hồi tố về trách nhiệm? Thậm chí mức lương theo hệ số trách nhiệm của ông Lê Thanh Hải thời gian 2010 – 2015 có hoàn trả lại phần chênh lệch cho ngân sách khi ông bị “cách chức hồi tố”?

Phải chăng việc “cách chức hồi tố” như trường hợp ông Lê Thanh Hải là nhằm đến việc giải thích những sai phạm quản lý xảy ra ở TP.HCM trong thời gian năm 2010 đến 2015, đều không phải lỗi của Đảng, vì khi ấy không có người chịu trách nhiệm cao nhất thành phố này là đồng chí Bí thư Thành ủy (!?).

(Ở đây nếu quả tình ‘con dại – cái mang’ thì cần truy cứu trách nhiệm của người đứng đầu Bộ Chính trị, lý do vì sao lại để ‘khuyết’ vị trí Bí thư Thành ủy TP.HCM; hoặc nếu đã kỷ luật “cách chức hồi tố”, thì liên can đương nhiên phải là cấp trên đã “phân công” đồng chí Lê Thanh Hải vào vị trí Bí thư Thành ủy…).

Hiện tại, trong Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, có điều luật liên quan chuyện “cách chức hồi tố”, nội dung chung chung như sau:

“Cán bộ, công chức sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm gắn với hệ quả pháp lý tương ứng với hình thức xử lý kỷ luật.

Việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu có hành vi vi phạm trong thời gian công tác trước ngày 01 tháng 7 năm 2020 được thực hiện theo quy định của Luật này.

Chính phủ quy định chi tiết khoản này” – Trích Điều 84.5.b.

Lưu ý, điều luật nói trên không có bất kỳ nội dung nào có thể gọi là liên quan chuyện ‘cách chức hồi tố’ như với ông Lê Thanh Hải, hay cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, và cả cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son…

Còn đó những lúng túng

Thứ nhất, người đương chức gây hậu quả pháp lý nghiêm trọng phải xử lý hình sự thì không bị xóa tư cách chức vụ, người đã nghỉ hưu có thể không phải chịu trách nhiệm hình sự thì lại bị xóa tư cách chức vụ.

Thứ hai, rất khó giải thích thế nào là “tư cách chức vụ”, và hiện không có văn bản nào dùng khái niệm này.

Thứ ba, quy định xóa tư cách không tương thích và thống nhất với các quy định về trách nhiệm hình sự trong Bộ luật Hình sự và các quy định về xử lý kỷ luật với cán bộ, công chức, viên chức đương chức.

Ví dụ, Bộ luật Hình sự hiện quy định nếu một cán bộ, công chức giữ chức vụ, quyền hạn cao bị xử lý hình sự phạt tù có thời hạn, chung thân, song họ vẫn không bị xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm. Tương tự, cán bộ, công chức đương chức bị kỷ luật buộc thôi việc cũng không bị xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm trước đó.

Thứ tư, ví dụ một ông nguyên là hiệu trưởng trường đại học ký bằng tốt nghiệp, bây giờ người đó bị cách chức, vậy những ai từng là sinh viên được ông ký bằng thì họ có phải đổi bằng không?

Rồi giả sử ông hiệu trưởng sau đó còn làm lên thứ trưởng, bộ trưởng nữa rồi mới nghỉ hưu. Người này bị cách chức hiệu trưởng do sai phạm ở thời điểm đó, thì không biết chức thứ trưởng, bộ trưởng sau này thế nào? Vì không có cấp dưới làm sao lên được cấp trên, mà ông vi phạm ngay từ dưới rồi kia mà…


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)