VNTB – Đảng phân công, không được cãi

VNTB – Đảng phân công, không được cãi

Mai Lan

 

(VNTB) – Đảng phân công cán bộ tuỳ vào định hướng chính trị của Đảng

 

Nói bà Đào không biết chuyên môn ngành y không nên làm quản lý, giờ nói người giỏi chuyên môn như Tuấn ‘tim’  không nên cho làm quản lý…

Cộng đồng mạng có vẻ mâu thuẫn khi một mặt cho rằng một quan chức chính trị không biết gì về y khoa thì không nên được đặt ngồi ghế bộ trưởng y tế; mặt khác lại cho rằng một thầy thuốc giỏi chuyên môn thì hãy để người ấy chuyên tâm tay nghề, đừng đặt họ vào vị trí quản lý cao cấp.

Cả hai ý kiến trái chiều ở trên, nếu đặt trong bối cảnh thể chế “chính trị độc quyền”, việc đúng – sai còn tùy vào “định hướng” của người đứng đầu Đảng.

Đơn cử, lúc bãi nhiệm chức bộ trưởng y tế của bà Nguyễn Thị Kim Tiến, khi ấy chuyện dịch bệnh ngặt nghèo Covid chưa xảy ra, bởi vậy nên mới xảy ra chuyện Đảng ‘phân công’ ông Vũ Đức Đam, một chính khách ‘mù y tế’ về làm ‘lãnh đạo toàn diện’ bộ y tế, tức quyền bộ trưởng y tế.

Lúc dịch Covid mới lan đến Việt Nam, vị quyền bộ trưởng kể trên vì ‘mù y tế’ nên đã có những tuyên ngôn về dịch giã Covid đúng với thái độ đầy kiêu ngạo rất quen thuộc của một chính khách cộng sản đang ở đỉnh cao quyền lực. Phải đến khi dồn dập các khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới về đe dọa của dịch này thì Đảng mới ‘điều trở lại’ ông Nguyễn Thanh Long, một thứ trưởng y tế đã được ‘bố trí’ sang làm Phó Trưởng ban tuyên giáo trung ương, về trở lại là thứ trưởng thường trực bộ y tế hồi đầu tháng 1-2020, và bảy tháng sau đó là quyền bộ trưởng y tế.

Mười một tháng sáu đó, ngày 7-6-2022, Quốc hội thông qua việc bãi nhiệm đại biểu Quốc hội khóa XV và phê chuẩn đề nghị cách chức bộ trưởng bộ Y tế đối với ông Nguyễn Thanh Long.

Thứ trưởng y tế Đỗ Xuân Tuyên tạm quyền quản lý chung bộ y tế đến trung tuần tháng 7-2022 thì Đảng ‘phân công’ bà Đào Hồng Lan, Bí thư tỉnh ủy Bắc Ninh về làm quyền bộ trưởng y tế. Bà Lan không trải qua bất kỳ trường lớp đào tạo y khoa nào. Chuyên môn có bằng cấp của bà Lan thạc sĩ kinh tế của trường đại học Kinh tế Quốc dân.

Thời điểm bà Lan ngồi vào ghế bộ trưởng thì dịch bệnh Covid đã ‘sóng yên biển lặng’. Tài năng về quản trị của bà Lan ra sao trong vai trò bộ trưởng, đến nay vẫn là mờ nhạt.

‘Mờ nhạt’ đến mức độ nào, thì xin ghi ra đây một câu chuyện người thật việc thật, qua đó cho thấy rất rõ rằng thể chế nào thì cán bộ nấy: Giữa năm ngoái, khi các bệnh viện đều rơi vào tình cảnh thiếu thuốc, giám đốc một bệnh viện tâm sự với báo chí rằng thực ra năm nào cũng thiếu thuốc và vật tư, vì không ai dự tính được có bao nhiêu người ốm vì bệnh này, vì bệnh kia, trong tháng này, trong tháng kia, để có thể mua thuốc và vật tư tiêu hao cho phù hợp.

Nếu mua nhiều mà không có bệnh nhân thì lại đền ốm. Còn mua ít thì thiếu, lại khổ bệnh nhân, bệnh viện cũng không hoạt động được. Dân lại kêu như vạc, như vừa qua.

Vì thế, bệnh viện phải tìm cách xoay xở. Hầu như các bệnh viện đều phải vay của các doanh nghiệp để dùng cho bệnh nhân. Vì có phải muốn mua là mua được ngay đâu, do quy trình đấu thầu rất lâu, có khi nửa năm với trập trùng quy định.

Vay của doanh nghiệp rồi thì phải trả. Nhưng trả bằng cách nào? Chỉ còn cách tạo điều kiện cho họ trúng thầu để xoá nợ, chứ không thì lấy gì trả? Cũng phải chỗ thân quen mới được doanh nghiệp cho vay trước. Toàn tiền tỷ với trăm tỷ. Riêng tính lãi 1 năm đã đủ ốm. Mà tạo điều kiện cho doanh nghiệp đã cho vay trúng thầu, thì bệnh viện sẽ rơi vào “cài thầu” và vi phạm pháp luật.

Đây cũng là vấn đề mà trung tâm kiểm soát dịch bệnh các địa phương (CDC) nhiều tỉnh gặp phải trong đại dịch Covid-19. Không có đủ kit test, để xảy ra bùng dịch, nhiều người tử vong do không phân loại, cách ly được sớm, thì CDC cũng “chết”. Nên phải vay trước để chống dịch.

“Một bác sĩ đầu ngành nói với tôi: Em cứ ra hiệu thuốc tư nhân sẽ thấy, thuốc nội giá chỉ bằng 1/2 thuốc biệt dược cùng loại và hiệu quả điều trị thế nào chỉ bác sĩ chuyên khoa đó mới hiểu. Trong khi hiệu quả điều trị thấp không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế, vì dùng kéo dài, nằm viện lâu, bao chi phí kèm theo, mà còn ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh. Vậy mà để cho những người không chuyên môn phán xét đắt rẻ và hiệu quả điều trị thì thật là…” – một phóng viên chuyên trách mảng y tế đã cho biết như vậy.

Tiếc là đến nay bà bộ trưởng y tế ‘ngoại đạo y khoa’ vẫn chưa đưa ra quyết sách nào để giải quyết căn cơ các vấn đề tương tự như đơn cử ở trên.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)