VNTB – “Đảng tự mình ngày càng xứng đáng trở thành dân tộc” ?!*

VNTB – “Đảng tự mình ngày càng xứng đáng trở thành dân tộc” ?!*

Giang Tử

(VNTB) – Diễn ngôn của ts Nhị Lê hầu hết như dạng khẩu hiệu quá quen tai thiên hạ nửa thế kỷ qua.

Trong bài viết Nhị Lê hai lần nhấn mạnh ý chính rút ra tựa đề trên. Có nghĩa, Nhị Lê không hề nhầm lẫn sơ suất từ ngữ gì cả.

Đảng phải tự mình không ngừng trở thành dân tộc”.

Đó là con đường Đảng tự mình xứng đáng trở thành dân tộc, xứng đáng là “đứa con nòi của giai cấp lao động”, người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân!”.

Trước hết tôi tập trung phân tích câu chủ đề của Nhị Lê để thấy sự vô lý và ngơ ngẩn của nó.

Câu chủ đề “Đảng tự mình ngày càng xứng đáng trở thành dân tộc” 

Đây là loại câu phức hợp, dùng nhiều trạng ngữ bổ sung tham lam. Tuy nhiên ta có thể nhìn thấy câu cốt lõi – câu đơn, từ đó xét các dạng phát sinh mở rộng:

1. Câu cốt lõi: “Đảng trở thành dân tộc” là câu đơn.

Hai khái niệm mà tiến sĩ Nhị Lê không hiểu rõ: đảng và dân tộc. Đây là nguồn gốc ngộ nhận cho cả bài báo.

Đảng là một nhóm người trong cộng đồng dân tộc cùng chung sở thích, tự nguyện tụ hợp theo một qui chế do họ định ra, cùng phấn đấu theo đuổi mục đích đó. “Đảng” tiếng Việt vốn xuất phát từ gốc Hán , chỉ phe nhóm trong cộng đồng họp nhau thành “đảng kinh tế, đảng tôn giáo, đảng buôn lậu”…và sau hết là “đảng chính trị”. Thời hiện đại, đảng chỉ còn là “đảng chính trị” luôn luôn vận động, thay đổi cùng thời cuộc. Khái niệm “đảng cách mạng” chỉ là một sự ngụy biện của loại đảng độc tài, tham vọng cố định bản thân mình vào lịch sử, là một biến tướng của vua chúa phong kiến xác định ngôi vua là của dòng họ, được thượng đế chỉ định với những “điềm báo”, “sấm truyền”.v.v…

Một cộng đồng lẽ thường có nhu cầu hình thành tự nhiên nhiều đảng phái, số lượng bao giờ cũng lớn hơn một. Nếu chỉ có một đảng thì khái niệm đảng là vô nghĩa, khi ấy nó sẽ phải định nghĩa và tự dạng khác. Từ ngữ “đảng” trong tiếng Anh, Pháp (gốc party, partie: một đoàn người, một bữa tiệc đông người, mang tính tạm thời không cố định) và tiếng Hán cũng chung nội dung như vậy. 

Dân tộc: gốc từ Hán Việt. Ai cũng biết “tộc” là dòng họ, dòng tộc, cùng một chủng tộc  hoặc nhánh xây dựng trên tế bào là gia đình. Đặc điểm đầu tiên của dân tộc là một hoặc nhiều dòng tộc chung sống trên một địa bàn, quần tụ dần dần qua lịch sử lâu dài, với nhiều cách hình thành khác nhau (kết hôn, trao đổi tù binh, tự nguyện gia nhập, mua bán lao động, di cư .v.v…). Đặc điểm dễ nhận là cộng đồng cùng chung ngôn ngữ, phong tục tập quán lối sống. Đến một lúc nào đó trong quá trình lịch sử, họ ổn định hình dạng cấu trúc dân tộc.

Hiện nay trên thế giới có cả ngàn dân tộc sống theo từng quốc gia riêng biệt. Lấn cấn trong bản dịch Tuyên ngôn Đảng cộng sản của Mác chinh là chữ “Nation” gốc tiếng Đức, phiên bản Anh tin cậy. Nation có hai nghĩa: dân tộc và quốc gia, tùy theo hoàn cảnh, ngữ cảnh mà chọn nghĩa nào phù hợp. Một dân tộc thuần chủng hình thành một quốc gia thì Nation gồm cả hai nghĩa. Một nhóm dân tộc hình thành một quốc gia đa dân tộc thì có thêm các từ khác để chỉ quốc gia như Country, Fatheland, Motherland, từ ngữ chỉ dân tộc cùng tồn tại sẽ là (the) Peoples.

Hiện nay không có một dân tộc mới nào nảy sinh. Trái lại có một số dân tộc nhỏ bé nguy cơ bị xóa bỏ tự nhiên (Dân tộc Ơ Đu ở Việt Nam nay chỉ còn có 376 người. Người Ơ Đu, còn có tên gọi khác là người Tày Hạt, là một dân tộc ít người có vùng cư trú là huyện Tương Dương phía tây tỉnh Nghệ An và miền Trung Lào).

Lẽ nào Đảng CSVN muốn phấn đấu trở thành “dân tộc thứ 55” với “4 triệu cư dân đảng viên” ? Cái dân tộc mang tên Đảng CS có đảm bảo những đặc điểm của dân tộc được không ?

Các nhà nghiên cứu Trần Gia Ninh, Phạm Nguyên Trường đã so sánh văn bản tiếng Đức, tiếng Anh và tiếng Việt chỉ ra sai lầm của bản dịch tiếng Việt của Nhà Xuất Bản Sự Thật chính là nguồn gốc sai lầm của anh mọt sách Nhị Lê chỉ học sách qua tiếng Việt.

Có người nói vui, khẩu hiệu của lãnh tụ Đảng gần đây cần bổ sung là “Chúng ta kiên định đi theo lập trường của…những người dịch kinh điển Các Mác Lê Nin”.

2. Các câu mở rộng từ câu cốt lõi của Nhị Lê

2.1 “Đảng tự mình … trở thành dân tộc” 

Theo trường ngữ nghĩa của câu 2.1, tức là, có những đảng khác không tự mình, mà phải nhờ “trợ giúp”  để trở thành “dân tộc”. Có lẽ, Nhị Lê nghĩ tới quốc tế cộng sản, quốc tế vô sản  đã trợ giúp đảng của anh ta ? Trên thế giới có đảng nào như vậy không? Không, tức là câu ấy vô nghĩa. Ngay cả Mác cũng từng nói một cách bán trời không văn tự rằng “giai cấp vô sản không có tổ quốc, họ kết liên toàn thế giới thành quốc tế vô sản ” kia mà. Ở nước ta vài nơi còn treo khẩu hiệu “Vô sản các nước liên hiệp lại” có lẽ họ đang hướng tới một “dân tộc mới”, “quốc gia mới” không có lãnh thổ nhất định, chạy lung tung với ngôn ngữ bất đồng.v.v…liệu có thể  sống chung với nhau trong cái “quốc tế vô sản” đó không ?

Câu 2.2. “Đảng ngày càng … trở thành dân tộc” 

Có nghĩa, hiện tại lúc phát ngôn, đảng chưa trở thành dân tộc, còn “đang”. Lượng chưa đổi thành chất, còn sống sượng, non nớt, chưa chín mùi.

Vậy, ngay lúc này đảng là thể loại gì ?

Câu 2.3. “Đảng …xứng đáng trở thành dân tộc” 

Theo trường nghĩa đó, còn có những đảng khác không xứng đáng chăng ? Đảng nào ? Đảng Cộng sản Việt Nam đã dùng bạo lực xóa bỏ tất cả các đảng khác rồi, còn đâu ai mà “xứng đáng” hay không nữa.

Đọc câu này của Nhị Lê, lại nhớ quan điểm của ông Tổng Chủ “Ở Việt Nam, không có một lực lượng chính trị nào khác, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đưa sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”

Câu 2.4. “Đảng …trở thành dân tộc” 

Đây chính là câu đơn nói từ đầu- câu cốt lõi. Câu này hỏng thì tất cả những câu kia đều hỏng.

Coi lại định nghĩa về đảng và dân tộc thì không thể có chuyện cái này biến thành cái kia. Thái Lan có khoảng 10 chính đảng cạnh tranh. Nhưng “Đảng Người Thái yêu người Thái” mang cái tên có vẻ như đã đồng nghĩa với “dân tộc” rồi mà vẫn bị giải thể năm 2007 vì vi phạm Luật bầu cử. Còn một đảng khác mang tên cũng rất dân tộc là “Đảng Tổ quốc Thái” hiện nay chỉ là một đảng nhỏ đang cố gắng cạnh tranh vươn lên.

3. Mác lúc trẻ và lúc già đã khác

Thông cảm cho Marx, khi viết Tuyên ngôn CS, Marx mới 30 tuổi. Khi về già, năm 1882, đã 64 tuổi, chín chắn hơn, Marx từng than thở:
If anything is certain, it is that I myself am not a Marxist.”(dịch: Nếu có bất cứ điều gì chắc chắn, thì đó là bản thân tôi không phải là người theo chủ nghĩa Mác)
[nguồn: In a letter about the peculiar ‘Marxism’ which arose in France 1882: Trong một lá thư về “chủ nghĩa Mác kì dị” phát sinh ở Pháp]”

Có lẽ Mác đã quá ngán ngẩm trước tình trạng: các đảng công nhân châu Âu diễn dịch sai và hiểu sai Tuyên ngôn 1848 (dù chưa đúng đắn) của mình. Ông đành phải tuyên bố ông không phải là người “theo Mác”!

4. Tiến sĩ Nhị Lê

Thiếu một căn bản về ngôn ngữ tiếng Việt mẹ đẻ, anh lại càng thiếu một ngoại ngữ cần để nghiên cứu Mác- Lê đến nơi đến chốn. Nhị Lê lại phụ trách chuyên môn của một tạp chí đình đám mang tên uy lực Tạp Chí Cộng Sản  (dù chẳng có mấy đảng viên đọc). Nghỉ hưu buồn bã anh viết bài báo kỷ niệm 90 năm Đảng của anh không dám đăng trên tạp chí của mình lại gửi đăng ở một tờ báo tầm thường của Bộ Kế hoạch Đầu tư, phải chăng anh thiếu tự tin ? Khi dư luận xã hội phản ứng, anh lại gân cổ cãi chày và đổ hết lỗi cho “sách kinh điển và chủ tịch HCM”, rằng anh chỉ nói lại và gom lại.

Hàng loạt câu cú không rõ nghĩa vì không xác định thì/thời (tenses) trong bài của Nhị Lê khiến cho câu mơ hồ hiểu sao cũng được.

Nói một cách khái quát, Đảng phải tự mình không ngừng trở thành dân tộc

Câu trên có nghĩa tiến sĩ đòi hỏi cho thì tương lai “phải trở thành”. Nhưng rút tựa đề là thì hiện tại hoàn thành (đã trở thành rồi).

Đảng ta là đạo đức, là văn minh”, tiến sĩ dẫn câu nói của ông HCM  cũng không rõ thì. Tức là bản chất đảng là “đạo đức, văn minh” hay là phải phấn đấu mới được như vậy ?

Diễn ngôn của ts Nhị Lê hầu hết như dạng khẩu hiệu quá quen tai thiên hạ nửa thế kỷ qua. Một bài báo không có phát hiện mới – như thế có giá trị gì không?

Tham khảo

Bài của nhà báo Nguyễn Tường Thụy

https://vietnamthoibao.org/vntb-khi-ong-nhi-le-cai/?fbclid=IwAR20fmuOMf9OwRAOXVcJCk_sKKV7aqQaZkHNsJmarljXXIn2Qk-utRoJ22I

 

Bài của Nhị Lê trên báo Đầu tư

https://baodautu.vn/dang-tu-minh-ngay-cang-xung-dang-tro-thanh-dan-toc-d115313.html

 

Bài cãi  chày, cãi cối của Nhị Lê trả lời phỏng vấn VTC.News

https://vtc.vn/chinh-tri/tit-bai-dang-tu-minh-ngay-cang-xung-dang-tro-thanh-dan-toc-gay-tranh-cai-ts-nhi-le-len-tieng-ar526174.html

 

Nhà nghiên cứu Trần Gia Ninh bàn về việc NXB Sự Thật dịch sai “Tuyên ngôn Đảng cộng sản” của Các Mác:

https://www.facebook.com/gianinh.tran.3

 

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)