VNTB – Đạo đức của ưu tiên tiêm chủng là thế nào?

VNTB – Đạo đức của ưu tiên tiêm chủng là thế nào?

TS Phạm Đình Bá

 

Góp ý đổi mới

 

(VNTB) – Các nguyên tắc đạo đức là cơ bản để quản lý nguồn cung vắc xin hạn chế, chúng cũng có thể được áp dụng khi vắc xin COVID-19 được phổ biến rộng rãi, để đảm bảo tất cả mọi người đều được tiếp cận công bằng và bình đẳng.

 

Ở các nước dân chủ, cuộc tranh luận về câu hỏi đâu là cách hợp lý và công bằng để phân phối nguồn cung cấp vắc xin COVID-19 hạn chế đã diễn ra khoảng một năm trước khi các loại vắc xin trở thành hiện thực. Câu hỏi nầy là một trong những câu hỏi căn bản trong đạo đức sinh học (bioethics), ngành nghiên cứu về các vấn đề đạo đức xuất phát từ những tiến bộ trong sinh học và y học (1).

Ở các nước dân chủ, có rất nhiều người Việt làm việc ở các ngành y tế có nhiều trải nghiệm về các vấn đề liên quan đến đạo đức sinh học. Thật vậy, đất nước có một nguồn kiến ​​thức, kỹ năng và kinh nghiệm lớn về đạo đức sinh học nói chung và đặc biệt, về việc phân phối vắc xin chống lại vi rút một cách chính đáng. Tiếc thay, ở trong nước, các quyết định liên quan đến phân phối vắc xin COVID-19 trong bối cảnh nguồn cung hạn chế có vẻ như đã vi phạm những nguyên tắc cơ bản về đạo đức của ưu tiên tiêm chủng, tiêu biểu là thiếu thảo luận rộng rãi trong xã hội, thiếu minh bạch và trong một số trường hợp, vi phạm ưu tiên tiêm chủng (2-3).

Bài nầy tóm lược cách làm việc trong các nước dân chủ để phản biện cách làm việc thô thiển của lãnh đạo trong nước, lấy ví dụ cụ thể từ Ủy ban Cố vấn về Các Nguyên tắc Đạo đức Thực hành Tiêm chủng để Phân bổ Nguồn cung Cấp Ban đầu Vắc xin COVID-19 ở Hoa Kỳ (4). 

Ủy ban nầy tạo dựng một nhóm Công tác rất sớm từ giữa năm 2020. Nhóm Công tác đã xem xét các tài liệu liên quan, bao gồm các khuôn khổ về lập kế hoạch đại dịch cúm và phân bổ vắc xin COVID-19; tóm tắt thông tin này; và trình bày thông tin cho nầy cho Ủy ban Cố Vấn. Ủy ban đã dùng bốn nguyên tắc đạo đức cơ bản để hướng dẫn các quyết định phân bổ vắc xin COVID-19 trong bối cảnh nguồn cung hạn chế. 

Ngoài dữ liệu khoa học và tính khả thi khi triển khai, bốn nguyên tắc đạo đức hỗ trợ Ủy ban trong việc xây dựng các khuyến nghị cho việc phân phối vắc xin COVID-19 ban đầu là: 1) tối đa hóa lợi ích và giảm thiểu tác hại; 2) thúc đẩy công lý; 3) giảm thiểu bất bình đẳng về sức khỏe; và 4) thúc đẩy tính minh bạch. Những câu hỏi thiết yếu xuất phát từ những nguyên tắc này có thể hỗ trợ trong việc lập kế hoạch phân phối vắc xin.

1. Tối đa hóa lợi ích và giảm thiểu tác hại

Việc phân phối vắc xin COVID-19 phải tối đa hóa lợi ích của việc tiêm chủng cho cả người nhận và toàn bộ dân số. Những lợi ích này bao gồm giảm các ca nhiễm với vi rút và bệnh tật và tử vong liên quan đến COVID-19, do đó làm giảm gánh nặng đối với năng lực và cơ sở chăm sóc sức khỏe khi các cơ sở nầy đang bị căng thẳng; duy trì các dịch vụ cần thiết để quản lý dịch bệnh; và duy trì hoạt động của xã hội.

Việc xác định các nhóm mà việc tiêm vắc xin sẽ mang lại lợi ích lớn nhất phải dựa trên bằng chứng khoa học, tính đến những nhóm có nguy cơ cao nhất bị nhiễm vi rút, bị bệnh hoặc tử vong, và vai trò thiết yếu của người lao động. Khả năng duy trì sức khỏe của những người lao động thiết yếu, bao gồm cả nhân viên y tế và nhân viên các ngành nghề (không y tế), phải có tác động cấp số nhân – nghĩa là khả năng duy trì sức khỏe của họ giúp bảo vệ sức khỏe của những người khác hoặc giảm thiểu sự gián đoạn kinh tế và xã hội. Một số nhân viên này có nguy cơ bị nhiễm vi rút cao do công việc đòi hỏi mà họ không có khả năng duy trì khoảng cách cách ly ở nơi làm việc, hoặc vì công việc mà họ không dùng được các thiết bị bảo vệ cá nhân được khuyến nghị để phòng chống vi rút.

2. Thúc đẩy công lý

Thúc đẩy công lý là nghĩa vụ bảo vệ và thúc đẩy cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người được hưởng sức khỏe và hạnh phúc tối đa có thể. Công lý dựa trên niềm tin vào giá trị cơ bản và phẩm giá của tất cả mọi người. Việc phân bổ vắc-xin COVID-19 cần thúc đẩy công lý bằng cách cố ý đảm bảo rằng tất cả mọi người đều có cơ hội được tiêm chủng như nhau, cả trong các nhóm được đề nghị tiêm chủng ban đầu và khi vắc-xin trở nên phổ biến rộng rãi hơn.

Điều này bao gồm cam kết xóa bỏ các rào cản không công bằng, bất công và những rào cản có thể tránh được đối với tiêm chủng khi các rào cản nầy ảnh hưởng không tương xứng đến các nhóm bị thiệt thòi về kinh tế hoặc xã hội, cũng như quy trình thực hiện công bằng và nhất quán. 

Hỏi ý kiến và cẩn trọng trong việc yêu cầu đầu vào, và thu thập ý kiến từ một loạt các bên liên quan, các đối tác và đại diện cộng đồng là đặc biệt quan trọng trong việc phát triển và đánh giá các kế hoạch phân phối vắc xin.

3. Giảm thiểu bất bình đẳng về sức khỏe

Công bằng về sức khỏe đạt được khi mọi người có cơ hội đạt được tiềm năng sức khỏe đầy đủ của mình và không ai bị thiệt thòi do vị trí xã hội hoặc các hoàn cảnh xã hội khác khi cố đạt được tiềm năng này. Các dữ liệu cho thấy chênh lệch về mức độ nghiêm trọng của COVID-19 và hậu quả tử vong, cũng như sự bất bình đẳng trong các yếu tố xã hội quyết định sức khỏe, chẳng hạn như thu nhập hoặc tiếp cận và sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Các cách phân phối vắc xin nên nhằm mục đích vừa giảm bớt sự chênh lệch hiện có vừa không tạo ra sự chênh lệch mới. Cần nỗ lực xác định và loại bỏ các rào cản đối với việc tiêm vắc xin, bao gồm cả việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe hoặc cư trú hạn chế ở các vùng nông thôn, khó tiếp cận.

4. Thúc đẩy sự minh bạch

Tính minh bạch liên quan đến quá trình đưa ra quyết định và là điều cần thiết để xây dựng và duy trì lòng tin của dân trong quá trình lập kế hoạch và thực hiện chương trình vắc xin. Các nguyên tắc cơ bản, quy trình ra quyết định và kế hoạch phân phối vắc xin phải dựa trên dữ liệu khoa học, phải được diễn đạt rõ ràng, dễ hiểu và công bố rộng rãi. Trong phạm vi có thể trong tính cấp thiết của cách chống dịch, nên tạo điều kiện thuận lợi cho sự tham gia của dân vào việc tạo dựng và xem xét quá trình ra quyết định.

Ngoài ra, khi khả thi, việc thu thập dữ liệu và theo dõi việc quản lý vắc xin cho các nhóm được đề nghị phân phối vắc xin ban đầu có thể góp phần minh bạch và tin tưởng vào quy trình. Trong cách chống dịch linh hoạt với những biến chuyển của đại dịch, tình hình liên tục phát triển khi có dữ liệu và thông tin mới. Bởi vậy, tính minh bạch bao gồm việc minh bạch và rõ ràng về mức độ chắc chắn trong các bằng chứng đã có và truyền đạt sự cố là các thông tin mới có thể thay đổi các đề xuất kịp thời.

Đối với giai đoạn nguồn cung vắc xin COVID-19 bị hạn chế, Ủy ban đã xem xét bốn nhóm để phân bổ vắc xin. Những nhóm này bao gồm 1) nhân viên chăm sóc sức khỏe, 2) những người làm công tác thiết yếu khác, 3) người mắc các tình trạng bệnh lý có nguy cơ cao, và 4) người lớn ≥65 tuổi, bao gồm cả người dân ở các cơ sở chăm sóc sức khỏe và y tế dài hạn. Tất cả bốn nhóm được đề xuất phân phối vắc xin COVID-19 ban đầu đều được cân nhắc trên dữ liệu khoa học sẵn có, các cân nhắc về việc triển khai vắc xin và các nguyên tắc đạo đức. Nguyên tắc minh bạch được áp dụng trong toàn bộ quá trình ra quyết định phân bổ vắc xin. 

Các cuộc họp thảo luận về ưu tiên vắc xin được mở công khai, biên bản cuộc họp và webcast lưu trữ có sẵn trực tuyến, dữ liệu (bao gồm dữ liệu từ các thử nghiệm lâm sàng vắc xin) và các phương pháp phân tích được sử dụng để phát triển các khuyến nghị được công bố công khai. Ủy ban mời công chúng gửi các bình luận bằng văn bản cho ủy ban hoặc đưa ra bình luận trong các cuộc họp mở của ủy ban. Ủy ban có đại diện từ các tổ chức liên lạc tạo điều kiện thuận lợi cho việc tham gia với các tổ chức cộng đồng, các tổ chức y tế chuyên nghiệp, các tổ chức sức khỏe cộng đồng và các bên liên quan và đối tác khác.

Trong thời kỳ đại dịch, các hướng dẫn đạo đức có thể giúp chỉ đạo và hỗ trợ các quyết định xoay quanh việc ưu tiên các nguồn lực vắc xin hạn chế. Việc cân nhắc các giá trị và nguyên tắc đạo đức đã nổi bật trong các cuộc thảo luận về việc phân bổ vắc xin. Việc cân nhắc này đặc biệt phù hợp vì đại dịch COVID-19 đã làm nổi bật những bất bình đẳng xã hội và khác biệt về sức khỏe giữa các nhóm trong xã hội.  

Ủy ban coi các đặc điểm sau là quan trọng đối với cách tiếp cận đạo đức của ủy ban đối với việc phân bổ vắc xin COVID-19 khi nguồn cung hạn chế: i) tính đơn giản trong định nghĩa và cấu trúc; ii) khả năng chấp nhận đối với các bên liên quan; và iii) dễ dàng áp dụng, ở cả cấp quốc gia và địa phương.

Việc phân bổ nguồn cung cấp vắc xin hạn chế rất phức tạp do những nỗ lực nhằm giải quyết nhiều mục tiêu của một chương trình vắc xin, đặc biệt là những mục tiêu liên quan đến giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong, và giảm thiểu sự gián đoạn đối với xã hội và nền kinh tế. Nếu các mục tiêu của chương trình tiêm chủng phòng chống đại dịch không được trình bày rõ ràng và ưu tiên, thì việc phân biệt giữa các nhóm mà việc cân nhắc phân phối vắc xin khi nguồn cung bị hạn chế có thể trở nên khó khăn. 

Các nguyên tắc đạo đức là cơ bản để quản lý nguồn cung vắc xin hạn chế, chúng cũng có thể được áp dụng khi vắc xin COVID-19 được phổ biến rộng rãi, để đảm bảo tất cả mọi người đều được tiếp cận công bằng và bình đẳng.

__________________

Nguồn:

Số 1. Sass HM. Fritz Jahr’s 1927 concept of bioethics. Kennedy Institute of Ethics Journal. 2007;17(4):279-95.

Số 2. VNTB. Tiêm vắc xin ‘xịn’ nhờ quan hệ: Bệnh thích khoe khoang hay bất nhẫn, vô cảm? https://vietnamthoibao.org/vntb-tiem-vac-xin-xin-nho-quan-he-benh-thich-khoe-khoang-hay-bat-nhan-vo-cam/

Số 3. Thanh Niên. Chủ tịch Quảng Nam yêu cầu kiểm điểm sau kế hoạch tiêm vắc xin cho doanh nghiệp. https://thanhnien.vn/thoi-su/chu-tich-quang-nam-yeu-cau-kiem-diem-sau-ke-hoach-tiem-vac-xin-cho-doanh-nghiep-1423483.html

Số 4. The Advisory Committee on Immunization Practices’ Ethical Principles for Allocating Initial Supplies of COVID-19 Vaccine — United States, 2020. Weekly / November 27, 2020 / 69(47);1782-1786. https://www.cdc.gov/mmwr/volumes/69/wr/mm6947e3.htm


 

 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)