VNTB – Đất đai và quốc nạn tham nhũng

VNTB – Đất đai và quốc nạn tham nhũng

Triệu Tử Long

(VNTB) – Rất nhiều người chỉ sau một thời gian làm quan; nhiều chủ doanh nghiệp chỉ sau một vài dự án chỉ định thầu – đổi đất lấy công trình, đã trở nên giàu có. Tất cả những điều đó được coi là hệ lụy của quy định “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”. Quốc nạn tham nhũng cũng từ đó mà ra.

Góc nhìn hình sự

Khiếu kiện về đất đai là hoạt động khiếu kiện nóng bỏng nhất. Người dân khiếu kiện về đất đai rất khổ do những hạn chế lớn từ công tác quản lý đất đai. Thường thì người đi khiếu kiện phải kiên trì đối diện với thời gian, cùng sự nhẫn nại và cả nhẫn nhục, nhẫn nhịn cho chuyện khiếu kiện kéo dài thì mới mong công lý được thực thi.

Trong những vụ việc như vậy, cán bộ quản lý đất đai vừa làm sai, lại vừa cố tình không nhận sai. Có không ít vụ việc, các quyết định hành chính liên quan bị hủy do cán bộ làm sai, do không nhận sai, các hành vi hành chính sai của cán bộ làm dân khiếu kiện khổ sở… nhưng lại rất hiếm khi trách nhiệm hình sự được đặt ra.

Cái đáng bàn ở đây là ngay khi ‘nhận sai’ thì việc ‘bắt bỏ tù’ về tội ‘ăn đất’ cũng không mấy dễ dàng. Cụ thể là tội danh quy định tại Điều 229, Bộ luật hình sự 2015, có định lượng hậu quả dẫn đến phải chịu trách nhiệm hình sự như sau: phải có hành vi lợi dụng hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn giao đất, thu hồi, cho thuê, cho phép chuyển quyền sử dụng, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trái quy định của pháp luật thuộc một trong các trường hợp sau đây “Đất trồng lúa có diện tích từ 5.000 mét vuông đến dưới 30.000 mét vuông ; đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất có diện tích từ 10.000 mét vuông đến dưới 50.000 mét vuông ; đất nông nghiệp khác và đất phi nông nghiệp có diện tích từ 10.000 mét vuông đến dưới 40.000 mét vuông;

Đất có giá trị quyền dụng đất được quy thành tiền từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng đối với đất nông nghiệp hoặc từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng đối với đất phi nông nghiệp; Đã bị kỷ luật mà còn vi phạm”… thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều luật định lượng hậu quả thiệt hại quá lớn, dẫn đến khó xử lý hình sự cán bộ có vi phạm vừa và nhỏ. Quan chức quản lý đất đai là người hiểu biết, nên họ có thể dễ dàng nắm được và biết cách lách qua điều luật kể trên.

Gần đây, các quan chức bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” khá nhiều. Tuy nhiên, trong cấu thành tội danh này, không có yếu tố vụ lợi – như vụ ông Nguyễn Thành Tài, một cựu phó chủ tịch thường trực của Ủy ban Nhân dân TP.HCM, được quy ‘động cơ phạm tội’ là ‘quan hệ tình cảm trai gái’. Dư luận cho rằng truy tố họ về tội danh này liệu có đúng thực tế không, bởi khó ai tin được các quan chức cố tình vi phạm các quy định về quản lý đất đai để giúp, làm lợi cho các doanh nghiệp và cá nhân mà họ lại không được “trả công” và không được tí “lợi lộc” nào, ngoại trừ chuyện… ‘thỏa mãn dục vọng xác thịt’ như ông Nguyễn Thành Tài?

Nhà nước nào đang được nhân danh?

Luật Đất đai, Điều 4. Sở hữu đất đai: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của Luật này”.

Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, đặt câu hỏi về việc Nhà nước nào đang được nhân danh ở đây trong chuyện ‘trao quyền sử dụng đất’?.

Ông Hùng nói rằng theo quy định của luật thì việc thu hồi đất thuộc thẩm quyền Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh, nhưng trong thực tế với hàng ngàn, hàng vạn dự án khác nhau Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh không thể ‘quán xuyến’ mọi quyết định, nhất là các dự án thuộc diện chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn, dự án công ích.

Trong thực tế quyền thu hồi đất này chỉ nằm ở một số đơn vị tham mưu, và người có chức có quyền, thiếu hẳn quy chế công khai minh bạch, dân chủ, giám sát của cộng đồng; đa số trường hợp thực hiện theo cơ chế xin – cho, không đấu thầu gây tổn thất rất lớn, tạo điều kiện cho tham ô, tham nhũng và lợi ích nhóm. Ngay cả việc đấu thầu thì cũng ‘độc quyền’ các gói thầu, thậm chí cả việc ‘thông thầu’.

Về thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, theo Điều 59 việc phân cấp giao cho Ủy ban Nhân dân cấp quận – huyện (trong một số tiêu chí được phân cấp) là cần thiết, tuy nhiên theo nhận xét của ông Trần Ngọc Hùng, việc đưa thêm Khoản 3 giao cho Ủy ban Nhân dân cấp xã cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường thị trấn, thì cần xem xét lại. Trong thực tế việc xã cho thuê đất, đặc biệt là sử dụng lâu dài đã bị biến tướng, thậm chí có xã đã giao bán đất dễ dẫn đến sử dụng đất sai mục đích, phá vỡ quy hoạch. Đặc biệt không có cơ chế bắt buộc phải tổ chức đấu thầu các khu đất thu hồi dẫn đến cơ chế thỏa thuận xin – cho – tiêu cực.

Trình tự thủ tục thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh phát triển kinh tế xã hội và việc cưỡng chế thực hiện đã gộp các loại hình vì mục đích quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế xã hội vào một phương thức là bất hợp lý. Nếu vì lợi ích quốc phòng, an ninh công cộng thì người dân ủng hộ và ít có phản ứng, nhưng thu hồi sử dụng đất vì phát triển kinh tế xã hội trong đó có kinh tế, xã hội của cá nhân gia đình mà cũng bị gộp chung vào một điều là không phù hợp.

Đối với mục đích phát triển kinh tế, xã hội cũng cần phân loại vì mục đích phát triển kinh tế, và mục đích xã hội. Nếu vì mục đích xã hội phục vụ lợi ích công cộng sẽ được hộ gia đình cá nhân bị thu hồi đất dễ dàng chấp nhận ít phản ứng, thậm chí nhiều hộ gia đình cá nhân còn ủng hộ như góp đất làm đường, trường học, bệnh viện… Còn về mục đích phát triển kinh tế, đặc biệt các dự án làm nhà ở để bán trong nền kinh tế thị trường, cần có những quy định phù hợp, vì bản thân đất của gia đình cá nhân đang sử dụng cũng là nơi họ làm kinh tế gia đình theo hình thức gián tiếp hay trực tiếp.

‘Thu hồi đất’ nhiều khi là mỹ từ của ‘cướp đất’

Vụ việc Vườn rau Lộc Hưng ở phường 6, quận Tân Bình, TP.HCM là một đơn cử cho việc ‘thu hồi đất’ trên giấy tờ, và tiến hành công khai ‘cướp đất’ trên thực tế, bất chấp trình tự pháp luật liên quan đến quy hoạch – thu hồi đất.

Tại Điều 74 Nguyên tắc bồi thường về đất đai khi nhà nước thu hồi đất, đang có những điểm cần xem xét.

Trước hết, thu hồi đền bù vì mục đích Quốc phòng, An ninh, Công trình công cộng, và vì mục đích phát triển kinh tế là hai phương thức hoàn toàn khác nhau vì người dân ít bức xúc, khiếu kiện đối với dự án vì mục đích quốc phòng an ninh lợi ích cộng đồng. Nhưng đền bù một cách bắt buộc “theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do Ủy ban  Nhân dân cấp tỉnh Quyết định” quy định tại Điều 74 khoản 2 Luật Đất đai (thường là thấp hơn nhiều so với giá thị trường) cho các dự án phát triển kinh tế – đặc biệt là dự án nhà ở, công trình sản xuất kinh doanh – để chủ đầu tư được giao đất, được ăn chênh lệch địa tô lớn là không phù hợp.

Khoản 3 Điều 74 việc bồi thường phải đảm bảo dân chủ, công bằng, công khai kịp thời và đúng quy định của pháp luật đã không được tổ chức thực hiện nghiêm túc tại nhiều địa phương, mà thay vào đó là việc thực hiện mang tính áp đặt, không công khai minh bạch nhất là giá đền bù, mục đích thu hồi đất thiếu dân chủ, công bằng gây khiếu kiện làm mất an ninh trật tự xã hội. Một biểu hiện rất rõ là hàng loạt vụ án liên quan đến cán bộ có chức có quyền đa phần đều dính dáng đến đất đai như cấp đất, thu hồi đất, hưởng lợi, tham nhũng thông qua chi phí không chính thức, xuất ngoại giao, chỉ định thầu…

Một điều đáng lưu ý là việc thu hồi đất đối với các chủ hộ, gia đình có “sổ đỏ”, “sổ hồng” có nhà ở gắn với đất ở. Thực tế các chủ hộ này có đủ các quyền sở hữu: chuyển nhượng, thừa kế, thế chấp… Vì vậy không thể áp dụng hình thức thu hồi, mà cần phải chuyển sang hình thức trưng mua, góp vốn… không thể dùng hình thức bằng văn bản hành chính thu hồi đất như hiện nay, nhất là khi thu hồi đất này lại giao cho chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở, công trình công nghiệp.

“Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”. Nếu vẫn chấp nhận quy định đó, thì cần xem xét trách nhiệm pháp lý của những ‘Nhà nước đại diện chủ sở hữu’ trước quốc nạn tham nhũng đất đai lâu nay.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)