(VNTB) – Đất nước an toàn, nghèo mà bình yên nhưng sao ngồi trong nhà vẫn bị giết?
Đảng cộng sản thường tuyên truyền rằng Việt Nam tuy nghèo mà bình yên, không khủng bố, không xả súng, không chiến tranh… Dư luận viên thì lúc nào cũng tự hào rằng cuộc sống ở Việt Nam an toàn và hạnh phúc nhất nhì thế giới. Thế nhưng an toàn ở đâu không thấy, chứ ngày nào cũng có người chết vì tai nạn giao thông, ung thư, bệnh tật, đâm chém, trộm cướp…
Mới đây, ngày 21/9, một em học sinh lớp 8 ở Ninh Thuận đang ngồi trước sân nhà thì bị một nhóm thanh thiếu niên truy sát, xông vào nhà chém tử vong. Những hung thủ đó chỉ từ 14 tới 18 tuổi, tức là đang còn trong độ tuổi đi học, nhưng chỉ vì mâu thuẫn yêu đương mà dám dùng dao đoạt mạng người khác. Điều đáng nói là vụ án xảy ra ngay trong nhà của nạn nhân, trước mặt cha mẹ của em học sinh kia. Vậy thử hỏi đất nước này có an toàn không khi mà đang sống trong nhà cũng bị giết như vậy?
Đây không phải là việc giải quyết mâu thuẫn giữa các học sinh với nhau nữa mà đã trở thành hành vi bạo lực nghiêm trọng, phản ánh thực trạng đáng báo động về đạo đức, lối sống và sự an toàn trong xã hội. Khi một học sinh sẵn sàng cầm dao giải quyết mâu thuẫn, điều đó chứng tỏ sự thiếu hụt nghiêm trọng về kỹ năng kiểm soát cảm xúc, sự tôn trọng mạng sống của người khác và sự thiếu giáo dục từ nhà trường, gia đình.
Nguyên nhân chính vẫn là từ giáo dục mà ra. Từ mấy mươi năm nay vấn nạn bạo lực học đường đã diễn ra thường xuyên mà trường nào, lớp nào cũng có, thầy cô giáo viên dạy học sinh bằng bạo lực, bạt tai, roi, thước, thì học sinh cũng giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực, nắm đấm, và dao…
Khi đến trường với tâm lý sợ hãi vì bị dọa nạt, sợ xảy ra xích mích với các học sinh đầu gấu trong trường thì không thể tránh khỏi các tổn thương tinh thần lâu dài. Nạn nhân trực tiếp phải đối mặt với nỗi đau thể xác và những ám ảnh tinh thần, có thể dẫn đến các vấn đề tâm lý nghiêm trọng như trầm cảm, lo âu, sợ hãi kéo dài. Thậm chí, nhiều em có thể mất niềm tin vào cuộc sống và trở nên thu mình, khó hòa nhập trở lại với bạn bè, gia đình và xã hội.
Cho dù không bị bắt nạt, nhưng nếu trẻ thường xuyên chứng kiến cảnh bạo lực trong nhà trường cũng sẽ bị sang chấn tâm lý tới khi trưởng thành. Việc tận mắt thấy bạn bè mình bị hành hung có thể để lại những dấu ấn tâm lý nặng nề, ảnh hưởng đến tinh thần học tập và sự phát triển bình thường của các em. Những học sinh khác trong trường cũng sẽ cảm thấy bất an, lo sợ rằng mình có thể trở thành nạn nhân tiếp theo.
Đó chỉ là nói tới việc đánh nhau bằng tay không, hoặc bắt nạt nhau bằng lời nói. Còn dùng dao chém nhau thì cho dù là hung thủ, nạn nhân, hay người chứng kiến cũng bị sang chấn tâm lý vì những hình ảnh ghê rợn máu me chết người đó.
Rồi những học sinh đó ra trường, đi làm, sinh con, con cái của họ lại sẽ chứng kiến, chịu đựng những cảnh bạo lực đó. Câu chuyện này đã xảy ra từ khi những thế hệ 8x, 9x còn đi học, bây giờ thế hệ đó đã sinh con, con cái của họ cũng đang trong giai đoạn đến trường, chịu đúng cái cảnh mà cha mẹ chúng từng chịu. Thì rõ ràng rằng nền giáo dục Việt Nam đang có vấn đề suốt 30-40 năm nay chứ không phải bây giờ.
Cải cách giáo dục là điều chắc chắn phải làm, nhưng không phải chỉ là thay đổi sách giáo khoa hay cách giảng dạy của giáo viên. Mà còn phải chấn chỉnh lại cách quản lý của nhà trường, đào tạo lại cách giải quyết mâu thuẫn của con người với con người. Và giáo dục thì cần thời gian, còn trước mắt phải có chính sách canh tân xã hội để những người trưởng thành sống bao dung, yêu thương nhau và giải quyết vấn đề bằng lời nói nhẹ nhàng, văn minh. Nhưng điều này chắc là quá khó với chế độ cộng sản hiện nay, khi mà cứ mở miệng ra là tự hào, tự cao, tự huyễn hoặc về cái xã hội nghèo mà bình yên này…
____________________
Tham khảo:
(1) https://plo.vn/nam-sinh-lop-8-bi-truy-sat-tu-vong-khi-ngoi-truoc-san-nha-post811288.htm